Cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm bảo vệ các di sản đã được thế giới công nhận
20/12/2022
Di sản văn hóa từ lâu đã là niềm tự hào của Việt Nam, bởi nó không đơn thuần là nét đẹp văn hóa mà còn được xem như yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước.
Tuy nhiên, nhiều năm qua, di sản thiên nhiên đã được thế giới nhiền lần công nhận – vịnh Hạ Long, bị xâm hại nhưng chưa được khắc phục.
Điển hình như vụ việc vi phạm tại vùng lõi, khu vực dễ tổn thương nhất của Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, nhiều công trình xây dựng trái phép cũng đã tồn tại từ rất lâu, nhưng đến nay không có động thái xử lý. Cụ thể là việc Cty CP Du thuyền Đông Dương đã tổ chức xây dựng bến cập tàu với hàng trăm khối bê tông chìm và nổi trên mặt biển tại Hòn Cỏ và Hòn Cây Chanh. Dù bị lực lượng chức năng lập biên bản, dừng thi công vì không có giấy phép xây dựng, nhưng sau đó 2 công trình này vẫn được hoàn thiện.
Vụ việc điển hình khác, trong quá trình thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đầm nuôi cá song tại phường Hà Phong, TP Hạ Long, Cty CP Nhật Long đã xây dựng đê bao, nhà làm việc, nhà ăn công nhân và một số công trình phụ trợ khác trong vùng đệm Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Năm 2014, Cty CP Nhật Long bị xử phạt vi phạm hành chính vì xây dựng nhà điều hành 2 tầng không có giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, đã hơn 8 năm trôi qua, đến thời điểm hiện tại, công trình xây dựng không phép này của Cty CP Nhật Long vẫn chưa bị cưỡng chế tháo dỡ theo quy định của pháp luật.
Trong khi đó, theo văn bản số 647/UBND ngày 24/10/2022 của UBND phường Hà Phong, trả lời báo Nhân dân:công trình xây dựng nhà điều hành 2 tầng không giấy phép, đã được cưỡng chế, phá dỡ.
Theo tìm hiểu của phóng viên, sau tất cả những tổn thương đã gây ra cho Vịnh Hạ Long, chưa thấy ai đứng ra nhận trách nhiệm về việc này. UBND TP Hạ Long và BQL Vịnh Hạ Long thay vì ngăn chặn từ đầu, đến nay cũng vẫn dừng lại ở việc xử lý trên văn bản. Không chỉ tại khu vực nói trên, ghi nhận cho thấy, quanh tuyến đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả, còn nhiều khu vực núi, rừng bị một số người dân chiếm dụng, mở đường làm trang trại nhưng đến nay vẫn chưa chịu tháo dỡ, di dời.
Cần phải khẳng định, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà còn là sự nghiệp của toàn dân, của tất cả các tổ chức và cá nhân trong xã hội, trong đó, Nhà nước đóng vai trò tạo ra khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách; còn nhân dân đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ, gìn giữ, lưu truyền và phát huy giá trị di sản văn hóa. Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi trọng, quan tâm và xác định di sản văn hóa là bản sắc của văn hóa dân tộc, là cơ sở để xây dựng nền văn hóa mới, con người mới, là một nguồn lực để xây dựng và phát triển đất nước.