Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo áp lực lên hợp tác xã
Phong trào hợp tác xã còn phải đối mặt với rất nhiều thách thức từ sự phát triển bùng nổ của cách mạng công nghiệp 4.0, từ áp lực cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong nền kinh tế thị trường…
Kinh tế tập thể là một thành phần kinh tế quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, do đó, phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu khách quan và là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị – đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung tại Hội thảo quốc tế “Luật Hợp tác xã năm 2023 và những định hướng chính sách hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã”.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, phát triển khu vực kinh tế tập thể là chủ trương xuyên suốt và nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Điều này được thể hiện khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 20 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả của khu vực kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, khẳng định kinh tế tập thể là một thành phần kinh tế quan trọng cùng với kinh tế nhà nước ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân; phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu khách quan, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.
Qua ba lần ban hành, sửa đổi, bổ sung Luật Hợp tác xã, số lượng hợp tác xã không ngừng tăng lên, doanh thu và thu nhập của thành viên, người lao động trong hợp tác xã dần được cải thiện, giúp nâng cao đời sống kinh tế hộ thành viên, góp phần thực hiện xoá đói giảm nghèo, ổn định an ninh, chính trị cho xã hội.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung đánh giá thực tiễn phát triển khu vực kinh tế tập thể tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh những khó khăn nội tại của các tổ chức kinh tế tập thể, như điều kiện kinh tế – xã hội của thành viên thấp, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ đa số còn yếu, cơ sở hạ tầng, vật chất, kỹ thuật của hợp tác xã nghèo nàn.
Các chính sách của Nhà nước về cơ bản cũng chưa hỗ trợ được nhiều cho các hợp tác xã; các hợp tác xã gặp khó khăn trong tiếp cận các chính sách về vốn, đất đai, về khoa học công nghệ, thị trường.
Chính vì vậy, phong trào hợp tác xã còn phải đối mặt với rất nhiều thách thức từ sự phát triển bùng nổ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, từ áp lực cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong nền kinh tế thị trường, tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 vẫn còn tiềm ẩn, bất ổn chính trị trên thế giới vẫn khó lường, biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra với tốc độ rất nhanh trên khắp cả nước; hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đòi hỏi khu vực hợp tác xã phải có sự thay đổi và chủ động thích ứng.
Các thách thức này đặt ra yêu cầu, đòi hỏi bức thiết đối với khu vực kinh tế tập thể để thay đổi, phát huy các lợi thế liên kết, cùng nhau hợp tác lại của mỗi thành viên theo mô hình hợp tác xã, qua đó tăng quy mô, mở rộng và nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh, phát triển bền vững trong giai đoạn tới.
Tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh – Giám đốc Dự án DGRV cho biết, dựa trên kinh nghiệm phát triển của khu vực hợp tác xã Đức, việc hỗ trợ hợp tác xã ở giai đoạn đầu mới thành lập đóng vai trò tương đối quan trọng để cho các hợp tác xã phát triển.
Giám đốc Dự án DGRV chia sẻ, các chính sách hỗ trợ có thể được hiểu là những quy định cụ thể trong luật và việc áp dụng một cách thống nhất, tạo điều kiện cho các hợp tác xã được tham gia một cách toàn diện vào nền kinh tế. Ngoài ra, hợp tác xã cũng được tham gia vào các chương trình hỗ trợ dành cho các loại hình doanh nghiệp khác khi họ đáp ứng các điều kiện của chương trình.
Việc tạo ra khuôn khổ pháp lý phù hợp để hợp tác xã có thể tiếp cận tín dụng cũng có thể coi là biện pháp hỗ trợ quan trọng cho hợp tác xã. Điều này giúp hợp tác xã có được đòn bẩy tài chính để phát triển hoạt động kinh doanh, nhưng không triệt tiêu những nguyên tắc cơ bản của mô hình hợp tác xã, đặc biệt là nguyên tắc tự lực.
Một chính sách đặc thù cho hợp tác xã liên quan đến việc phân phối lại thu nhập từ thặng dư cho thành viên (partronage refund). Ở đây, thặng dư được tính là doanh thu từ các giao dịch giữa hợp tác xã và thành viên. Việc hoàn trả số tiền phân phối lại hay lợi nhuận phân phối theo mức độ sử dụng dịch vụ có thể được ghi nhận là một khoản nợ phải trả theo quy định về thuế khi điều lệ của hợp tác xã có quy định và khi thành viên được nhận số tiền phân phối lại đó theo các quy định trong điều lệ.
Như vậy, các luật của Đức cho phép hợp tác xã ghi nhận số tiền hoàn trả lại cho các thành viên là chi phí kinh doanh và khi đó, hợp tác xã không phải đóng thuế trên phần tiền này. Bà Minh đánh giá đây là việc cần thiết để hỗ trợ các hợp tác xã tăng quy mô, mở rộng và nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh, phát triển bền vững trong giai đoạn tới.