Cách doanh nhân dùng tiền: Bán tài sản, tặng công ty hàng nghìn tỷ đồng

Cách doanh nhân dùng tiền: Bán tài sản, tặng công ty hàng nghìn tỷ đồng

Thu nhập 0 đồng, dùng “tiền túi” tặng công ty

Một số lãnh đạo doanh nghiệp đã cam kết hoặc thực hiện việc nhận thù lao 0 đồng trong năm nay, thậm chí nhiều năm trước.

Người đầu tiên cần kể đến là tỷ phú Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Tập đoàn Vingroup (mã chứng khoán: VIC). Trong 2 năm liền (2021-2022), ông Vượng đều không nhận thù lao. Cùng với ông Vượng, bà Nguyễn Diệu Linh – Phó chủ tịch HĐQT Vingroup – cũng là trường hợp tương tự.

Sự hào phóng của vị tỷ phú Việt còn được biết đến khi mới đây, trong tháng 9, ông Vượng đã tặng 7.000 tỷ đồng cho VinFast. Đồng thời, trong 6 tháng tới, 2 cổ đông của VinFast được kiểm soát bởi ông Vượng sẽ tặng cho hãng xe này toàn bộ số tiền ròng thu được từ bán 46 triệu cổ phiếu.

Ngoài ra, ông Vượng vừa công bố tặng 99,8% Công ty Cổ phần Giải pháp Năng lượng VinES cho Công ty VinFast. VinES là công ty thành viên của hệ sinh thái Vingroup, có tổng đầu tư vốn pháp định 6.500 tỷ đồng. Sau sáp nhập, VinFast sẽ tự chủ về công nghệ pin – cấu phần quan trọng của xe điện, đồng thời làm chủ được chuỗi sản xuất, gia tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Một vị tỷ phú khác là ông Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch tập đoàn Masan (mã chứng khoán: MSN) – cũng không nhận thù lao từ năm 2020. Điều đặc biệt là không chỉ mình ông Quang, các thành viên khác trong HĐQT của tập đoàn Masan cũng đều không hưởng thù lao từ năm 2020, dù doanh nghiệp này lãi hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Ông Trần Đình Long – vị tỷ phú có khối tài sản 1,8 tỷ USD (theo thống kê đầu năm nay của Forbes) – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát – nhận thù lao 0 đồng trong năm 2022. Các thành viên khác trong HĐQT tập đoàn cũng nhận mức tương tự.

Không trong danh sách tỷ phú nhưng ông Bolat Duisenov – Chủ tịch Công ty xây dựng Coteccons – cũng không nhận thù lao trong năm 2022. Hay ông Phạm Văn Trọng – quyền Giám đốc điều hành chuỗi Bách Hóa Xanh thuộc Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (mã chứng khoán: MWG) – cam kết làm không lương cho tới khi đạt được hiệu quả.

Trong năm nay, Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban kiểm soát của Công ty cổ phần Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay (mã cổ phiếu: NVT) không nhận thù lao. Theo lý giải của người đứng đầu HĐQT, tình hình kinh doanh sau đại dịch vẫn hết sức khó khăn nên HĐQT không nhận thù lao. Trường hợp năm 2023 đạt được các chỉ tiêu đề ra, năm 2024, HĐQT sẽ đề xuất mức thù lao hợp lý.

Cách doanh nhân dùng tiền: Bán tài sản, tặng công ty hàng nghìn tỷ đồng
Một số ông chủ doanh nghiệp sẵn sàng bán tài sản để “cứu” công ty (Ảnh: Tiến Tuấn).

Tình hình kinh tế nhiều biến động, doanh nghiệp gặp khó khăn và các ông chủ doanh nghiệp không thể ngồi yên. Nhiều người tiết lộ đã phải hy sinh tài sản cá nhân để “cứu” công ty, như ông Lê Viết Hải – Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình – hay ông Nguyễn Văn Đạt – Chủ tịch Công ty Phát Đạt.

Tại cuộc họp đại hội cổ đông thường niên 2023, ông Lê Viết Hải kể đã hy sinh quyền lợi của riêng mình, nỗ lực và làm tất cả những gì có thể làm được để giúp công ty vượt qua mọi khó khăn trong mấy năm qua.

Ông nêu ví dụ về miếng đất hơn 7.000m2 ở đường Phan Văn Hớn, quận 12 (TPHCM) đã được ông cho các công ty con mượn làm nhà kho, văn phòng từ năm 1993 đến nay. Đó là tài sản cá nhân, chưa đưa vào góp vốn cho công ty và suốt 30 năm, công ty không phải trả chi phí cho ông Hải.

Năm 2019, ông Hải có tạm ứng của công ty một khoản tiền khoảng 120 tỷ đồng. Năm 2020, ông có thông báo cho HĐQT về việc bán lại miếng đất này cho công ty để cấn trừ nợ cá nhân với số tiền 120 tỷ đồng.

Theo ông Hải, giao dịch đất nền ở khu vực này khoảng 60 triệu đồng/m2, tính ra giá trị khu đất khoảng 400 tỷ đồng. Chưa kể, suốt 30 năm qua, nếu tính tiền cho thuê và chi phí cơ hội khác thì giá trị thu về từ miếng đất phải gấp nhiều lần so với 120 tỷ đồng.

Hay khi cổ phiếu HBC đạt đỉnh 22.000 đồng/cổ phiếu, đối tác Nhật Bản có đề nghị ông Hải bán cổ phiếu cho họ với giá 32.500 đồng/cổ phiếu nhưng ông vẫn từ chối, dù giá cổ phiếu HBC trên sàn lúc đó chỉ còn 17.000-18.000 đồng/cổ phiếu.

Người đứng đầu tập đoàn xây dựng còn nói cổ phiếu của ông đã thế chấp ở ngân hàng để tập đoàn phát hành trái phiếu, giải quyết vấn đề dòng tiền của công ty lúc khó khăn, khi dự án nghỉ dưỡng hoãn tiến độ, các chủ đầu tư chậm thanh toán.

Còn ông chủ Phát Đạt khẳng định mình là người thiệt nhất trong những lúc công ty khó khăn, khi tài sản cá nhân hay tài sản gia đình đều đem bán để cứu công ty. Có tài sản 300 tỷ đồng, ông chấp nhận chỉ bán 200 tỷ đồng để đem về dòng tiền hỗ trợ Phát Đạt.

Ông Đạt kể đã phải tìm nhiều đối tác để vay tiền, có tiền để trả nợ trái phiếu, nợ ngắn hạn trong khi ngân hàng thiếu hạn mức tín dụng. Nhờ tiền của đối tác, công ty đã vượt qua khó khăn. Nên lời ông hứa phát hành cho đối tác giá 10.000 đồng/cổ phiếu sẽ phải được thực hiện, dù giá giao dịch trên sàn có cao hơn, vì “họ đã giúp mình lúc khó khăn, mình phải giữ uy tín, nói phải giữ lời”.

Ông Lương Trí Thìn – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đất Xanh (mã chứng khoán: DXG) – công bố sẽ hỗ trợ cho công ty vay 300 tỷ đồng trong tối đa 6 tháng, lãi suất 6%/năm để bổ sung vốn hoạt động kinh doanh. Ngay sau khi đưa ra công bố này, ông Thìn đã bán 20 triệu cổ phiếu DXG để hiện thực hóa kế hoạch trên.

Một số doanh nghiệp thì “sống” được nhờ khoản vay với các chủ doanh nghiệp, như Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (mã chứng khoán: QCG) là ví dụ điển hình. Trong nhiều năm qua, bà Nguyễn Thị Như Loan cùng một số người thân đều là chủ nợ của công ty. Trước đây bà Như Loan là người sáng lập, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc. Sau đó, bà từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT, chuyển giao sang ông Lại Thế Hà. Hiện tại, bà giữ vai trò là Tổng giám đốc.

Tính tại ngày 30/6, tổng số tiền Quốc Cường Gia Lai vay từ các cá nhân là lãnh đạo doanh nghiệp và người có liên quan khoảng 238 tỷ đồng. So với các năm trước, con số vay từ các lãnh đạo công ty đã giảm đi nhiều. Thời kỳ cao điểm, tổng số tiền mà các cá nhân cho vay lên tới cả nghìn tỷ đồng.

Nguồn: DÂN TRÍ

Bài Viết Liên Quan

Back to top button