Các doanh nghiệp chip Hà Lan nhắm đến Việt Nam

Khi các hạn chế thương mại gia tăng và việc phương Tây tiếp tục giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc như một trung tâm sản xuất, các công ty chip Hà Lan đang tìm kiếm đầu tư mới vào Việt Nam.

Đó chính là tiết lộ của các công ty và nhà cung cấp chất bán dẫn từ Hà Lan đưa ra trong chuyến công tác tới Hà Nội mới đây do Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte dẫn đầu.

Các doanh nghiệp chip Hà Lan nhắm đến Việt Nam

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte mới đây đã có chuyến thăm tại Việt Nam.

Theo danh sách của phái đoàn, có khoảng hơn một chục công ty trong số gần 30 doanh nghiệp đi cùng Thủ tướng Mark Rutte là đại diện của các công ty chip hoặc nhà cung cấp của các hãng bán dẫn.

Cũng trong chuyến thăm, BE Semiconductor Industries (BESI), một nhà sản xuất thiết bị chip hàng đầu của Hà Lan, thông báo rằng họ đã nhận được sự chấp thuận đầu tư ban đầu trị giá 5 triệu USD để thuê một nhà máy ở miền Nam Việt Nam.

Theo nhận định của tờ thông tin tài chính châu Á, Asia Financial, các khoản đầu tư ban đầu được biết đến không lớn, nhưng đó là một chỉ dấu báo hiệu sự thay đổi nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc như một trung tâm xuất khẩu trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng giữa Bắc Kinh và phương Tây, đã hạn chế doanh số bán chip tiên tiến nhất của Hà Lan sang Trung Quốc.

Ông Henk Jan Poerink, phó chủ tịch phụ trách hoạt động toàn cầu của BESI, cho biết khoản đầu tư của công ty dự kiến sẽ tăng trưởng đáng kể với kế hoạch xây dựng nhà máy riêng tại Việt Nam trong vòng 4 năm tới, theo Asia Financial.

Ông cho biết BESI sẽ tiếp bước các công ty Hà Lan khác để tạo ra “hệ sinh thái” bán dẫn mới tại Việt Nam, đồng thời cho biết thêm rằng ít nhất hai công ty khác trong phái đoàn cũng đang có kế hoạch đầu tư. Ông từ chối nêu tên, nhưng nói thêm rằng một công ty khác không tham gia sứ mệnh là Tập đoàn công nghệ kích hoạt VDL cũng đã quyết định đầu tư vào nước này.

Cũng theo ông Henk Jan Poerink, lý do chính để BESI đầu tư vào Việt Nam là để “đến gần hơn với các khách hàng của công ty”, mặc dù ông từ chối nêu tên nhưng lưu ý rằng họ là những công ty điện tử và bán dẫn hàng đầu thế giới.

Trên thực tế, Việt Nam hiện là nơi có nhà máy lắp ráp chip lớn nhất của Intel và cũng là trung tâm sản xuất lớn của gã khổng lồ Samsung và LG của Hàn Quốc.

Chính vì vậy, ông Poerink cho rằng chiến lược của công ty đòi hỏi phải ít phụ thuộc hơn vào Trung Quốc, nơi họ vẫn tiếp tục phát triển nhưng chỉ để phục vụ thị trường Trung Quốc đang mở rộng.

Ông cho biết BESI đang dự định chuyển một số hoạt động từ Trung Quốc sang Việt Nam, giống như những gì khách hàng của công ty đã làm. “Bất cứ điều gì không dành cho Trung Quốc, chúng tôi sẽ chuyển đi”, ông nói.

Trong khi đó, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cũng cho biết, ông chắc chắn rằng các công ty và nhà cung cấp chip khác của Hà Lan sẽ làm theo, đồng thời lưu ý đến quy mô của phái đoàn doanh nghiệp đi cùng ông.

Các doanh nghiệp chip Hà Lan nhắm đến Việt Nam

Công cụ in thạch bản chip Twinscan NXE3400B của ASML ở Veldhoven. Ảnh: Reuters.

Một số quan chức khác đề cập đến những lý do tương tự khiến các công ty Hà Lan quan tâm đến Việt Nam, đặc biệt khi các hạn chế thương mại gia tăng và các công ty hàng đầu, như nhà sản xuất thiết bị chip ASML, không thể bán máy móc tiên tiến nhất của họ cho Bắc Kinh nữa.

Có thể nói, Việt Nam được đánh giá có hệ sinh thái bán dẫn phát triển nhanh, tiềm năng nâng cao vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam đang mở ra những cơ hội phát triển, thu hút đầu tư một cách mạnh mẽ. Tuy nhiên, trước khi đón được dòng vốn và công nghệ từ Hà Lan, Việt Nam cũng vẫn phải đối mặt với những rào cản không nhỏ để thu hút được dòng vốn lớn của quá trình chuyển dịch chuỗi cung ứng này.

Theo các chuyên gia phân tích, Việt Nam vẫn còn đó những thách thức đáng kể như việc thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời vẫn còn đang trong quá trình xây dựng các cơ chế hỗ trợ cho phát triển xanh và chuyển đổi số. Ngoài ra, những vấn đề khách quan như xung đột chiến tranh hay sự cạnh tranh khốc liệt từ các thị trường khác như Malaysia, Singapore, Thái Lan cũng được coi là những rào cản cho việc thu hút nguồn vốn đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao này.

Bài Viết Liên Quan

Back to top button