Cần thiết luật hoá hành vi thao túng chứng khoán

Để minh bạch thị trường, bảo vệ quyền lợi cho các nhà đầu tư, không ít ý kiến cho rằng, việc luật hóa hành vi thao túng chứng khoán khi sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Chứng khoán 2019 là cần thiết…

Cần thiết luật hoá hành vi thao túng chứng khoán
Bộ Tài chính đang đề xuất sửa đổi một số điều của Luật Chứng khoán 2019 và lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động – Ảnh minh họa

Theo đó, Bộ Tài chính đang đề xuất sửa đổi một số điều của Luật Chứng khoán 2019 và lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động. Đáng nói, tại lần sửa đổi, bổ sung này, cơ quan soạn thảo đã đề xuất luật hóa hành vi thao túng thị trường chứng khoán.

Cụ thể, cơ quan soạn thảo cho biết, thông qua công tác giám sát, kiểm tra giao dịch thời gian qua, Bộ Tài chính nhận định cần thiết luật hóa quy định về hành vi thao túng tại Nghị định 156/2020/NĐ-CP để đảm bảo phù hợp với thực tế diễn ra trên thị trường.

Các hành vi cụ thể được xác định như: Mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường; đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua, bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự…

Cần thiết luật hoá hành vi thao túng chứng khoán
Liên quan đến Dự thảo đã nêu, nhiều ý kiến cho rằng, việc luật hóa hành vi thao túng chứng khoán khi sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Chứng khoán 2019 là cần thiết – Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, theo Bộ Tài chính, hiện chưa có quy định nghiêm cấm người nội bộ của công ty đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng, quỹ đại chúng và người có liên quan của các đối tượng này không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch. Điều này gây khó khăn trong xử lý, phòng ngừa vi phạm trên thị trường, do đó, cơ quan này này đề nghị nghiêm cấm hành vi trên trong hoạt động chứng khoán

Cùng với các đề xuất đã nêu, tại Dự thảo, Bộ Tài chính còn đề xuất một số nội dung đáng chú ý về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến hồ sơ, tài liệu báo cáo; nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; chào bán chứng khoán… trong đó, với quy định nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp, Dự thảo đề xuất bổ sung quy định, nhà đầu tư phải tham gia đầu tư chứng khoán trong thời gian tối thiểu 2 năm; có tần suất giao dịch tối thiểu 10 lần mỗi quý trong 4 quý gần nhất; thu nhập tối thiểu 1 tỷ đồng/năm trong 2 năm gần nhất…

Nhìn nhận về đề xuất đã nêu, không ít ý kiến cho rằng, việc luật hoá những quy định hành vi thao túng thị trường đã được quy định trước đó tại Nghị định 156/2020/NĐ-CP của chính phủ là cần thiết để khắc phục những tiêu cực, hạn chế, bất cập phát sinh của thị trường.

Theo ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, thời gian qua nhiều vụ việc xả ra và gây ảnh hưởng thiệt hại cho các nhà đầu tư. Rõ ràng nhất là những hành vi này thường xuất hiện ở nhóm cổ phiếu vốn hoá nhỏ, có độ rủi ro cao và tính đầu cơ cao. Do đó, với lượng giao dịch của nhà đầu tư nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ khá lớn giá trị giao dịch trung bình hàng ngày của thị trường, việc bổ sung thêm quy định về hành vi thao túng sẽ góp phần giảm bớt thiệt hại trên thị trường.

Đồng quan điểm, không ít ý kiến cũng cho hay, những giải pháp ngăn chặn thao túng thị trường chứng khoán hiện đang tập trung vào hình thức, chưa đi sâu vào thực chất. Chẳng hạn, việc bán chui cổ phiếu diễn ra rất phổ biến nhưng chưa có biện pháp ngăn chặn triệt để. Vì vậy, giải pháp đơn giản là chỉ cần bắt buộc lãnh đạo doanh nghiệp và những người liên quan phải mở một tài khoản đặc biệt, muốn bán thì phải có sự chấp thuận của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước hoặc Sở Giao dịch chứng khoán…

Cùng với những nội dung đã nêu, thực tế trên thị trường chứng khoán thời gian qua cho thấy, không ít sai phạm liên quan báo cáo tài chính nhưng chỉ một số vụ bị xử lý hình sự. Trong những vụ này, vai trò của công ty kiểm toán rất mờ nhạt trong khi về lý thuyết, họ là người đầu tiên phát hiện sai phạm hoặc những vấn đề của doanh nghiệp để đưa ra ý kiến loại trừ hoặc cảnh báo cho các nhà đầu tư biết.

Vì vậy, góp ý cho Dự thảo Luật Chứng khoán 2019 (sửa đổi) nhiều ý kiến cũng cho hay, Dự thảo cần quy định chặt chẽ và nâng cao vai trò, trách nhiệm của công ty kiểm toán trong việc phát hiện sai phạm của doanh nghiệp để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư. Việc tăng cường biện pháp có tính răn đe hơn đối với trường hợp làm giá, lũng đoạn thị trường chứng khoán sẽ góp phần tạo niềm tin cho nhà đầu tư.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Bài Viết Liên Quan

Back to top button