Cân nhắc kênh đầu tư những tháng cuối năm
Theo chuyên gia, nếu nền kinh tế tiếp tục trì trệ ở những tháng cuối năm thì những kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản khó có sự bứt phá, khi đó tiền gửi vẫn được xem là an toàn dù lãi suất hạ.
Lãi suất khó hạ thêm
Bốn lần hạ lãi suất điều hành liên tiếp trong năm 2023 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam được xem là yếu tố nền tảng, cơ bản giúp hạ nhiệt mặt bằng lãi suất trên thị trường tài chính ngân hàng.
Theo PGS.TS. Phạm Thị Hoàng Anh, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng, mặc dù mặt bằng lãi suất hạ xuống, nhưng tổng vốn huy động tại hệ thống ngân hàng vẫn tăng lên ở mức khoảng 5,9%, dù thấp hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng cũng là mức tăng trưởng dương, bởi một số nguyên nhân sau:
Thứ nhất, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô chưa có dấu hiệu phục hồi rõ nét thì các nhà đầu tư sẽ vẫn giữ tiền gửi tại ngân hàng như một kênh đầu tư tài chính hiệu quả, an toàn. Tính lãi suất thực dương bằng chênh lệch giữa lãi suất danh nghĩa với tỷ lệ lạm phát thì vẫn đang ở mức có thể hấp dẫn các nhà đầu tư.
Thứ hai, các kênh đầu tư thay thế như chứng khoán, bất động sản và một số kênh khác chưa có sự tăng trưởng bền vững, đi kèm với đó là các nguy cơ rủi ro tương đối cao, nên tại thời điểm hiện nay các nhà đầu tư vẫn cho rằng kênh gửi tiết kiệm tại ngân hàng còn phù hợp.
Như vậy, họ sẽ tiếp tục quan sát thêm bối cảnh kinh tế vĩ mô, diễn biến trên thị trường tài chính để đưa ra quyết định đầu tư hiệu quả. Tuy nhiên thời gian tới, sẽ có một lượng tiền gửi tiết kiệm được đáo hạn, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất đã giảm xuống, các nhà đầu tư sẽ nghĩ đến việc dòng tiền của mình phải luân chuyển đến một kênh đầu tư khác hiệu quả hơn.
Việc dịch chuyển dòng tiền như thế nào cũng là câu hỏi tương đối khó, bởi vì theo lý thuyết và thực tế, dòng tiền thường dịch chuyển từ nơi có lãi suất thấp đến nơi có lãi suất cao và từ những nơi thừa vốn sang nơi thiếu vốn. Khi lãi suất tiền gửi thấp thì chắc chắn các nhà đầu tư sẽ nghĩ đến việc tìm các kênh đầu tư khác có thể đem lại tỷ suất sinh lời cao hơn.
Mặt khác, họ cũng phải cân nhắc thêm trong thời gian qua bối cảnh thị trường tài chính tiền tệ quốc tế cũng như trong nước có nhiều biến động, nhà đầu tư tài chính không chỉ dựa vào yếu tố lãi suất mà còn cân đối thêm về nguy cơ rủi ro mà khoản đầu tư đó có thể gặp phải.
“Tôi cho rằng hiện nay, lãi suất đã tương đối thấp ở cả đầu huy động và cho vay nên NHNN sẽ khó có thể hạ lãi suất điều hành. Ngoài ra, mặt bằng lãi suất phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó cung cầu trên thị trường vốn là rất quan trọng. Nếu lãi suất thấp hơn sẽ khiến cho lãi suất thực trong nền kinh tế có thể xuống dưới tỉ lệ lạm phát và dẫn đến lãi suất thực âm, khi đó không phải là điều tốt cho nền kinh tế”, PGS.TS. Phạm Thị Hoàng Anh nhận định.
Lựa chọn kênh đầu tư
Đánh giá về các kênh đầu tư, vị chuyên gia cho rằng hiện nay, thị trường chứng khoán (TTCK) đang được coi là một kênh tương đối hấp dẫn, từ thực tế đến lý thuyết đều chứng minh mỗi lần các ngân hàng trung ương hạ lãi suất, thì TTCK lại có cơ hội để tăng trưởng.
Tuy nhiên, lợi nhuận của tất cả các kênh đầu tư tài chính trong đó có đầu tư chứng khoán đều có mối quan hệ mật thiết với sự tăng trưởng của nền kinh tế thực và nền sản xuất thực. Nói cách khác, thị trường tài chính, TTCK chỉ có thể tăng trưởng bền vững, thể hiện xu hướng rõ ràng, nếu nó được hỗ trợ bởi nền kinh tế đã được phục hồi và sự vững mạnh của hệ thống các doanh nghiệp.
Đối với thị trường bất động sản, đã trải qua giai đoạn trầm lắng và gặp khó khăn trong thời gian dài, yếu tố lãi suất thấp cũng như tín dụng dồi dào là những điều hết sức cơ bản cần thiết để hâm nóng thị trường này. Trên thực tế, có một số phân khúc của thị trường bất động sản đã ấm lên rõ rệt như phân khúc về chung cư ở nội đô; nhưng vẫn cần có những điều kiện đủ để có thể đảm bảo trở thành một kênh đầu tư bền vững hơn trong tương lai. Ví dụ chúng ta hoàn thiện thêm về khung pháp lý trên thị trường, sự minh bạch cũng như nâng cao năng lực tài chính của các chủ dự án, các nhà đầu tư,…
Tất cả các kênh đầu tư, từ gửi tiền tiết kiệm, chứng khoán, bất động sản hay các kênh đầu tư vàng, ngoại tệ đều có ưu điểm và khó khăn riêng. Việc lựa chọn kênh đầu tư hoàn toàn phụ thuộc vào khẩu vị rủi ro của từng người, nếu những người ngại rủi ro sẽ lựa chọn kênh tương đối an toàn như gửi tiết kiệm ngân hàng, còn những nhà đầu tư khác có thể lựa chọn các kênh như chứng khoán, bất động sản để có mức lợi nhuận kỳ vọng cao hơn.
“Riêng với đầu tư vàng, từ trước đến nay vẫn là một kênh trú ẩn an toàn mỗi khi nền kinh tế nào đó có biến động bất thường hoặc rơi vào khủng hoảng. Tại Việt Nam thực hiện theo đúng chủ trương của NHNN là chống vàng hóa, nên kênh này có lãi suất bằng 0%. Nếu các nhà đầu tư muốn đầu tư vào vàng thì nên cân nhắc giữa lợi nhuận và rủi ro hiện hữu. Bởi vì giá vàng trên thị trường thế giới dao động liên tục, có lúc tăng rất cao nhưng cũng giảm rất mạnh.
Tối muốn nhấn mạnh một điểm là, khi chúng ta đầu tư một kênh nào đó thì cần phải trang bị một khối lượng kiến thức về kinh tế, tài chính ở mức nhất định để có thể cân đối và đảm bảo sự hài hòa giữa rủi ro, cũng như lợi nhuận. Riêng với vàng và ngoại tệ chúng ta sẽ phải cân nhắc thêm một yếu tố đó là chính sách điều hành của NHNN Việt Nam”, vị chuyên gia khuyến nghị.
Trao đổi với báo chí, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng bình luận, nếu nền kinh tế tiếp tục trì trệ trong những tháng cuối năm thì những kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản khó có sự bứt phá. Thị trường ngoại tệ sẽ có tiềm năng tăng trưởng khi tỷ giá đang tăng nóng nhưng đây lại không phải là kênh đầu tư đại chúng.
“Tiền gửi ngân hàng có khả năng tiếp tục tăng trong thời gian tới. Dù từ nay đến cuối năm có một lượng lớn tiền gửi ngân hàng đáo hạn, nhưng các nhà đầu tư không có nhiều sự lựa chọn thì họ có thể sẽ gia hạn với mong muốn lãi suất không giảm thêm”, TS. Nguyễn Trí Hiếu dự báo.