Bình Dương thành lập 6 tổ giám sát các ‘siêu dự án’
Với quyết tâm trong nhiệm kỳ này phải hoàn thành các dự án mang lại lợi ích chung, Bình Dương lập 6 tổ, phân công từng lãnh đạo chủ chốt giám sát quá trình thực hiện.
Ngày 17/4, đại diện UBND tỉnh Bình Dương thông tin sau các cuộc họp bàn về việc triển khai các dự án trọng điểm, có tính đột phá, địa phương đã công bố quyết định thành lập tổ công tác chỉ đạo triển khai thực hiện.
Theo đó, quyết định thành lập 6 tổ chỉ đạo triển khai thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh này, gồm: Tổ chỉ đạo triển khai thực hiện dự án BOT nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13; tổ chỉ đạo triển khai thực hiện dự án đường cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành; tổ chỉ đạo triển khai thực hiện dự án tạo cảnh quan, chống ùn tắc giao thông trên tuyến đường Mỹ Phước – Tân Vạn, ĐT 746, ĐT 747b, ĐT 743. Các tổ này do ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương, làm tổ trưởng.
Tổ chỉ đạo triển khai thực hiện dự án đường vành đai 4 và dự án nút giao Sóng Thần với đường Phạm Văn Đồng, TP.HCM. Tổ này do ông Võ Văn Minh, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, làm tổ trưởng.
Tổ chỉ đạo triển khai thực hiện dự án đường vành đai 3 TP.HCM. Tổ này do ông Mai Hùng Dũng, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương, làm tổ trưởng.
Dự án đường vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài 92 km, đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương có chiều dài 25,92 km, tổng mức đầu tư khoảng 19.280 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công.
Đến nay, đoạn đi trùng với đường Mỹ Phước – Tân Vạn dài 15,3 km đã được xây dựng với quy mô 6 làn ôtô. Tuyến vành đai 4 có tổng chiều dài 199 km với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 27.670 tỷ đồng; trong đó đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương dài 48,3 km, quy mô quy hoạch 8 làn xe cao tốc.
Tỉnh Bình Dương đã chủ động đầu tư được khoảng 26,64 km với quy mô từ 4-10 làn xe. Dự án BOT nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 thêm hai làn xe, nâng tổng số lên 8 làn xe, có tổng mức đầu tư 1.367 tỷ đồng.
Dự án tạo cảnh quan, chống ùn tắc giao thông trên tuyến đường Mỹ Phước – Tân Vạn, ĐT 746, ĐT 747b, ĐT 743 theo hình thức PPP có tổng mức đầu tư trên 7.258 tỷ đồng; trong đó đầu tư theo hình thức BOT trên tuyến Mỹ Phước – Tân Vạn gồm có 8 hầm chui hoặc cầu vượt tuyến chính, 9 hầm chui dân sinh, 8 cầu vượt bộ hành, 11,7 km đường gom, xây dựng trạm thu phí An Phú, tổng mức đầu tư trên 6.619 tỷ đồng.
Dự án đường cao tốc TP.HCM – Chơn Thành có tổng mức đầu tư trên 23.189 tỷ đồng được thực hiện theo hình thức PPP. Vừa qua, Thủ tướng đã thống nhất giao UBND tỉnh Bình Dương là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để triển khai dự án đường cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành. Cuối cùng là dự án nút giao Sóng Thần với đường Phạm Văn Đồng, TP.HCM.
Đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy Bình Dương cho biết việc thành lập các tổ giám sát đặc biệt này, Bình Dương quyết tâm trong nhiệm kỳ này phải hình thành các trục đường quan trọng, tạo bứt phá vì sự phát triển chung của Bình Dương.
Các tổ thực hiện đôn đốc ban quản lý dự án, chủ đầu tư, bên có liên quan thực thi tất cả hồ sơ theo quy định của pháp luật, kiểm tra nhắc nhở. Việc giải phóng mặt bằng, phải bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhân dân, doanh nghiệp, trong đó phải đặt lợi ích người dân lên trên, tạo sự đồng thuận.
Nguồn: zingnews.vn