Cách doanh nghiệp SME Việt “chuyển mình” trong thời đại mới
Nhờ tự động hóa, đổi mới sáng tạo, quản trị nhân văn và dự báo thị trường nhạy bén, thành công của một doanh nghiệp sản xuất Việt Nam có thể là bài học cho cách SME vươn lên trong bối cảnh mới.
Trong nhà máy và kho chứa rộng 8.000 m2 đặt tại Hưng Yên của công ty TNHH Hóa Mỹ phẩm S Việt AAB (SVAAB), hệ thống máy móc thiết bị chiết rót, đóng chai, túi đựng hoàn toàn tự động của SVAAB có thể khiến nhiều người ngạc nhiên. Ít người biết rằng, chỉ với 4 kỹ sư vận hành, dây chuyền trị giá 1,5 triệu USD này có thể cung cấp tới 12.000 tấn sản phẩm nước giặt xả, nước rửa chén, nước lau sàn … đạt tiêu chuẩn quốc tế ra thị trường trong nước mỗi tháng.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc công ty TNHH Hóa Mỹ phẩm S Việt AAB (SVAAB), nhờ áp dụng tự động hóa từ sớm, sản lượng tối đa hàng tháng của công ty chỉ với riêng dòng nước giặt xả Booster đã là 2.200 tấn, đóng góp 90% cho doanh thu 150 tỷ đồng mà doanh nghiệp đã đạt được trong năm 2022.
Thành tựu này là kết quả của quá trình gây dựng doanh nghiệp 14 năm qua của anh Nguyễn Văn Tâm và đội ngũ – thường được anh gọi với cái tên “cộng sự”. Vượt qua được những thăng trầm của thị trường để đạt tới quy mô hiện nay, không thể không nói tới tầm nhìn kiên định về sản xuất bền vững, áp dụng chuyển đổi số và quản trị hiện đại của anh Tâm và ban lãnh đạo.
– Điều gì đưa ông tới với ngành sản xuất hóa mỹ phẩm ở Việt Nam vốn đã có nhiều “gã khổng lồ” lâu năm?
Về nước cách đây 14 năm, tôi nhận thấy ngành hóa mỹ phẩm ở Việt Nam chủ yếu là cuộc chơi của các công ty nước ngoài, nhưng sản phẩm của họ thường có giá khá cao so với thu nhập của đại đa số người dân. Trong khi đó, nhiều công ty sản xuất nhỏ của ta vẫn làm ăn theo lối tư duy chộp giật. Ví dụ như có công nghệ sản xuất rồi, thì sẽ làm hàng nhái của hãng này, hãng kia bán kiếm lời.
Hồi đó, ở Việt Nam mới phát động phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thì tôi nghĩ phải sản xuất cái gì đó cho người Việt mình dùng. Ý tưởng cuối cùng là nước rửa chén và nước giặt, bởi tôi đánh giá đây là một thị trường rất tiềm năng.
Thứ nhất, đây là những sản phẩm có sức tiêu hao rất lớn, bất kể người thu nhập thấp hay cao đều cần dùng tới. Hồi đó, tỷ lệ sử dụng máy giặt của người Việt, đặc biệt ở vùng nông thôn, còn rất thấp chủ yếu vẫn là giặt tay bằng bột giặt. Là người đã sống ở châu Âu một thời gian, tôi thấy với chính sách mở cửa của Nhà nước thì chắc chắn đời sống người dân sẽ nâng cao và kéo theo nhu cầu về các sản phẩm tiêu dùng.
Chưa kể, thời điểm đó cũng đã bắt đầu có nhiều người đi du học hoặc xuất khẩu lao động thì quan điểm của tôi chỉ đơn giản là: Sau này về nước liệu họ còn chấp nhận ngồi giặt tay? Thế thì mình nghĩ rằng phải phát triển cái dòng nước giặt dành cho máy giặt.
– Vậy các sản phẩm của SVAAB có lợi thế gì để có thể giành được thị phần, thưa ông?
Một ưu tiên luôn là hàng đầu của tôi là sản phẩm phải đạt chất lượng tốt. Người Việt Nam mình luôn muốn các sản phẩm “ngon – bổ – rẻ”, tức là đầu tiên phải có chất lượng tốt, giá cả hợp lý, và sản phẩm phải đẹp mắt.
Về chất lượng, SVAAB từ lâu đã là nhà cung ứng các sản phẩm hóa mỹ phẩm, nhựa và túi đựng sinh học thân thiện môi trường lâu năm cho thị trường Nhật Bản khó tính. Sau nhiều năm hợp tác, chúng tôi đã kí được các hợp đồng chiến lược với các tập đoàn lớn nhất thế giới về Hóa mỹ phẩm như KAO và Miwon (Nhật Bản và Hàn Quốc), hương thơm từ tập đoàn Sozio (Pháp).
Nói đến bao bì, tôi tự hào khi SVAAB là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam có ký kết hợp tác với Fuji Seal và Huhtamaki. Xin nhấn mạnh rằng đây là hai doanh nghiệp sản xuất & cung cấp bao bì dạng túi hàng đầu thế giới hiện nay. Để ký kết được với họ cần các tiêu chuẩn rất cao, như số lượng đơn đặt hàng lớn bao nhiêu, chất lượng sản phẩm tốt ra sao… chứ không phải muốn ký là được.
Nhờ hệ sinh thái khép kín, với nguồn nguyên vật liệu nhập trực tiếp từ các tập đoàn sản xuất chúng tôi không mất thêm chi phí cho các khâu trung gian để có giá thành cạnh tranh nhất.
Cùng với đó, lợi thế nữa của SVAAB là áp dụng 100% các dây chuyền sản xuất tự động, giúp giảm chi phí về nhân công và tăng năng suất và sản lượng sản xuất.
Tiếp theo, chiến lược phân phối của công ty là tập trung trên nền tảng online. Ngay từ những năm 2012, khi mà bán hàng trên Facebook tại Việt Nam còn chưa được chấp nhận rộng rãi, thì tôi vẫn kiên định với cách tiếp cận này cho công ty. Sau một khoảng thời gian sống bên nước ngoài, tôi khẳng định mua sắm online rồi sẽ sớm trở thành xu hướng tại Việt Nam.
Tới nay, tôi có thể khẳng định 98% sản phẩm của SVAAB được phân phối và bán hàng online, như livestream trên Facebook, Tiktok, sàn thương mại điện tử như Lazada hay Shopee, chứ không phải đi theo hệ thống chuỗi như các hãng khác.
Những yếu tố như vậy tổng hợp lại giúp cho sản phẩm của SVAAB ổn định về chất lượng và giảm thiểu rất nhiều chi phí, khiến giá thành sản phẩm trở nên cạnh tranh hơn – có thể lên tới 30-45% so với các công ty khác. Đó là điều mà tôi luôn muốn hướng tới ngay từ đầu: hàng chất lượng tốt và giá cả hợp lý.
– Áp dụng chuyển đổi số hay kinh doanh bền vững là một xu hướng lớn của doanh nghiệp Việt Nam trong thời đại mới. SVAAB đã chuẩn bị và thực hiện điều đó như thế nào?
Có thể nói SVAAB là một trong những công ty tiên phong về ứng dụng công nghệ, như bán hàng trên kênh online tôi vừa chia sẻ. Bên cạnh đó, công ty cũng đang nghiên cứu và phát triển một ứng dụng công nghệ để giúp khách hàng thuận tiện hơn nữa trong mua sắm, dự kiến ra mắt trong năm tới.
Với ứng dụng này, khách hàng khi muốn mua sản phẩm sẽ chỉ cần thao tác trên phần mềm điện thoại, thay vì phải lên trên mạng hay gọi điện cho các nhà phân phối.
Chúng tôi chỉ cần quét mã QR thì thông tin của khách hàng – được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu – như địa chỉ, điện thoại, số lượng sản phẩm cần mua… sẽ được gửi cho nhà phân phối của SVAAB ở trong khu vực đó. Ngay lập tức, hệ thống nhà phân phối của công ty sẽ vận chuyển mà khách hàng không mất thêm chi phí nào.
Nói về kinh doanh bền vững, một điều mà tôi học được sau nhiều năm làm việc với thị trường Nhật Bản là tính nhân văn, đây cũng là điều mà tôi đang cố gắng áp dụng cho công ty.
Để được kinh doanh với người Nhật, không chỉ là việc đảm bảo chất lượng thường xuyên cho nhà máy, mà mình còn phải có chính sách lương thưởng và quan tâm đến đời sống công nhân viên ra sao. Nếu không đáp ứng được họ sẽ không ký tiếp hợp đồng với mình. Các chuyên gia Nhật Bản vẫn thường xuyên qua nhà máy và công ty để kiểm tra (audit) về các vấn đề trên.
Quan niệm của đối tác nước ngoài rất đơn giản: “Nếu đời sống nhân viên, ví dụ như chế độ thai sản, mà anh không quan tâm; thì anh cũng sẽ không quan tâm đến chất lượng sản phẩm làm cho tôi”.
Bởi vậy, tôi không coi nhân viên là người làm thuê cho mình. Họ là người cộng sự cùng đồng hành cùng tôi để gây dựng công ty. Tôi không có thói quen nhúng tay tham gia vào công việc chuyên môn của anh em. Họ có thể tự chủ trong các quyết định và phải chịu trách nhiệm cho việc đó. Như vậy, tôi nghĩ mọi người sẽ cảm thấy được tôn trọng và giúp cải thiện năng suất làm việc hơn.
Tháng 10 này là dịp kỷ niệm 14 năm thành lập công ty SVAAB. Để đánh dấu một mốc phát triển khác trong hành trình của mình, tôi và các cộng sự chuẩn bị ra mắt một sản phẩm mới là Nước giặt xả chuẩn Nhật AAB, áp dụng công nghệ độc quyền của Nhật Bản và phù hợp với thói quen giặt giũ của người Việt Nam. Hi vọng thành quả nghiên cứu và sản xuất của chúng tôi sẽ được đông đảo người tiêu dùng đón nhận, để thúc đẩy hơn nữa phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
– Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện!