Cần nới các quy định cho FDI
Trong bối cảnh kinh tế bị ảnh hưởng bởi chính sách của Mỹ, để thu hút FDI, Chính phủ cần có chính sách ưu đãi về thuế, nới lỏng các quy định, tăng thêm ưu đãi cho nhà đầu tư.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính), tính đến ngày 31/3/2025, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam (bao gồm cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần) đạt 10,98 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm 2024. Vốn FDI thực hiện tại Việt Nam trong 3 tháng đầu năm ước đạt 4,96 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức vốn thực hiện cao nhất trong quý I của 5 năm trở lại đây. Cục Thống kê cho rằng, ngoài giữ chân các doanh nghiệp FDI đã hiện diện, Việt Nam cần đảm bảo để thu hút dòng vốn dự định chuyển dịch sang Việt Nam đang gặp khó do thương chiến toàn cầu.

Chia sẻ về những khó khăn thực tế hiện nay, GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết, tình hình chính trị, kinh tế, thương mại và đầu tư thế giới biến động khó lường tạo ra những thách thức đối với tăng trưởng kinh tế đất nước, cũng như hoạt động thu hút FDI nói riêng. Điển hình, trong bối cảnh kinh tế bị ảnh hưởng bởi chính sách của Mỹ, cơ sở sản xuất trong lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là điện tử, chất bán dẫn, phụ tùng ô tô, kinh tế số và công nghệ thông tin của Việt Nam đang phát triển. Các công ty Hàn Quốc sẽ có xu hướng mở rộng đầu tư vào công nghệ thông tin, phát triển phần mềm và AI.
“Để Việt Nam thu hút FDI từ Hàn Quốc ở những lĩnh vực then chốt như công nghiệp bán dẫn, AI, Big Data, năng lượng sạch, Chính phủ cần có chính sách ưu đãi về thuế, nới lỏng các quy định, tăng thêm ưu đãi cho nhà đầu tư”, ông Mại gợi ý.
Bên cạnh đó, ông Mại cho rằng, việc hoàn thiện thể chế đòi hỏi những chuyển biến đột phá trong tư duy và hành động để phát huy lợi thế so sánh, nâng cao năng lực cạnh tranh thu hút FDI, nhất là của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới.
“Cần phải đổi mới căn bản và toàn diện phương thức quản lý nhà nước theo hướng Chính phủ số, chuyển từ kiểm soát sang kiến tạo; từ can thiệp trực tiếp sang gián tiếp; từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phù hợp với nguyên tắc và thông lệ quốc tế, nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho các thành phần kinh tế phát triển”, ông Mại nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm rằng Chính phủ cần đồng bộ thực hiện các giải pháp nhằm giữ chân nhà đầu tư, bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán PHS nhấn mạnh, cần tập trung thu hút và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc đối với các dự án FDI quy mô lớn, công nghệ cao. Ngoài ra, cần phải kể đến việc giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính, chi phí kinh doanh và điều kiện kinh doanh ít nhất 30% vào năm 2025.
Nhìn vào “phép thử” thuế quan để thấy đây là lúc tiếp tục cần có những cải cách cần thiết để Việt Nam giữ vị thế “trung tâm sản xuất” và tăng cường sức hút đầu tư thay cho tâm lý bi quan của một số ý kiến rằng doanh nghiệp FDI sẽ thu hẹp hay dịch chuyển. Đặc biệt là cần cải thiện các điều kiện thị trường và đầu tư, quản lý chi phí, cũng như hiệu suất thủ tục hành chính.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Kenneth Tse, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Nhà máy Intel Việt Nam đã khẳng định rằng, mặc dù gặp phải những khó khăn từ những biến động khó lường của kinh tế thế giới, Việt Nam vẫn duy trì vai trò là một trung tâm sản xuất quan trọng. Để đảm bảo tăng trưởng ổn định cho nền kinh tế, TP Hồ Chí Minh cần tận dụng Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội nhằm đưa ra các chính sách hỗ trợ thiết thực cho các nhà đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao – ngành có động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tăng trưởng bền vững.
Đồng thời, ông Tse nhấn mạnh sự cần thiết của việc cải cách thủ tục hành chính và tối ưu hóa quy trình làm việc, từ đó tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư quốc tế.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp