Cần tiếp tục hoàn thiện chính sách thuế bảo vệ môi trường
Mặc dù đã góp phần nâng cao trách nhiệm và nhận thức của xã hội, tuy nhiên, chính sách thuế bảo vệ môi trường vẫn còn đó nhiều hạn chế, bất cập, cần tiếp tục hoàn thiện…
Quá trình đô thị hóa tăng nhanh kéo theo đó là các tác động xấu đến môi trường, nhằm giảm lượng phát thải gây ô nhiễm không khí, ngày 15/11/2010, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Thuế bảo vệ môi trường (BVMT). Đây được cho là một trong những công cụ quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.
Thực tế cho thấy, thuế BVMT không chỉ góp phần nâng cao trách nhiệm và nhận thức của xã hội đối với môi trường mà còn khuyến khích sản xuất, tiêu dùng hàng hóa thân thiện với môi trường; qua đó, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế bền vững, khuyến khích phát triển kinh tế đi liền giảm ô nhiễm môi trường.
Đồng thời, chính sách này cũng góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế – xã hội của đất nước, trong đó, có chi giải quyết các vấn đề môi trường, giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho Nhà nước trong việc quản lý và BVMT.
Cụ thể, số thu từ thuế BVMT liên tục tăng ổn định từ năm 2012 đến nay. Thống kê cho thấy, số thu thuế BVMT năm 2012 là khoảng 11.676 tỷ đồng; năm 2013 là khoảng 11.849 tỷ đồng; năm 2014 là khoảng 12.087 tỷ đồng; năm 2015 là khoảng 27.020 tỷ đồng; năm 2016 là khoảng 43.142 tỷ đồng; năm 2017 là khoảng 44.825 tỷ đồng; năm 2018 là 47.050 tỷ đồng và năm 2019 là 63.079 tỷ đồng. Tỷ lệ thu thuế BVMT so với tổng thu ngân sách Nhà nước đã tăng từ hơn 1% lên hơn 4% (năm 2019 là 4,07%).
Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng kể nêu trên, tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện chính sách thuế BVMT vẫn còn đó không ít khó khăn, vướng mắc, cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện đảm bảo phù hợp với thực tiễn.
Theo TS. Nguyễn Thị Kim Ngân – Trường Đại học Mỏ – Địa chất, việc đánh thuế ô nhiễm tại Việt Nam vẫn chưa bao phủ được các đối tượng gây ô nhiễm, mức thuế áp đặt chưa được nghiên cứu theo hướng hiệu quả là do áp lực ngân sách Nhà nước.
“Luật Thuế bảo vệ môi trường nêu ra 8 nhóm đối tượng phải chịu thuế môi trường bao gồm: xăng dầu, mỡ nhờn; than đá; túi ni lông; thuốc diệt cỏ thuộc loại hạn chế sử dụng… Tuy nhiên trên thực tế, có nhiều sản phẩm, hàng hóa mà việc sử dụng có khả năng gây ô nhiễm môi trường, nhưng lại chưa đưa được vào diện điều chỉnh của Luật Thuế bảo vệ môi trường. Ví dụ như khí thải công nghiệp, thuốc lá, chất thải phóng xạ, một số những chất gây độc hại: các loại hóa chất (gồm cả axit vô cơ, xút, hóa chất bảo vệ thực vật, dung môi hữu cơ, thủy ngân…); đồ điện tử (phát sinh chất thải điện tử); cao su (săm, lốp,..); polime…”, vị chuyên gia này nhận định.
Đồng quan điểm đã nêu, nhiều ý kiến cũng cho rằng, quy định về khung và mức thuế BVMT đối với các hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế chưa đảm bảo phù hợp với mức độ gây ô nhiễm môi trường của các hàng hóa.
Theo đó, Biểu thuế BVMT áp dụng từ ngày 01/01/2019 quy định: thuế BVMT với xăng là 4.000 đồng/lít; dầu diesel là 2.000 đồng/lít; riêng các loại than đá có mức tối đa là 30.000 đồng/tấn, quy đổi tính trên ty lệ phát thải carbon, xăng phải đóng thuế BVMT tương đương 74,9 USD/tấn CO2, dầu phải đóng thuế BVMT tương đương 32,7 USD/tấn CO2, trong khi than đá chỉ đóng thuế BVMT tương đương 0,5 USD/tấn CO2. Điều đó cho thấy thuế suất BVMT của xăng cao gấp 156 lần so với than đá và của dầu diesel cao gấp 68 lần so với than đá.
Trong khi đó, theo thống kê của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố, tổng phát thải CO2 do tất cả các hoạt động đốt nhiên liệu của Việt Nam trong các năm, thì than đá chiếm 60%, xăng dầu chiếm 28% và khí thiên nhiên chiếm chiếm 12%; có nghĩa than đá mới chính là nguồn phát thải gây ô nhiễm chi phối tại Việt Nam, chứ không phải xăng dầu.
Chưa kể, số liệu thống kê cũng cho thấy, tổng thu thuế BVMT năm 2021 là 58.592 tỷ đồng (chiếm 3,5% cơ cấu thu ngân sách Nhà nước); trong đó thu từ dầu là 56.954 tỷ đồng chiếm gần 97,9%. Như vậy, đang có sự thiếu công bằng về thuế khi xăng dầu chỉ đóng góp 28% lượng phát thải, nhưng phải đóng góp đến 97,9% thuế BVMT.
Trước hiện trạng đã nêu, các chuyên gia khuyến nghị, cần nâng cao hiệu quả thi hành Luật Thuế BVMT cũng như hoàn thiện khung khổ pháp lý về loại thuế này.
Góp ý xây dựng chính sách, TS. Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, cần xem xét, bổ sung danh mục các hàng hoá, sản phẩm chịu thuế môi trường để từ đó có quy định đầy đủ, chi tiết hơn về đối tượng chịu thuế, các trường hợp không chịu thuế BVMT nhằm đảm bảo được việc quản lý thu thuế chính xác, tránh các trường hợp gian lận, sai sót trong kê khai, tính thuế cũng như quản lý thuế, phát huy được vai trò BVMT của chính sách thuế này.
Đồng thời, cần rà soát, tính toán, đánh giá mức độ gây ô nhiễm của các hàng hóa chịu thuế để xây dựng mức thuế phù hợp với từng hàng hóa, đảm bảo mức thuế BVMT được xây dựng tương ứng với mức độ gây ô nhiễm của hàng hóa. Việc ấn định các mức thuế suất cụ thể phải dựa trên các căn cứ khoa học nhằm chứng minh các mức thuế suất này “được xác định theo mức độ gây tác động xấu đến môi trường của hàng hóa”.