Cách thế giới chống lại thực phẩm độc hại
Australia và New Zealand đã xếp hạng sức khỏe các loại thực phẩm đóng gói, giúp việc lựa chọn sản phẩm tốt cho sức khỏe trở nên dễ dàng hơn.
Việc chọn lựa thực phẩm lành mạnh tạo ra một chế độ ăn uống cân bằng và mang lại sức khỏe tốt hơn. Ảnh: Indiatimes. |
Australia là một trong những nước có tỷ lệ béo phì cao nhất thế giới với 63% người lớn và 25% trẻ em bị thừa cân hoặc béo phì (theo Khảo sát sức khỏe mới nhất của Chính phủ Australia). Để giải quyết tình trạng này, Australia và New Zealand đã yêu cầu xếp hạng sao thực phẩm đóng gói để phân loại các loại sản phẩm đảm bảo sức khỏe cho người dân.
Nhiều nước muốn dán nhãn thực phẩm
Hệ thống sao sức khỏe đánh giá các sản phẩm từ 0,5 đến 5 sao để giúp người tiêu dùng có những lựa chọn lành mạnh hơn khi mua sắm. Xếp hạng sao càng cao, thực phẩm đó càng tốt cho sức khỏe.
Hệ thống phân loại thực phẩm của Australia và New Zealand dựa trên tầm ảnh hưởng của các chất dinh dưỡng với sức khỏe. Ảnh Foodwatch. |
Chọn thực phẩm có nhiều chất dinh dưỡng tích cực và ít chất có nguy cơ dẫn đến béo phì và các bệnh liên quan đến chế độ ăn uống, góp phần tạo nên một chế độ ăn uống cân bằng và mang lại sức khỏe tốt hơn.
Một nghiên cứu gần đây của Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ (ICMR) thuộc Viện Dinh dưỡng Quốc gia (NIN) cũng cho thấy việc dán nhãn cảnh báo sức khỏe trên thực phẩm giúp nhiều người tránh được các rủi ro về bệnh tật.
Các cảnh báo cung cấp thông tin dễ hiểu cho người tiêu dùng về các mối nguy tiềm ẩn, liên quan đến một sản phẩm khi xét đến các thành phần dinh dưỡng cần quan tâm như đường, chất béo và muối. Chính phủ Ấn Độ đang nỗ lực áp dụng việc dán nhãn đại trà cảnh bảo sức khỏe trên các loại thực phẩm.
“Chúng ta nên chọn thiết kế nhãn mang tính khoa học và hiện đã có đủ nghiên cứu để khẳng định nhãn cảnh báo là tốt nhất cho người dân Ấn Độ. Thông tin về các chất dinh dưỡng tiêu cực và cảnh báo là những gì cần được hiển thị nổi bật”, Tiến sĩ Umesh Kapil, Chủ tịch Tổ chức Dịch tễ học Ấn Độ, cho biết.
Ấn Độ hiện phải đối mặt tình trạng các bệnh liên quan đến dinh dưỡng như tiểu đường và béo phì ở người lớn ngày càng tăng cũng như sự gia tăng đáng báo động về béo phì ở trẻ em. Theo The Times of India, Ấn Độ được coi là “Thủ đô Béo phì của Thế giới” khi nước này có tới 80 triệu bệnh nhân tiểu đường, chiếm 17% toàn cầu.
Các nghiên cứu cho thấy trong vòng 18 tháng kể từ khi Chính phủ Chile thực hiện luật dán nhãn cảnh báo sức khỏe cho thực phẩm, lượng mua đồ uống có đường cùng các sản phẩm thực phẩm không lành mạnh đã giảm hơn 20%. Xếp hạng sao thực phẩm của Australia và New Zealand cũng mang lại nhiều tín hiệu tích cực trong việc giảm thiểu việc tiêu thụ thực phẩm không tốt cho sức khỏe.
Đánh thuế thực phẩm không lành mạnh
Ngoài việc dán nhãn đánh giá sức khỏe, nhiều quốc gia cũng đang áp dụng chính sách thuế để giảm lượng tiêu thụ đối với các thực phẩm không lành mạnh như đồ uống có đường.
Sử dụng đường thường xuyên có thể gây hại cho sức khỏe. Ảnh: Matt Botsford/Unsplash. |
Theo Better Health, một chai nước ngọt 600 ml có thể chứa lượng đường tương đương 16 thìa cà phê, nhiều hơn 12% lượng calo cần thiết cho một thiếu nữ 14 tuổi. Nghiên cứu trên trẻ em ở Australia cho thấy các đối tượng tiêu thụ nhiều hơn 250 g đồ ngọt mỗi ngày có tỷ lệ cao hơn 26% khả năng thừa cân hoặc béo phì.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đánh giá chính sách thuế là một trong những chính sách hiệu quả nhất về mặt chi phí, giúp đạt được các mục tiêu y tế dự phòng, bao gồm giảm tỷ lệ và mức độ tiêu thụ các sản phẩm không lành mạnh, từ đó giảm gánh nặng bệnh tật do các bệnh liên quan.
Hiện có khoảng hơn 50 quốc gia đã áp dụng chính sách thuế nhằm tăng giá của đồ uống có đường để đạt mục tiêu giảm tiêu dùng cũng như nhằm hạn chế lượng đường đưa vào cơ thể – tác nhân của những bệnh không truyền nhiễm.
Theo các chuyên gia, việc áp dụng chính sách thuế đối với đồ ăn không lành mạnh giúp người dân giảm chi phí chăm sóc sức khỏe, chuyển đổi xu hướng tiêu dùng sang các lựa chọn lành mạnh hơn như nước sinh tố, nước rau củ quả.