Biển đỏ “rực lửa” có thể “thiêu đốt” 20% năng lực vận tải toàn cầu
Vụ việc các tàu container bị lực lượng Houthi ở Yemen tấn công trên khu vực Biển Đỏ có khả năng làm giảm 20% năng lượng vận tải toàn cầu, là “đòn giáng” mới vào chuỗi cung ứng.
Theo các chuyên gia kinh tế, vụ việc các tàu container bị lực lượng Houthi ở Yemen tấn công trên khu vực Biển Đỏ có khả năng làm giảm 20% năng lượng vận tải toàn cầu, là “đòn giáng” mới vào chuỗi cung ứng hàng hóa thế giới, gia tăng áp lực lạm phát sau khi chỉ vừa chớm hồi phục sau đại dịch COVID-19.
Căng thẳng tại Biển Đỏ – tuyến hàng hải quan trọng chiếm khoảng 15% lưu lượng vận tải biển toàn cầu – vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu. Hàng trăm tàu lớn đang định tuyến lại quanh mũi phía nam châu Phi, một tuyến đường dài hơn kéo dài thêm 10-14 ngày di chuyển, để thoát khỏi các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa của lực lượng Houthi ở Yemen đã đẩy giá dầu và giá cước vận tải tăng cao.
Theo thông tin từ Tập đoàn giao dịch chứng khoán London (LSEG), khoảng 300 tàu thuyền đã ghé qua New York và Savanna, hai thành phố cảng thuộc bang Georgia của Mỹ.
Hầu hết các tàu này là tàu container đi từ Singapore và một số cảng ở Đông Á. Một số lượng lớn các con tàu này đã được định tuyến lại và đang đi vòng quanh Mũi Hảo Vọng ở cực nam châu Phi thay vì xuyên qua Kênh đào Suez.
Công ty logistics hàng đầu là Kuehne + Nagel cho biết, tính đến ngày 20/12 việc 121 tàu container đi đường vòng tránh qua khu vực Biển Đỏ đã ảnh hưởng đến 1,6 triệu container. Theo công ty này, so với các tuyến đường đi qua Kênh đào Suez, chuyến đi giữa châu Á và châu Âu vòng quanh Mũi Hảo Vọng sẽ kéo dài thời gian vận chuyển thêm ba đến bốn tuần nữa. Các tuyến đường đến Bờ Đông Mỹ dự kiến bị trễ thêm khoảng 5 ngày.
Do đó, Kuehne + Nagel nhận định thời gian di chuyển kéo dài sẽ làm giảm 20% công suất của đội tàu container toàn cầu, dẫn đến sự chậm trễ tiềm tàng về nguồn lực vận chuyển sẵn có. Tác động dây chuyền thậm chí còn lớn hơn với khoảng 40% tàu container đang gặp phải tình trạng chậm trễ.
Chuyên gia Chris Rogers tại tổ chức S&P Global cho biết: “Chi phí vận chuyển trên tuyến đường nối trục Á-Âu có thể sẽ tăng khoảng 15%, khi tính chi phí nhiên liệu trừ phí Kênh đào Suez, đồng thời cũng sẽ có thêm chi phí bảo hiểm tăng”.
Ông Jan Hoffmann, Trưởng Tiểu ban Logistics Thương mại, Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho biết, giá cước vận chuyển container đã tăng lên tăng lên mức cao nhất trong năm 2023 dù còn thấp hơn thời COVID nhưng vẫn cao hơn bất kỳ thời điểm nào trong năm nay.
Hiệu ứng domino
Quan ngại về việc chi phí nhiên liệu tăng do nhu cầu tăng khi những tuyến vận chuyển kéo dài và rủi ro đối với những tàu chuyên chở thực sự đã có dấu hiệu. Đơn cử là ngày 18/12, giá dầu thô đã tăng thêm gần 2% sau khi một tàu thuộc sở hữu của Na Uy bị tấn công và Tập đoàn Dầu khí BP thông báo tạm dừng mọi hoạt động vận chuyển qua Biển Đỏ.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), lượng dầu vận chuyển qua biển Đỏ chiếm khoảng 12% tổng lượng dầu giao dịch bằng đường biển toàn cầu trong nửa đầu năm 2023. Trong thông báo mới nhất, các công ty dầu mỏ hàng đầu gồm BP và Frontline đều thông báo sẽ tránh di chuyển qua tuyến đường biển này.
“Sau khi phương Tây siết chặt lệnh trừng phạt với dầu thô Nga, vai trò của khu vực Biển Đỏ trở nên quan trọng hơn. Khoảng 74% lượng dầu xuất khẩu bằng đường biển của Nga đến châu Á là đi về phía Nam Suez thay vì 30% như năm 2021. Trong khi đó, châu Âu cũng đang tăng cường nhập khẩu dầu từ Trung Đông. Việc nhiều tàu chở dầu phải đổi hướng vòng qua châu Phi, thay vì tạm thời dừng di chuyển qua khu vực Biển Đỏ đã khiến thời gian giao hàng kéo dài thêm khoảng 18 ngày. Do vậy tôi cho rằng, nguồn cung đến các nhà máy lọc dầu cũng sẽ hạn chế hơn và nguồn cung dầu tạm thời sẽ bị thắt chặt hơn trong ngắn hạn”, ông Dương Đức Quang, Phó Tổng giám đốc, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), cho hay.
Ông Rogers tính toán phí vận chuyển cao hơn và sự chậm trễ trong việc giao hàng sẽ ảnh hưởng đến khoảng 47% giá các mặt hàng đồ chơi, khoảng 40% giá cả thiết bị gia dụng và khoảng 40% hàng may mặc được vận chuyển giữa các nền kinh tế châu Á và phương Tây.
Giám đốc điều hành Rob Thummel của Công ty Đầu tư năng lượng Tortoise Capital (Mỹ) đánh giá, các sự kiện ở Biển Đỏ đang khiến giá dầu tăng cao hơn khi nhà giao dịch đánh giá khả năng gián đoạn nguồn cung gắn liền với rủi ro địa chính trị ngày càng tăng. Một số quan điểm cho rằng, nếu “khủng hoảng Biển Đỏ” chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, người tiêu dùng sẽ không nhận thấy điều gì, có thể ngoại trừ giá năng lượng tăng cao. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài lâu hơn sẽ khiến lạm phát tăng khó kiểm soát.
Bên cạnh đó, chuyên gia đánh giá, nguồn cung hàng hóa công nghiệp cũng có khả năng bị chậm trễ. Việc định tuyến lại đường đi của các con tài sẽ ảnh hưởng đến việc vận chuyển 24% hóa chất, cũng như 22% thép cán phẳng được sử dụng trong ngành ô tô và 22% dây cách điện và pin cho ô tô.
Thậm chí, theo Nikkei, có những dấu hiệu cho thấy sự chậm trễ đã ảnh hưởng đến giá bán lẻ ở Mỹ. Ông Jon Gold, Phó Chủ tịch chuỗi cung ứng và chính sách hải quan của Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia (Mỹ) chia sẻ, sự gián đoạn vận tải biển đang khiến thời gian vận chuyển của các nhà bán lẻ tăng thêm từ hai tuần trở lên. Chúng dẫn đến giá cước tăng và giá hàng hóa cuối cùng sẽ tăng theo.
Rõ ràng, những diễn biến mới tại Biển Đỏ đang “đổ dầu vào lửa” bên cạnh hàng loạt rắc rối mà thế giới đang phải đối mặt. Những rủi ro hiển hiện về mặt kinh tế khiến Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và một số quốc gia, trong đó có Yemen, đã đưa ra tuyên bố chung lên án “sự can thiệp của Houthi vào các quyền và tự do hàng hải”.
Lãnh đạo một số nước, trong đó có Anh, cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo đảm hoạt động vận tải biển thông suốt trên tuyến đường này, thậm chí tuyên bố sẽ triển khai các biện pháp “tự bảo vệ mình” nếu cần thiết – động thái được cho là có thể dẫn đến nhiều phức tạp lan truyền trong khu vực.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn