CẦN MỘT TƯ DUY VÀ TẦM NHÌN CHIẾN LƯỢC CHO NĂNG LƯỢNG XANH

Việt Nam cần có một tư duy và tầm nhìn chiến lược cho ngành năng lượng sạch, đặc biệt là hạ tầng truyền tải điện…

Tình hình thiếu điện ở miền Bắc diễn ra những ngày qua, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tình trạng này diễn ra nhiều năm nay mỗi khi miền Bắc chuyển sang mùa nóng. Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng trên?

Về nguyên nhân khách quan

Việt Nam có ba nguồn cung chính là thuỷ điện, nhiệt điện (than và khí đốt, rác thải) và điện tái tạo (điện gió và điện mặt trời) được truyền tải từ các dự án năng lượng tái tạo từ miền Trung ra Bắc và mua điện của Trung Quốc với Lào khi thiếu điện.

CẦN MỘT TƯ DUY VÀ TẦM NHÌN CHIẾN LƯỢC CHO NĂNG LƯỢNG XANH
Tình trạng thuỷ điện Ialy cạn nước. Ảnh: internet

Xét về thuỷ điện, vào mùa khô lượng mưa không đủ, thuỷ điện ở miền Bắc Việt Nam còn nhỏ, lượng tích nước chạy hết công suất đáp ứng nhu cầu dùng điện không được lâu ngày khi mùa khô kéo dài, đặc biệt Việt Nam ở hạ nguồn, trên thượng nguồn có Trung Quốc và Lào đã và đang xây dựng rất nhiều đập thuỷ điện lớn nhỏ để điều tiết dòng chảy của các con sông. Vào mùa khô Trung Quốc và Lào cũng tích nước để sản xuất điện phục vụ cho mình và bán cả điện cho Việt Nam khi Việt Nam thiếu điện. Nước bạn ở trên thượng nguồn có nghĩa là Trung Quốc và Lào đã nắm thế chủ động về điều tiết nguồn nước thông qua các đập thuỷ điện bên trên, vào mùa khô nước mưa ít hơn, khả năng bốc hơi nước nhanh hơn, nhu cầu sử dụng điện tăng nên do nắng nóng. Còn Việt Nam dưới hạ nguồn dẫn đến bị động, hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết mưa nhiều và lượng nước trên thượng nguồn đổ về.

CẦN MỘT TƯ DUY VÀ TẦM NHÌN CHIẾN LƯỢC CHO NĂNG LƯỢNG XANH
Nhà máy nhiệt điện chỉ nên đóng vai trò như một máy phát điện dự phòng. Ảnh: internet

Về nhiệt điện dùng than, đốt rác và khí đốt, giá thành cao, ô nhiễm môi trường, chi phí bảo hành bảo dưỡng tốn kém và mất nhiều thời gian nên Việt Nam coi đây là giải pháp tình thế dự phòng trong trường hợp nhu cầu tăng cao đột biến nhằm đảm bảo cho nền kinh tế hoạt động, vận hành liên tục ổn định không bị gián đoạn. Trong quy hoạch điện VIII chúng ta sẽ dần xoá bỏ nhiệt điện phấn đấu đến năm 2050 lượng phát thải ròng bằng 0.

Về điện mặt trời

CẦN MỘT TƯ DUY VÀ TẦM NHÌN CHIẾN LƯỢC CHO NĂNG LƯỢNG XANH
Trung bình tổng bức xạ năng lượng mặt trời ở các tỉnh miền Trung và miền Nam Việt Nam vào khoảng 5kw/h/m2/ngày, các tỉnh miền Bắc khoảng 4kw/h/m2/ngày. Ảnh: internet

Theo thống kê của chuyên gia, bức xạ mặt trời là nguồn tài nguyên vô cùng quan trọng tại Việt Nam. Trung bình tổng bức xạ năng lượng mặt trời ở các tỉnh miền Trung và miền Nam Việt Nam vào khoảng 5kw/h/m2/ngày, các tỉnh miền Bắc khoảng 4kw/h/m2/ngày. Dưới vỹ tuyến 17 bức xạ mặt trời không chỉ nhiều mà còn ổn định trong thời gian mặt trời chiếu sáng của năm và giảm khoảng 20% từ mùa khô sang mùa mưa. Số giờ nắng trong năm ở miền Bắc vào khoảng 1.500-1.700 giờ, trong khi ở miền Trung và miền Nam Việt Nam, con số này vào khoảng 2.000-2.600 giờ mỗi năm.

Miền Bắc Việt Nam số giờ nắng chỉ tập trung khoảng 3 tháng mùa hè là có nắng nhiều nhất, đây cũng là thời điểm lượng điện tiêu thụ lớn nhất trong năm. Còn các mùa khác trong năm điện mặt trời sẽ bị hạn chế bởi mây nhiều che khuất mặt trời.

Xét về điện gió

CẦN MỘT TƯ DUY VÀ TẦM NHÌN CHIẾN LƯỢC CHO NĂNG LƯỢNG XANH
Tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam đạt khoảng 475GW, với nghiên cứu của các tổ chức khác, con số này có thể đạt tới 900GW, với chất lượng gió tốt tập trung ở các vùng Trung bộ, Nam Trung bộ và một phần duyên hải Bắc Bộ. Ảnh: internet

Mùa đông miền Bắc Việt Nam có gió mùa đông bắc, mùa xuân, mùa hạ, mùa thu có gió Tây Nam từ ngoài biển thổi vào đất liền, còn miền Trung và miền Nam chỉ có mùa khô và mùa mưa nên có gió biển thổi quanh năm. Xét về tiềm năng của năng lượng tái tạo của Việt Nam là rất lớn, hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu phát triển như chúng ta có hơn 3.000 km đường bờ biển để khai thác điện gió. Theo Ngân hàng Thế giới, tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam đạt khoảng 475GW, với nghiên cứu của các tổ chức khác, con số này có thể đạt tới 900GW, chất lượng gió tốt tập trung ở các vùng Trung bộ, Nam Trung bộ và một phần duyên hải Bắc Bộ; miền Trung và miền Nam có nắng quanh năm, nhất là vào mùa khô, miền Bắc có nắng mùa hè, có gió mùa đông bắc… Nhược điểm của năng lượng tái tạo là gió biển không thổi liên tục 24/24h của tất cả các ngày trong năm, còn năng lượng mặt trời không sử dụng được vào ban đêm và những ngày không có nắng mặt trời.

Nguyên nhân chủ quan

Ngày 29/06/2011, Chính phủ đã ban hành quyết định số 37/2011/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam; Ngày 10/09/2018, Chính phủ đã ban hành quyết định số 39/2018/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ, về sửa đổi, bổ sung một số điều của quyết định số 37/2011/QĐ-TTG ngày 29/06/2011 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam; Ngày 06/04/2020, Chính phủ đã ban hành quyết định số 13/2020/QĐ-TTG về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam.

Theo Bộ Công thương, giai đoạn 2016 – 2020 hệ thống đầu tư truyền tải điện đã được đầu tư phát triển và nâng cấp, về cơ bản đáp ứng được nhu cầu truyền tải, tuy nhiên thời gian qua đã xuất hiện một số điểm quá tải cục bộ, đặc biệt là khu vực Nam Trung bộ, quá tải trên lưới liên kết Bắc – Trung, hệ thống truyền tải chưa đáp ứng được tiêu chí N-1. Bên cạnh việc đầu tư hệ thống truyền tải chưa theo kịp đầu tư năng lượng tái tạo, thì một nguyên nhân lớn là có sự mất cân đối nguồn – tải theo vùng miền, thể hiện rõ ở phân bổ các nguồn điện gió và điện mặt trời. Đồng thời một trong những nguyên nhân khiến hạ tầng lưới điện truyền tải chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng nguồn là quy định Nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải theo khoản 2 điều 4 luật điện lực. Điều luật này được đánh giá là đã lỗi thời, không còn phù hợp với thực trạng phát triển hiện nay.

Về góc độ tín dụng, ông Phạm Như Anh, Thành viên ban điều hành ngân hàng MB đồng quan điểm, cho rằng xã hội hoá đầu tư trong lĩnh vực truyền tải điện cần được đề cập trong quy hoạch điện VIII. Hiện nay việc giao độc quyền phát triển lưới điện cho EVN khiến chính tập đoàn này khó khăn trong việc huy động vốn, khi giới hạn cấp tín dụng cho EVN không vượt quá 25% vốn tự có của các tổ chức tín dụng.

Theo đó EVN có đủ chuyên môn và lý luận cơ sở thực tiễn tham mưu cho Bộ Công thương, từ đó Bộ Công thương đề xuất lên Chính phủ ban hành ba quyết định trên, đồng thời cùng ban hành một quyết định bổ sung về phát triển hạ tầng truyền tải lưới điện theo kiểu như hạ tầng giao thông phải đi trước để thu hút đầu tư phát triển kinh tế. Việc xây dựng hạ tầng truyền tải chỉ chiếm khoảng 15% tổng kinh phí đầu tư cho ngành điện, giá như Bộ công thương có hành động sớm dựa trên đề xuất của cơ quan chuyên môn là EVN và ý kiến chuyên gia như trên thì bây giờ ngành năng lượng sạch còn phát triển hơn nữa và sẽ không có nguyên nhân chính là hạ tầng truyền tải điện từ các dự án năng lượng tái tạo từ miền Trung đến miền Bắc bị quá tải, không đáp ứng được nguồn cung điện dẫn đến hơn 4600 MW điện không thể hoà lưới điện quốc gia, chưa kể các dự án khác còn đang trên giấy vì thiếu hạ tầng truyền tải và giá bán điện, gây lãng phí nguồn tài nguyên quốc gia, doanh nghiệp cũng không có nguồn thu để trả lãi vay ngân hàng, miền Bắc thì phải mua điện của Lào và Trung Quốc, hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như đời sống sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng.

CẦN MỘT TƯ DUY VÀ TẦM NHÌN CHIẾN LƯỢC CHO NĂNG LƯỢNG XANH
Hạ tầng truyền tải lưới điện phải đi trước như hạ tầng giao thông, cùng hành lang pháp lý rộng mở để thu hút các nhà đầu tư tư nhân tham gia. Ảnh: internet

Giải pháp nào cho ngành năng lượng sạch hiện nay ?

Sau những thực trạng được đề cập ở trên, để đảm bảo cho mục tiêu phát triển kinh tế xanh bền vững, Việt Nam cần có một chính sách thu hút đầu tư về pin lưu trữ điện tái tạo để xây dựng các trạm lưu trữ năng lượng trong thời gian phù hợp đủ để cho phát điện qua đêm và những lúc đám mây che khuất mặt trời trôi qua và thời gian gió ngừng thổi dẫn đến turbin gió ngừng quay cho các dự án điện mặt trời và điện gió để đảm bảo cho nguồn điện vận hành ổn định. Đồng thời đầu tư xây dựng, mở rộng thêm các nhà máy sản xuất thiết bị điện gió cũng như pin năng lượng mặt trời và các nhà máy tái chế pin năng lượng mặt trời để tăng nguồn cung, giảm giá thành sao cho các hộ gia đình và doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận với mức giá phù hợp.

Theo dự báo mỗi năm nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng bình quân 5% – 7% và xu hướng tất yếu là phát triển xanh, điện khí hoá phương tiện giao thông tiến tới cấm sử dụng phương tiện chạy bằng năng lượng hoá thạch cũng như tiến tới mục tiêu đến năm 2050 chúng ta đặt được lượng phát thải khí nhà kính bằng 0. Vậy nhu cầu về năng lượng phục vụ cho sự phát triển lâu dài là rất lớn, trong khi nguồn cung về thuỷ điện cũng không còn nhiều dư địa để phát triển.Từ những thuận lợi, khó khăn về nguồn cung năng lượng kể trên, để đảm bảo cho mục tiêu phát triển xanh bền vững. Việt Nam cần có một quy hoạch tổng thể đối với các nguồn điện, đặc biệt là điện năng lượng tái tạo kèm theo lưới điện truyền tải phục vụ giải toả công suất các công trình điện một cách đồng bộ. Từ đó góp phần đảm bảo hiệu quả đầu tư, đồng thời thu hút đầu tư, tránh tình trạng bị động và thừa thiếu điện cục bộ như thời gian qua.

Nói cách khác chúng ta cần có một giải pháp chiến lược cho ngành năng lượng xanh phát triển ổn định, bền vững theo kiểu mùa nào thức ấy, có thể bù trừ cho nhau, tối ưu hoá tiềm năng thế mạnh của mình. Hạ tầng truyền tải phải đi trước, đồng thời xây dựng khung pháp lý rộng mở như giá bán điện và thu phí truyền tải phù hợp sao cho ba bên cùng có lợi, theo đó khuyến khích được các nhà đầu tư tư nhân tham gia.

Văn Quý

Bài Viết Liên Quan

Back to top button