Cần tạo thuận lợi hơn nữa trong thủ tục cấp giấy phép đào tạo lái xe
Góp ý Dự thảo Báo cáo Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan quản lý của Bộ Giao thông vận tải, VCCI đề nghị, cần tạo thuận lợi hơn nữa trong thủ tục cấp giấy phép đào tạo lái xe…
Trả lời Công văn số 9819/BGTVT-PC của Bộ Giao thông vận tải về việc đề nghị góp ý Dự thảo Báo cáo Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải năm 2023 (Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, về cơ bản các phương án đề xuất cắt giảm tại Dự thảo là hợp lý, có tính chất cải cách thủ tục hành chính, góp phần tạo thuận lợi hơn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, để tạo thuận lợi hơn nữa và hoàn thiện Dự thảo, VCCI đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét một số vấn đề.
Cụ thể, trong lĩnh vực đường bộ (Phần I), về thủ tục cấp giấy phép đào tạo lái xe (Mục 2.5), Dự thảo đề xuất phân cấp cho địa phương thực hiện toàn bộ thủ tục hành chính đối với thủ tục cấp giấy phép đào tạo lái xe.
Theo VCCI, điều này là hợp lý, góp phần tạo thuận lợi cho các đối tượng thực hiện thủ tục, tuy nhiên, đối với thủ tục cấp giấy phép đào tạo lái xe, hồ sơ có thể đơn giản hơn nếu đề xuất bỏ yêu cầu phải có “Giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe (bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực)” (điểm d khoản 1 Điều 14 Nghị định 65/2016/NĐ-CP), bởi cơ quan cấp phép đào tạo lái xe cũng chính là cơ quan cấp Giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe, do đó cơ quan này sẽ có thông tin này.
“Vì vậy, đề nghị bổ sung đề xuất bỏ “Giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe” trong Hồ sơ cấp giấy phép đào tạo lái xe, doanh nghiệp chỉ cần cung cấp về thông tin về Giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe và cơ quan cấp phép sẽ tra cứu thông tin trong hệ thống dữ liệu”, VCCI góp ý.
Bên cạnh đó, đối với lĩnh vực đăng kiểm (Phần II), về ngành nghề: đóng mới, hoán cải, sửa chữa tàu biển, Dự thảo đề xuất đơn giản hóa điều kiện về cán bộ kỹ thuật, kiểm tra chất lượng và thợ đóng tàu theo hướng, giảm khoảng 25%, bởi lý do “có nhiều phần mềm hỗ trợ nên có thể giảm số lượng cán bộ kỹ thuật”. Đề xuất giảm số lượng nhân sự sẽ giảm về chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.
Góp ý về vấn đề đã nêu, VCCI cho rằng, theo quy định tại Điều 5 Nghị định 111/2016/NĐ-CP, điều kiện về cán bộ kỹ thuật của cơ sở đóng tàu như sau:
Đối với cơ sở đóng tàu loại 1: 04 người tốt nghiệp đại học chuyên ngành đóng tàu thủy, 04 người tốt nghiệp đại học chuyên ngành máy tàu thủy và 02 người tốt nghiệp đại học chuyên ngành điện tàu thủy;
Đối với cơ sở đóng tàu loại 2: 02 người tốt nghiệp đại học chuyên ngành đóng tàu thủy, 02 người tốt nghiệp đại học chuyên ngành máy tàu thủy và 01 người tốt nghiệp đại học chuyên ngành điện tàu thủy.
Đề xuất giảm 25% số lượng cán bộ kỹ thuật thì cơ sở đóng tàu loại 1 sẽ giảm 03 người hay là 02 người? Cơ sở đóng tàu loại 2 sẽ giảm 01 người hay là 02 người?
Do vậy, VCCI đề nghị, cắt giảm số lượng nhân sự theo hướng số người cụ thể thay vì tỷ lệ %, đồng thời cân nhắc cắt giảm thêm nhân sự so với đề xuất, bởi tàu biển khi đưa vào sử dụng đều phải được đăng kiểm và được cấp các giấy chứng nhận kỹ thuật về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, điều kiện đảm bảo lao động hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường. Vì vậy, cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa tàu biển phải tự có trách nhiệm bố trí nhân sự để đảm bảo chất lượng của tàu biển.
Ngoài ra, về chế độ báo cáo liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đăng kiểm, VCCI cho biết, theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Thông tư 16/2011/TT-BGTVT thì đơn vị đăng kiểm phải thực hiện Báo cáo sử dụng ấn chỉ kiểm định hàng tháng. Trong khi đó, hoạt động cấp phát ấn chỉ kiểm định được thực hiện theo quý, dựa trên nhu cầu của các đơn vị đăng kiểm. Nhu cầu của các đơn vị đăng kiểm có thể căn cứ vào Báo cáo sử dụng ấn chỉ kiểm định.
“Để giảm thủ tục hành chính, đề nghị cân nhắc điều chỉnh tần suất Báo cáo sử dụng ấn chỉ kiểm định theo quý thay vì theo tháng như quy định hiện hành”, VCCI góp ý.