Bổ sung giảm phí, lệ phí, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi
Có 37 khoản phí, lệ phí được giảm với mức giảm từ 10-50% so với quy định hiện hành và có hiệu lực kể từ 01/01/2022 đến hết ngày 30/6/2022, theo Thông tư 120/2021/TT-BTC.
Mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 120/2021/TT-BTC, quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Trong đó, Bộ Tài chính tiếp tục bổ sung thêm 3 khoản phí, lệ phí vào danh mục các khoản phí, lệ phí được giảm, đó là:
Thứ nhất, giảm 50% đối với Lệ phí cấp giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, xe máy chuyên dùng,
Thứ hai, giảm 50% Phí trình báo đường thủy nội địa,
Thứ ba, giảm 20% đối với phí sử dụng tần số vô tuyến điện đối với nghiệp vụ di động mặt đất (Mạng viễn thông di động mặt đất nhắn tin dùng riêng và Mạng viễn thông dùng riêng sử dụng tần số thuộc nghiệp vụ di động, mạng viễn thông di động mặt đất trung kế).
Đồng thời, tại Thông tư này cũng quy định rõ cách tính phí đối với phí sử dụng đường bộ quy định tại Số thứ tự 28 và phí sử dụng tần số vô tuyến điện được quy định tại Số thứ tự 36 trong Biểu nêu tại Thông tư 120/2021/TT-BTC. Cụ thể, đối với phí sử dụng đường bộ quy định tại Số thứ tự 28 trong Biểu nêu tại Thông tư 120/2021/TT-BTC sẽ được tính theo từng trường hợp như sau:
Trường hợp xe ô tô chuyển từ không kinh doanh vận tải sang kinh doanh vận tải trong thời gian có hiệu lực của Thông tư này thì thời điểm áp dụng mức phí theo quy định tại Thông tư này tính từ ngày xe ô tô được ghi nhận trong Chương trình quản lý kiểm định của Cục Đăng kiểm Việt Nam là xe ô tô kinh doanh vận tải.
Trường hợp xe ô tô đã được nộp phí theo mức phí quy định tại Thông tư số 70/2021/TT-BTC cho khoảng thời gian có hiệu lực của Thông tư này, chủ xe sẽ được bù trừ số tiền phí chênh lệch giữa mức phí theo quy định tại Thông tư số 70/2021/TT-BTC với mức phí theo quy định tại Thông tư này vào số phí phải nộp của chu kỳ tiếp theo. Đơn vị đăng kiểm chịu trách nhiệm tính bù trừ tiền phí cho chủ xe vào chu kỳ tiếp theo.
Trong khi đó, đối với phí sử dụng tần số vô tuyến điện quy định tại Số thứ tự 36 trong Biểu nêu trên được tính như sau: Trường hợp tổ chức, cá nhân đã nộp phí theo mức phí quy định tại Thông tư số 265/2016/TT-BTC cho khoảng thời gian có hiệu lực của Thông tư này, tổ chức, cá nhân sẽ được bù trừ số tiền phí chênh lệch giữa mức phí theo quy định tại Thông tư số 265/2016/TT-BTC với mức phí theo quy định tại Thông tư này vào số phí phải nộp của kỳ nộp phí tiếp theo. Tổ chức thu phí chịu trách nhiệm tính bù trừ tiền phí cho tổ chức, cá nhân vào kỳ nộp phí tiếp theo.
Như vậy, trong 6 tháng đầu năm 2022, mức thu các khoản phí, lệ phí sẽ thực hiện theo quy định tại Thông tư 120 và kể từ kể từ ngày 1/7/2022 trở đi, mức thu các khoản phí, lệ phí quy định tại Thông tư 120/2021/TT-BTC sẽ quay trở lại thực hiện theo như quy định hiện hành.
>> Bộ GTVT đề nghị miễn phí đăng kiểm, giảm phí đường bộ đến cuối năm
Theo Bộ Tài chính, trong thời gian qua, Bộ đã nhận được một số kiến nghị tiếp tục giảm phí, lệ phí trong năm 2022 do dự báo tình hình dịch COVID-19 trên thế giới và ở nước ta còn diễn biến phức tạp, khó lường, có thể bùng phát các đợt dịch mới với những biến chủng mới, lây lan nhanh hơn và nguy hiểm hơn. Việc giảm một số loại phí, lệ phí sẽ giúp các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 có thêm điều kiện để duy trì, phục hồi và phát triển trong thời gian tới.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, quy định mới đây của Bộ Tài chính cũng là một giải pháp thể hiện sự ưu ái của Nhà nước nhằm giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải hiện nay. Thực tế, mức giảm 50% Lệ phí cấp giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới là không nhiều, nhưng với những đơn vị có nhiều đầu xe, thì cũng giúp san sẻ được một phần chi phí cho doanh nghiệp.
“Giới vận tải chúng tôi rất hoan nghênh và thấy rằng, quy định của Bộ Tài chính hoàn toàn hợp lý, hài hoà, bởi các đơn vị làm công tác kiểm định cũng phải lấy thu bù chi, các hoạt động kiểm định phải có chi phí về máy móc, thiết bị, nhân lực và chi phí quản lý, điện, nước,… nên không thể giảm quá nhiều.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng có thêm kiến nghị về mức thu trên đầu phương tiện đối với vận tải hành khách trong năm 2021 vừa qua cũng chỉ giảm 30% và cho đến nay, dù vẫn tiếp tục cho giảm nhưng chỉ áp dụng mức giảm cũ. Theo ý kiến của các doanh nghiệp trong ngành vận tải, đối với vận tải hành khách hiện nay, mức độ hoạt động của các xe, con số lăn bánh thực rất thấp, ngay cả khi xe có hoạt động thì lượng khách chở cũng rất ít, cho nên đề nghị Nhà nước xem xét giảm với mức sâu hơn, từ 50-70% so với quy định hiện hành”, ông Quyền đề xuất.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn