Bộ Xây dựng yêu cầu rà soát quy hoạch kiến trúc công trình số 61 Trần Phú
Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi UBND TP Hà Nội về việc rà soát tổng mặt bằng và phương án kiến trúc công trình đa chức năng tại số 61 phố Trần Phú, quận Ba Đình.
Văn bản số 1145/BXD-QHKT gửi UBND Thành phố Hà Nội của Bộ Xây dựng nêu rõ: Trong các ngày 04-05/4/2022, các phương tiện thông tin báo chí phản ánh việc phá dỡ công trình tại khu đất số 61 phố Trần Phú, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội.
Nội dung phản ánh về việc cần xem xét lại phương án kiến trúc công trình bảo vệ bức phù điêu đắp nổi với hình ảnh dân quân, tự vệ bảo vệ Hà Nội trong kháng chiến chống Mỹ, ghi lại sự kiện lịch sử, cách mạng bắn rơi máy bay Mỹ.
Theo Quy hoạch chi tiết Khu trung tâm chính trị Ba Đình, Thành phố Hà Nội, tỷ lệ 1/2000 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 2411/QĐ-TTg ngày 10/12/2013, Nhà máy thiết bị bưu điện tại lô G1 (khu đất số 61 phố Trần Phú, Hà Nội) được di chuyển ra khỏi khu trung tâm.
Tuy nhiên, Khu trung tâm chính trị Ba Đình có tính chất là khu vực có nhiều giá trị mang tầm quốc gia về văn hóa, lịch sử, không gian kiến trúc gắn liền với lịch sử phát triển đất nước, với mục tiêu bảo tồn, tôn vinh các giá trị di sản văn hóa, lịch sử, kiến trúc đô thị.
Với lý do trên, Bộ Xây dựng đề nghị UBND Thành phố Hà Nội trước mắt tạm dừng thi công; rà soát về các chỉ tiêu quy hoạch, phương án kiến trúc công trình tại số 61 phố Trần Phú, quận Ba Đình, Hà Nội đảm bảo tuân thủ quy định, phù hợp với quy hoạch, không gian, kiến trúc, cảnh quan Khu trung tâm chính trị Ba Đình (nội dung này cũng đã được Bộ Xây dựng lưu ý tại Văn bản số 515/BXD-QHKT ngày 24/3/2016 gửi UBND Thành phố Hà Nội); nghiên cứu tiếp thu các ý kiến phản ánh để có giải pháp thực hiện phù hợp; công bố thông tin đầy đủ, đảm bảo công khai, minh bạch.
Như Diễn đàn Doanh nghiệp phản ánh, sự việc tòa nhà có tuổi đời 100 năm tại 61 Trần Phú đang dựng giàn giáo xung quanh để phá dỡ xây cao ốc 11 tầng khiến nhiều người không khỏi tiếc nuối.
Trước phản ứng từ dư luận, chiều 6/4, Văn phòng UBND TP Hà Nội đã có văn bản hỏa tốc gửi các đơn vị liên quan thông báo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh về rà soát hồ sơ của dự án đầu tư xây dựng công trình tại số 61 phố Trần Phú (quận Ba Đình).
Văn phòng UBND TP cho biết, sau khi nhận được ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội về việc tạm dừng thi công, kiểm tra quy trình, thủ tục dự án số 61 Trần Phú, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu các sở ngành của thành phố và UBND quận Ba Đình kiểm tra, rà soát hồ sơ, thủ tục triển khai dự án; xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan (nếu có); tổ chức theo dõi, giám sát việc chấp hành cho đến khi có chỉ đạo mới.
Theo xác nhận từ Sở Quy hoạch và kiến trúc Hà Nội, việc phá dỡ nhà máy cũng để chuẩn bị xây dựng dự án gồm 11 tầng nổi và 6 tầng hầm.
Sở này khẳng định công trình không nằm trong “Danh mục công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa” theo Nghị quyết 24/2013/NQ-HĐND của HĐND thành phố.
Theo nguồn tin riêng của PV, khu đất 61 Trần Phú rộng 9.078 m2 được giao cho thành viên Tập đoàn VNPT – Công ty CP Thiết bị bưu điện (POSTEF, mã chứng khoán: POT) – làm trụ sở và sản xuất từ năm 1996. Theo thông tin từ POSTEF, hồ sơ thủ tục khởi công dự án trên đã hoàn thiện và dự kiến khởi công trong năm nay.
KTS Phạm Thanh Tùng – Chuyên gia kiến trúc đô thị, Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, mặc dù công trình này không phải di tích, song cũng gắn liền với lịch sử và là công trình nhà máy công nghiệp cuối cùng còn lại tại Hà Nội. Việc phát triển đô thị cần tôn trọng văn hóa, lịch sử. Phá dỡ nhà máy không đồng nghĩa với việc phá dỡ toàn bộ.
“Nằm ở vị trí đặc biệt, công trình cần có kiến trúc hài hòa với kiến trúc khu vực. Không những vậy, cần lấy ý kiến người dân trong thi tuyển kiến trúc bằng các triển lãm” – ông Tùng nói.
Vị chuyên gia cũng ví von rằng kiến trúc được duyệt như một “quái vật” khi xung quanh là các công trình mang dấu ấn lịch sử. Không những vậy, việc cho phép xây dựng cao đến 11 tầng – tương đương chiều cao của tòa nhà Quốc hội là không phù hợp.
“Và đây có thể là một 8B Lê Trực thứ hai với quy mô lớn hơn nhiều vì công trình 8B Lê Trực chỉ có 1 mặt phố, còn ở đây có đến 4 mặt” – ông Tùng lo ngại.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn