Câu chuyện xuất khẩu nông sản: Nội lực của doanh nghiệp mới là quan trọng
Chúng ta nhắc nhiều tới EVFTA, VN-EAEU FTA, CPTPP… mang lại nhiều lợi thế cho xuất khẩu nông sản Việt. Tuy nhiên, theo các chuyên gia và nhà quản lý, nội lực của doanh nghiệp mới là yếu tố quan trọng.
Chúng ta đang trải qua những chuỗi ngày “đau thương” của nông sản Việt khi gần đây, nông sản liên tục bị ùn ứ tại các cửa khẩu biên giới, hay nỗi đau “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, xuất khẩu nhiều nhưng tiền thu về ít,… Câu chuyện xuất khẩu nông sản đối với một nước nông nghiệp như Việt Nam không mới lạ gì, nhưng vẫn còn nguyên giá trị thời sự, vẫn “nóng” từ thị trường cho tới … nghị trường.
Cần phải biết người nước ngoài thích ăn gì
Mới đây, trước câu trả lời chất vấn mang đầy tâm tư của Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên với đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) về câu hỏi xuất khẩu nông sản “khi nào được giải quyết?”, Bộ trưởng Diên cho rằng “Nếu cách làm cũ, có gì làm nấy, có gì bán nấy sẽ bị động”. Ông Diên cũng nhắc lại chuyện nhiều lần Bộ đã khuyến nghị các vùng trồng, vùng nuôi là phải sản xuất theo tín hiệu thị trường.
Công bằng mà nói, một số mặt hàng nông sản của Việt Nam đã chinh phục được khách hàng tại các thị trường khó tính như: vải thiều, nhãn, chôm chôm,… được người Mỹ rất ưa thích; người Hà Lan, Đức thích cà phê và hạt tiêu của Việt Nam,… Tuy nhiên, chúng ta là nước nông nghiệp, ngành nông nghiệp vẫn chiếm tỉ trọng cao thì vẫn còn rất nhiều “đặc sản” của bà con nông dân đang mong chờ được “xuất ngoại”.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hòa Bình Nguyễn Huy Nhuận cho rằng, muốn xuất khẩu cái gì, xuất đi đâu thì cần phải biết người nước ngoài họ thích ăn gì để từ đó tận dụng lợi thế của địa phương, phát huy điều kiện tự nhiện của tỉnh đó, sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu người nước ngoài. Ở Hòa Bình có một số sản phẩm nông sản xuất khẩu đi Châu Âu, Châu Á như măng, mía, chuối, cam,…
Ông Nhuận cho biết thêm, chúng ta có rất nhiều thứ họ thích ăn, nhưng vấn đề là chúng ta đảm bảo nguồn cung – cầu như thế nào mà thôi.
Theo Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và BVTV tỉnh Hòa Bình Nguyễn Hồng Yến, thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam cũng cần quan tâm đến những đối tượng khách hàng là người Việt Nam ở nước ngoài.
Hiện nay, số lượng Việt Kiều tại các nước tương đối nhiều, trải khắp thế giới. Tuy nhiên, xu hướng ẩm thực vẫn thiên về những món ăn của Việt Nam. Người Việt trong nước cần những hàng gì thì người ở nước ngoài cần cái đó. Nếu tận dụng tốt những ưu điểm này sẽ tạo nên thị trường lớn, tiềm năng cho nông sản Việt. Còn theo các tham tán thương mại tại nhiều nước, thị trường, người tiêu dùng châu Âu và châu Mỹ, người dân châu Á cũng dần biết đến và ưa thích các loại nông sản chủ lực của Việt Nam như: Cà phê, trái cây tươi. Điều này cho thấy cơ hội xuất khẩu của cà phê, trái cây tươi Việt Nam vẫn rất lạc quan.
Nội lực các doanh nghiệp mới là quan trọng
Theo các chuyên gia kinh tế, việc tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) thế hệ mới đã và đang tạo ra nhiều cơ hội cho nông sản Việt Nam tiến vào các thị trường tiềm năng. Tuy nhiên, dưới góc độ doanh nghiệp, ông Đỗ Hoàng Phương – Giám đốc công ty CP Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu (Bắc Giang) cho rằng, các Hiệp định vẫn mang tầm vĩ mô, chưa đáp ứng được nguyện vọng thực tế của các DN. Các doanh nghiệp muốn tham gia thị trường ở mặt hàng của mình, vẫn phải tự tìm hiểu các thông tin thông qua cổng thông tin điện tử Bộ Công thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam,… về các chính sách ưu đãi. Điều này tạo nên sự bối rối cho các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Huy Nhuận ví rằng, thương mại giữa hai nước như hai chợ lớn với nhau, vậy điều gì sẽ quyết định đến việc hàng hóa có xuất khẩu được hay không? Ông cho rằng, năng lực của doanh nghiệp xuất khẩu (như một người bán hàng) và chất lượng của sản phẩm là hai yếu tố quyết định; trong đó năng lực nội tại, kỹ năng của doanh nghiệp mới là then chốt.
“Chúng ta nói nhiều tới hàng rào thuế quan của các nước gây khó khăn cho DN xuất khẩu. Tuy nhiên, nhìn theo hướng tích cực, đó là xu hướng tất yếu của thị trường để tăng chất lượng nông sản đối với các mặt hàng xuất khẩu. Trong khi những sự hỗ trợ của Nhà nước nhiều khi chưa toàn diện, bị bỏ sót những khâu quan trọng (công nghệ sơ chế rất quan trọng nhưng không được đề cập đến – PV), các đề án nuôi trồng, xuất khẩu nông sản không có trọng tâm, trọng điểm, thì nội lực của doanh nghiệp lúc đó mới quyết định được việc có xuất khẩu nông sản được hay không, và xuất khẩu thế nào để hiệu quả, có lãi. Tại Hòa Bình, đến nay chưa có cơ quan nào có được con số chính xác về xuất khẩu nông sản trong một năm trên địa bàn tỉnh, vì nhiều mặt hàng xuất khẩu qua doanh nghiệp ở ngoài tỉnh.”
Cần phải thay đổi tư duy trong xuất khẩu nông sản tại Việt Nam. Muốn xúc tiến xuất khẩu, doanh nghiệp và Nhà nước cần phải thay đổi tư duy, phải có nguồn lực xã hội và điều quan trọng là đích đến của sản phẩm xuất khẩu. Tư duy xuất khẩu cũng thể hiện ở chỗ, không nên vội vàng đặt mục tiêu phải xuất khẩu số lượng lớn, mà hãy đi từ cái nhỏ rồi đến cái lớn. Đơn cử, vào tháng 11/2021, sau nhiều năm tìm giải pháp tháo gỡ, chuyến mía đầu tiên của tỉnh Hòa Bình đã được xuất sang thị trường Đức với số lượng 10 tấn, do Hợp tác xã Dịch vụ nông, lâm nghiệp Tùng Dương (huyện Tân Lạc) sản xuất, công ty TNHH và Đầu tư thương mại Tiến Ngân thu mua, sơ chế đóng gói và xuất qua Công ty Cổ phần phân bón FUSA; đến nay mặt hàng này đã được bạn hàng đặt hàng ổn đinh hàng tháng. Đây là tín hiệu tốt để trong tương lai không xa, sản phẩm mía tím, mía trắng của Hòa Bình sẽ tiếp tục được bán ra tại các thị trường của châu Âu, ông Nhuận cho hay.
Về vấn đề này, Ông Ngô Đức Sinh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Kim Bôi cho rằng, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, để tồn tại và phát triển, bản thân từng DN phải nỗ lực để tìm lối đi riêng cho mình. Các giải pháp mà các DN áp dụng trong thời gian qua là đầu tư thiết bị, công nghệ nhằm đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm; chủ động nguồn nguyên liệu; tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ và đặc biệt là triệt để tiết kiệm chi phí…
Trở lại với tâm tư của Bộ trưởng Diên, trong nền kinh tế thị trường, người sản xuất phải trả lời được câu hỏi sản xuất gì, bán đi đâu và bán cho ai, nhưng bây giờ chúng ta vẫn làm theo thói quen, làm theo tập quán là bán cái mình có chứ không phải bán cái thị trường cần, đây là vấn đề khó.
Vì vậy, Bộ trưởng nhấn mạnh, để nâng cao được năng lực xuất khẩu của Việt Nam ra nước ngoài để tận dụng được cơ hội với đúng nghĩa là hội nhập kinh tế thế giới thì sản phẩm hàng hóa của Việt Nam phải đáp ứng được tiêu chuẩn của thị trường.
Đồng thời, phải nâng cao năng lực của doanh nghiệp Việt để đủ sức tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu, khi đó nội lực kinh tế đất nước mới được nâng lên và hội nhập kinh tế quốc tế mới có ý nghĩa.
THEO VŨ PHƯỜNG (DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP)