Cầu đi bộ Trần Nhật Duật trở thành không gian nghệ thuật công cộng
Ngày 3/5, UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, đã tổ chức khai mạc Dự án nghệ thuật công cộng trên cầu đi bộ Trần Nhật Duật kết nối Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân và Trung tâm Văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm.
Cầu đi bộ trên phố Trần Nhật Duật là một lối giao thông đi bộ kết nối khu Phố cổ Hà Nội và khu vực Phúc Tân cửa khẩu Thanh Yên, thuộc quận Hoàn Kiếm. Dự án nghệ thuật công cộng trên cầu đi bộ với chủ đề “Nước” giống như một gạch nối về mặt địa lý giữa hai khu vực phố cổ trong đê và khu vực Phúc Tân ngoài đê, trở thành một không gian nghệ thuật công cộng nối dài với địa điểm Trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm.
Ba địa điểm và không gian nghệ thuật này khi được kết nối với nhau sẽ tạo thành một tour nghệ thuật đi bộ hấp dẫn thu hút khách thăm quan du lịch, kích thích phát triển kinh tế, văn hoá và nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho người dân địa phương. Dự án này cũng giúp thúc đẩy thói quen đi bộ khám phá các di sản văn hoá nghệ thuật trong đô thị, một thói quen cũng dần phát triển trở lại trong những năm gần đây.
Trong không gian Cầu đi bộ, tác phẩm “Thuỷ cung” của hoạ sĩ Vũ Xuân Đông gợi cảm giác giống như một đường hầm Thuỷ cung đầy hấp dẫn với đủ loại mô hình các loài cá đại dương đang bơi lội phía trên vòm cầu. Các loài cá, mực, sứa…được làm từ vỏ chai nhựa, cốc nhựa, ống hút nhựa, ni lông tái chế… được thu gom từ khắp nơi trong thành phố. Sắp đặt các loài cá đại dương được hấp thu ánh sáng bởi hệ thống đèn hắt dọc hai bên vòm cầu cũng như hệ thống ánh sáng đèn led bên trong. Vòm mái nhựa che phủ vòm cầu cũng trở thành một phần của tác phẩm tương tác cùng với hiệu ứng hình ảnh của sắp đặt Thuỷ cung.
Dọc suốt hành lang thành cầu, tác phẩm sắp đặt ánh sáng với chủ đề “Sóng” của hoạ sĩ Lê Đăng Ninh cũng gợi lại ký ức của những lớp sóng sông Hồng chuyên chở phù sa suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Xen giữa những lớp sóng là hình ảnh vẽ tay in mộc bản tái hiện những người lao động đủ các ngành nghề quanh khu vực Hà Nội thời đầu thế kỷ 19 trong nghiên cứu về “Kỹ thuật của người An Nam” của Henri Oger được hiện lên dưới ánh đèn led đủ màu sắc tân kỳ.
Phía chân cầu thang đi bộ từ cả hai hướng được hoạ sĩ Cấn Văn Ân vẽ các bức “Cá chép vượt Vũ Môn” từ kho tàng tranh dân gian Hàng Trống gợi nhắc hành trình học tập rèn luyện của các em học sinh mỗi ngày leo thang bộ đi học giống như hành trình “cá chép hoá rồng”. Ngoài ra còn có một tác phẩm vẽ 3D tương tác với trụ cột cầu thành hình kéo khoá nước chảy tràn và một bức tranh 3D phía sau bức tường đê với hình ảnh những con thuyền giấy rất thân thuộc với tuổi học trò.
Nhóm Nghệ sỹ Vũ Xuân Đông, Lê Đăng Ninh, Cấn Văn Ân và Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn đã thực hiện quan sát thực tế người sử dụng, chủ yếu là những người lớn tuổi, người bán hàng gánh rong…và phần nhiều là học sinh đi học, cụ thể là học sinh trường tiểu học Trần Nhật Duật. Buổi tối ánh sáng chưa đủ, nên mặt cầu khá tối.
Từ khảo sát thực tế cả ban ngày và buổi tối đó, các nghệ sỹ có ý tưởng biến cây cầu đi bộ này trở nên vui tươi, sinh động hơn cũng như được thắp sáng lên thêm vào buổi tối bởi ánh sáng của các tác phẩm sắp đặt nghệ thuật công cộng, có một phần được sử dụng từ vật liệu tái chế.
Lê Quân (Ảnh: Thanh Tùng)