Cấp thiết sửa Luật Đầu tư công
“Các quy định pháp lý liên quan đến Luật Đầu tư công chưa thật sự đồng bộ, nhiều nội dung, nhiều khâu với quy trình và thủ tục rườm rà, nặng về phê duyệt …”
Đây là đánh giá của chuyên gia, TS Vũ Đình Ánh xung quanh những bất cập của Luật Đầu tư công năm 2019, Luật đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị xây dựng Luật sửa đổi để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Theo TS Vũ Đình Ánh, các quy định pháp lý liên quan đến Luật Đầu tư công và các luật có liên quan khác tuy đã được bổ sung, chỉnh sửa và hoàn thiện song vẫn chưa thật sự đồng bộ. Vì vậy, các chủ đầu tư và cơ quan quản lý dự án đầu tư công cũng như quản lý tài chính dự án đầu tư công vẫn lúng túng, vướng mắc khi triển khai thực hiện.
Cũng theo vị chuyên gia này, trong quản lý dự án đầu tư công vẫn còn nhiều nội dung, nhiều khâu, nhiều cấp với quy trình và thủ tục rườm rà, phức tạp, nặng về phê duyệt, xin – cho, hợp thức hóa…
“Trong khi đó chưa dành quyền chủ động cho chủ đầu tư đi đôi với tăng quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm; quyền và trách nhiệm của cá nhân với của tập thể chưa được phân định rạch ròi nên không ít dự án đầu tư công chậm triển khai, giải ngân chậm…”, chuyên gia, TS Vũ Đình Ánh nói.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan chủ trì soạn thảo), Luật Đầu tư công năm 2019 được Quốc hội thông qua ngày 13/6/2019 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2020. Cùng với nhiều kết quả đạt được trong quá trình thi hành, việc thực hiện Luật Đầu tư công năm 2019 và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 trong thời gian qua cũng bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể như, việc phân cấp, phân quyền còn chưa triệt để, một số trình tự, thủ tục còn phải trình, báo cáo qua nhiều cấp, gây mất thời gian và ảnh hưởng đến tiến độ triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Bên cạnh đó, một số nội dung còn chồng chéo, chưa được quy định cụ thể hoặc còn có nhiều cách hiểu đối với cùng một nội dung, gây lúng túng cho các bộ, cơ quan và địa phương trong quá trình triển khai như các trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, định nghĩa nợ đọng xây dựng cơ bản, phạm vi dự án sử dụng vốn đầu tư công và nhiệm vụ sử dụng chi thường xuyên, quy định về thẩm quyền kéo dài thời gian bố trí vốn, kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân đối với vốn từ nguồn thu hợp pháp của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư…
Ngoài ra còn một số tồn tại, hạn chế phát sinh trong quá trình triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Về mục đích, theo cơ quan chủ trì xây dựng, Luật Đầu tư công (sửa đổi) sẽ tiếp tục thể chế hóa các nội dung đã được Đại hội Đảng, Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị quyết nghị liên quan đến việc sửa đổi, ban hành các chính sách về đầu tư công nhằm đáp ứng yêu cầu về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội trong thời kỳ mới, trên cơ sở kế thừa, phát huy những ưu điểm, kết quả đạt được của Luật Đầu tư công năm 2019, khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.
Luật Đầu tư công (sửa đổi) sẽ nghiên cứu để thể chế hóa một số nội dung thí điểm trong thời gian vừa qua đã phát huy hiệu quả, đồng thời bổ sung quy định cụ thể cho một số đối tượng, nguồn vốn đầu tư công phát sinh thực tế trong quá trình triển khai nhưng chưa có quy định để điều chỉnh cụ thể, phù hợp với tính chất và yêu cầu quản lý đối với các đối tượng, nguồn vốn này.
Cơ quan chủ trì soạn thảo cho biết, Luật Đầu tư công (sửa đổi) hướng đến việc tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với đơn giản hóa trình tự, thủ tục, phát huy tính linh hoạt, chủ động, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý và thực hiện kế hoạch đầu tư công nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công.
Trước đó, tại Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn, được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đây cũng là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH), các bộ, ngành địa phương phản ánh, đề xuất.
Điển hình như ý kiến của đại biểu Triệu Quang Huy (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn) phản ánh, vốn cho việc thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư trong việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm chưa được quy định cụ thể trong Luật Đầu tư công.
“Ngày 02/9/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Công văn số 7891/BKHĐT-TH về việc thực hiện phân bổ, giao kế hoạch vốn, giải ngân vốn đầu tư công cho nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, tuy nhiên, chưa quy định rõ các Bộ, ngành, địa phương được sử dụng nguồn vốn nào để chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư trước khi được cơ quan có thẩm quyền giao kế hoạch vốn đầu tư công” – đại biểu nói.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên) cũng chỉ rõ, theo quy định của pháp luật hiện hành, khi có tiền, xác định rõ nguồn vốn mới được lập dự án đầu tư nên cần phải mất một thời gian chuẩn bị đầu tư dự án mới có thể giải ngân được. “Đây là một trong những vướng mắc, điểm nghẽn, là nguyên nhân dẫn đến việc triển khai giải ngân vốn đầu tư công gặp khó khăn và chậm tiến độ”, đại biểu nhấn mạnh.
Cũng bình luận về vấn đề này từ thực tế triển khai Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô, ĐBQH Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội) cho biết, đây là Dự án quan trọng quốc gia được Quốc hội cho phép giao trực tiếp cho địa phương có liên quan quản lý. Đồng thời, Dự án được thực hiện cơ chế đặc thù là tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư. Chính nhờ cơ chế đặc thù này nên tiến độ triển khai Dự án rất nhanh. Chỉ một năm sau khi được Quốc hội thông qua, về cơ bản công tác giải phóng mặt bằng đã hoàn thành, trong khi phần lớn các dự án khác ở một số địa phương luôn ách tắc chính là ở khâu này.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, việc trao quyền cho địa phương thực hiện thực chất là giao trách nhiệm để đảm bảo tiến độ dự án, đồng thời cũng tạo cơ chế để giám sát tốt hơn. Bên cạnh sự giám sát của cơ quan quản lý ở Trung ương thì người dân địa phương cũng được tham gia nhiều hơn trong quá trình giám sát đầu tư, thực hiện hoạt động của dự án.
Vì vậy, đại biểu đề nghị cần xem xét, đánh giá tổng thể việc thí điểm cơ chế đặc thù để có những điều chỉnh và tạo, cơ chế chính sách mới, áp dụng cho nhiều dự án mới.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp