Bộ Tài chính: đề xuất tiếp tục giảm thuế GTGT 2% từ 01/07/2025

Nhằm kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (DN), thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ cho phép tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) 2% đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ, đồng thời mở rộng thêm đối tượng được thụ hưởng. Thời gian áp dụng từ 1/7/2025 đến hết ngày 31/12/2026.

Theo dự thảo, giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản phẩm kim loại, sản phẩm khai khoáng (trừ than), sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ xăng).

Bộ Tài chính: đề xuất tiếp tục giảm thuế GTGT 2% từ 01/07/2025
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi chủ trì họp báo thường kỳ Quý I/2025

Dự kiến số giảm thu NSNN khoảng 121,74 nghìn tỷ đồng

Đánh giá tác động của dự thảo Nghị quyết, Bộ Tài chính cho biết, dự kiến số giảm thu NSNN trong 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026 tương đương khoảng 121,74 nghìn tỷ đồng (trong đó: 6 tháng cuối năm 2025 giảm khoảng 39,54 nghìn tỷ đồng, năm 2026 giảm khoảng 82,2 nghìn tỷ đồng).

Việc giảm thuế GTGT tác động làm giảm thu NSNN nhưng cũng có tác động kích thích sản xuất, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó cũng góp phần tạo thêm nguồn thu cho NSNN. Nhằm bù đắp số hụt thu do thực hiện chính sách, Chính phủ tập trung chỉ đạo các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện các giải pháp như: tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, tiết kiệm chi đồng thời quyết liệt trong công tác thu NSNN, tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý thuế… Phấn đấu thu NSNN năm 2025 cao hơn khoảng 10% so với ước thực hiện năm 2024.

Ông Mai Sơn, Phó Cục trưởng Cục Thuế, Bộ Tài chính cho biết thời gian tới ngành Thuế tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác quản lý thuế thương mại điện tử nhằm tăng thu NSNN ở lĩnh vực này. Số liệu quản lý thuế trong ba năm gần nhất đã ghi nhận kết quả thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT là 296 nghìn tỷ đồng; Số liệu ba tháng đầu năm 2025 số thuế đã nộp là 34,5 nghìn tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kì.

Nhằm hỗ trợ thêm một kênh thực hiện nghĩa vụ thuế thuận tiện cho hộ, cá nhân kinh doanh TMĐT, từ ngày 19/12/2024 cơ quan thuế vận hành “Cổng thông tin điện tử dành cho hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký, kê khai, nộp thuế từ thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số”.

Kết quả, đến 10 giờ ngày 19/03/2025, Cổng TMĐT hỗ trợ hơn 55 nghìn hộ, cá nhân kinh doanh thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế trên Cổng TMĐT HKD với số nộp NSNN là gần 410 tỷ đồng. Trong đó 05 Tỉnh, thành phố có số tiền nộp thuế trực tiếp trên cổng cao nhất lần lượt là: Hà Nội (261 tỷ đồng), Thành phố Hồ Chí Minh (71 tỷ đồng), Nam Định (7,1 tỷ đồng), Bắc Ninh (5,4 tỷ đồng).

Bộ Tài chính: đề xuất tiếp tục giảm thuế GTGT 2% từ 01/07/2025
Toàn cảnh buổi họp báo

Tác động tích cực đến người dân và doanh nghiệp

Việc giảm thuế GTGT sẽ góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm 2025.

Với người dân, đây là đối tượng sẽ được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này, việc giảm 2% mức thuế GTGT sẽ góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống nhân dân.

Đối với doanh nghiệp, trong bối cảnh thương mại toàn cầu biến động việc giảm 2% mức thuế GTGT sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm thông qua doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ được giảm thuế GTGT dẫn đến giảm giá bán của hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng. Từ đó giúp sản phẩm của doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ và mở rộng sản xuất kinh doanh, góp phần tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.

Đánh giá của lãnh đạo Bộ Tài chính thì việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT là thực sự cần thiết. Trong giai đoạn từ năm 2022 đến 6 tháng đầu năm 2025, Quốc hội đã quyết nghị giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) tại các Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29/11/2023 về Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV; Nghị quyết số 142/2024/QH15 ngày 29/6/2024 về Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV; Nghị quyết số 174/2024/QH15 ngày 30/11/2024 về Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV.

Giải pháp giảm thuế GTGT cùng với các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí khác đang tạo điều kiện rất lớn giúp doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng khả năng kích cầu. Góp phần tạo động lực phát triển cho nền kinh tế, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, du lịch, tiêu dùng trong nước trong năm 2025 và năm 2026.

Hiền Hưng

 

Bài Viết Liên Quan

Back to top button