Bộ Tài chính nói gì triển vọng của thị trường chứng khoán trong thời gian tới?

Theo Bộ Tài chính, triển vọng thị trường chứng khoán trong năm 2024 phụ thuộc phần lớn vào các chính sách kinh tế vĩ mô, triển vọng kinh tế trong nước, thế giới, và các chính sách điều hành…

Tín hiệu tích cực

Cụ thể, Bộ Tài chính cho rằng năm 2024, kinh tế thế giới được dự báo tiếp tục phục hồi. Trong tháng 6/2024, Ngân hàng Thế giới tiếp tục điều chỉnh nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu lên mức 2,6% trong năm 2024, cao hơn 0,2% so với dự báo được đưa ra vào đầu năm và duy trì dự báo ở mức 2,7% trong năm 2025. Trong đó, dự báo tăng trưởng GDP Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ năm 2024 được điều chỉnh tăng lần lượt 0,9%, 0,3% và 0,2% so với dự báo được đưa ra vào đầu năm, đạt lần lượt 2,5%, 4,8%, 6,6% trong năm 2024. Ngoài ra, lạm phát thế giới tiếp tục xu hướng giảm dần, tiêu dùng phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng thương mại toàn cầu, đồng thời hỗ trợ đảo chiều chính sách tiền tệ.

Bộ Tài chính nói gì triển vọng của thị trường chứng khoán trong thời gian tới?
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại Hội nghị Sơ kết công tác Tài chính – NSNN 6 tháng đầu năm 2024. (Ảnh: H.T -MOF)

Trong nước, kinh tế vĩ mô nhìn chung ổn định, lạm phát được kiểm soát, hoạt động kinh tế tiếp tục chuyển biến tích cực, các động lực tăng trưởng như xuất khẩu và sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng khá. Nhiều tổ chức quốc tế dự báo triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam trong năm 2024 sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định, tích cực. Trong tháng 4/2024, Việt Nam đã được IMF loại khỏi nhóm Các nước đang phát triển có thu nhập thấp (LIDC) và được xếp vào nhóm Các nền kinh tế thị trường mới nổi và thu nhập trung bình (EMMIEs). Theo đó, GDP của Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng 5,8% vào năm 2024 và 6,5% vào năm 2025, mức tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất trong các quốc gia thuộc EMMIES. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra mức dự báo năm 2024 ở mức 6%, cao hơn mức trung bình 4,9% của các nước châu Á đang phát triển. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục vững vàng và dự kiến sẽ phục hồi nhờ tiêu dùng trong nước được hỗ trợ bởi lạm phát ở mức vừa phải, tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công và cải thiện các hoạt động thương mại. Ngoài ra, thu hút vốn FDI được dự báo tiếp tục là điểm sáng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2024, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp FDI lớn trên thế giới.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế – xã hội, ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, tài chính tiền tệ, kiểm soát lạm phát, và bảo đảm các cân đối lớn, trong đó có thể kể đến chính sách tiền tệ linh hoạt, bảo đảm cân đối hài hòa giữa điều hành tỷ giá và lãi suất, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng; bình ổn thị trường vàng; thúc đẩy giải ngân gói tín dụng nhà ở xã hội; đẩy mạnh xử lý nợ xấu, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng; triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ giảm 2% thuế giá trị gia tăng, gia hạn miễn giảm thuế, phí, lệ phí; đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; công tác điều hành, quản lý hoạt động chứng khoán và các giải pháp nâng hạng thị trường đang được tích cực triển khai, củng cố niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường. Bộ Tài chính cho rằng đây sẽ là những tín hiệu tích cực cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán (TTCK) nói riêng.

Khó khăn và thách thức

Tuy vậy, báo cáo tại Hội nghị Sơ kết công tác Tài chính – NSNN 6 tháng đầu năm 2024 của Bộ Tài chính, cơ quan quản lý cũng nhận định ở một phía khác, kinh tế Việt Nam nói chung và TTCK nói riêng trong năm 2024 vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Năm 2024, tình hình thế giới được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu tiếp tục xu hướng chậm lại, căng thẳng chính trị leo thang và các hiện tượng thời tiết cực đoan có khả năng làm gián đoạn nền kinh tế, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và giá cả hàng hóa. Lạm phát tại Mỹ mặc dù đã giảm xuống mức 3,3% vào tháng 5/2024 nhưng vẫn đang ở xu hướng tăng khi đạt 3,5% vào tháng 3/2024 trong khi đã giảm xuống mức 3,1% tháng 01/2024 khiến Fed có khả năng trì hoãn cắt giảm lãi suất để theo dõi; điều này củng cố đà tăng của đồng USD trong ngắn hạn và ảnh hưởng đến kế hoạch nới lỏng tiền tệ của các NHTW châu Âu, Anh,… Do vậy, chính sách tài chính, kinh tế vĩ mô trong thời gian tới sẽ tiếp tục duy trì trong trạng thái thận trọng.

Kinh tế thế giới phục hồi chậm và thiếu đồng đều, tiềm ẩn nhiều thách thức, rủi ro có thể ảnh hưởng sâu rộng đến kinh tế – tài chính Việt Nam. Xuất nhập khẩu được đánh giá vẫn gặp nhiều thách thức, trở ngại do tổng cầu tiêu dùng thế giới còn yếu, tăng trưởng kinh tế của các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc được dự báo giảm. Về lạm phát, chỉ số CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2024 dự báo tăng cao hơn khoảng 0,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2023, sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến mặt bằng lãi suất huy động của hệ thống các tổ chức tín dụng trong giai đoạn tới. Tỷ giá trong nước biến động mạnh trong bối cảnh đồng USD tăng giá trên thị trường quốc tế, khả năng Fed chưa cắt giảm lãi suất như kỳ vọng, giá vàng tăng mạnh và áp lực tỷ giá nhiều khả năng vẫn tiếp tục hiện hữu đến hết năm 2024.

Đáng chú ý, Bộ Tài chính nhận định, khác với xu hướng giảm lãi suất trong quý I/2024, trong thời gian tới, dưới áp lực lạm phát và tỷ giá, mặt bằng lãi suất huy động dự báo có thể tăng khoảng 0,3 – 0,5%. Doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức khi khả năng tiếp cận vốn còn hạn chế, hoạt động huy động vốn còn nhiều khó khăn, chi phí doanh nghiệp tăng.

Các giải pháp điều hành TTCK

Bộ Tài chính – Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết nhằm đảm bảo sự vận hành liên tục, thông suốt, ổn định, minh bạch của TTCK, bên cạnh các giải pháp điều hành thị trường đã được nêu trong các báo cáo trước, trong thời gian tới, UBCKNN sẽ tập trung triển khai một số giải pháp.

Bộ Tài chính nói gì triển vọng của thị trường chứng khoán trong thời gian tới?
Thị trường chứng khoán Việt Nam nửa đầu 2024 thể hiện xu hướng phục hồi trước những thách thức.

Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lý về chính sách phát triển thị trường, trong đó tập trung rà soát Luật Chứng khoán, các Nghị định và Thông tư hướng dẫn trong lĩnh vực chứng khoán; hoàn thiện công tác soạn thảo, xây dựng các Nghị định và Thông tư hướng dẫn văn bản quy phạm pháp luật theo kế hoạch; triển khai theo Quyết định của Bộ trưởng chương trình hành động của Bộ Tài chính thực hiện Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 theo Quyết định số 1726/QĐ-TTg về phê duyệt Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030.

Thứ hai, tích cực, chủ động trao đổi, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, các tổ chức xếp hạng, các nhà đầu tư quốc tế lớn và các thành viên thị trường để triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng TTCK Việt Nam theo lộ trình đã đặt ra nhằm thu hút sự tham gia của các NĐTNN trên thị trường Việt Nam.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về chính sách kinh tế vĩ mô, công tác điều hành kinh tế của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và các kết quả tăng trưởng kinh tế trên nhiều mặt, giúp công chúng đầu tư tiếp thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời, hạn chế sự tác động về tâm lý do tin đồn, tin giả mạo trên thị trường.

Thứ tư, tăng cường giám sát chặt chẽ thông tin, chống các tin đồn thất thiệt trên TTCK, đặc biệt là các tin đồn, tin xấu nhằm trục lợi, gây bất ổn tâm lý trên thị trường; xử lý nghiêm một số vụ việc điển hình nhằm tạo tính răn đe, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trên thị trường.

Thứ năm, tăng cường giám sát, kiểm tra đối với hoạt động huy động, sử dụng vốn của các tổ chức phát hành; tăng cường kiểm tra hoạt động kiểm toán của các đơn vị kiểm toán, kiểm toán viên; phối hợp chặt chẽ với Hội kiểm toán viên hành nghề trong đào tạo giám sát, xử lý vi phạm đối với công ty kiểm toán, kiểm toán viên.

Thứ sáu, tăng cường giám sát chặt chẽ hoạt động của các tổ chức trung gian, tập trung giám sát, kiểm tra các hoạt động cho vay ký quỹ, các dịch vụ tài chính, đảm bảo chỉ tiêu an toàn tài chính và các quy định pháp luật tại các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ; tiếp tục thực hiện tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tăng cường phát triển các quỹ đầu tư chứng khoán nhằm cân đối giữa nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư cá nhân.

Thứ bảy, nâng cao vai trò và trách nhiệm của các tuyến giám sát, trong đó phát huy vai trò của tuyến giám sát thứ nhất là các công ty chứng khoán, tăng cường giám sát các công ty này để kịp thời ngăn ngừa và phát hiện sớm các vi phạm trên thị trường; đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm trên TTCK nhằm tăng cường kỷ cương, kỷ luật trên thị trường, hướng đến sự phát triển TTCK theo hướng minh bạch và bền vững; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho công tác thanh tra, giám sát; hoàn thiện và đưa vào sử dụng Hệ thống công nghệ thông tin phục vụ thanh tra, giám sát.

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2024, tại phiên chốt quý II ngày 28/6/2024, chỉ số VN-Index đạt 1.245,32 điểm, tăng 10,2% so với cuối năm 2023; chỉ số HNX-Index đạt 237,59 điểm, tăng 2,8% so với cuối năm 2023.

Thanh khoản thị trường liên tục tăng trưởng trong Quý I/2024 với giá trị giao dịch bình quân đạt 23.895 tỷ đồng/phiên, tăng 35,5% so với năm 2023. Thanh khoản thị trường tháng 4 giảm nhẹ so Quý I/2023 và hồi phục trở lại từ tháng 5. Tính chung 6 tháng đầu năm, giá trị giao dịch bình quân đạt 24.598 tỷ đồng/phiên, tăng 39,9% so với bình quân năm 2023.

Tính đến hết tháng 6/2024, thị trường có 729 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 Sở giao dịch chứng khoán và 878 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM với tổng giá trị niêm yết, ĐKGD đạt 2.176 nghìn tỷ đồng, tăng 2,3% so với cuối năm 2023 (tương đương 21,3% GDP ước tính năm 2023). Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM ngày 28/6/2024 đạt 7.066,1 nghìn tỷ đồng, tăng 19,0% so với cuối năm 2023; tương đương 69,1% GDP ước tính năm 2023.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Bài Viết Liên Quan

Back to top button