Bị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến đối với báo cáo tài chính, VSE nói gì?

Ngoài việc bị kiểm toán viên từ chối đưa ra ý kiến đối với báo cáo tài chính năm 2022, VSE còn bị kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục.

Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Điện MÊ CA VNECO (UpCOM: VES) vừa công bố báo cáo tài chính năm 2022 đã kiểm toán. Đáng chú ý, tại báo cáo tài chính này, kiểm toán viên đã từ chối đưa ra ý kiến.

Bị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến đối với báo cáo tài chính, VSE nói gì?

Doanh nghiệp ngành xây dựng điện, VSE bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục.

Kiểm toán cho rằng, do tầm quan trọng của vấn đề nêu tại đoạn “Cơ sở của việc từ chối đưa ra ý kiến”, kiểm toán không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để làm cơ sở đưa ra ý kiến kiểm toán. Do đó, kiểm toán viên không thể đưa ra ý kiến kiểm toán về Báo cáo tài chính đính kèm.

Cơ sở của việc từ chối đưa ra ý kiến. Thứ nhất, tại thời điểm 31/12/2022, một số khoản nợ phải thu hơn 18,5 tỷ đồng; nợ phải trả hơn 956 triệu đồng chưa được đối chiếu, xác nhận. Hạn chế này kiểm toán không thể khắc phục được bằng các thủ tục kiểm toán thay thể do hạn chế từ phía Công ty.

Ngoài ra, như trình bày tại Thuyết minh báo cáo tài chính, khoản nợ phải trả số tiền hơn 927 triệu đồng không có chi tiết cụ thể theo tên đối tượng nợ; kiểm toán viên cũng không thu thập được đầy đủ các bằng chứng kế toán cần thiết liên quan đến các khoản công nợ này. Do đó, kiểm toán không đưa ra ý kiến về tính hiện hữu của các khoản nợ nêu trên tại ngày kết thúc niên độ kế toán.

Thứ hai, tại báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính năm 2016, kiểm toán viên tiền nhiệm đã đưa ra ý kiến kiểm toán về việc không được cung cấp tài liệu kế toán làm cơ sở để ghi nhận một khoản nợ phải trả Tổng Công ty CP Xây dựng điện Việt Nam là hơn 17,8 tỷ đồng. Đồng thời với việc ghi nhận đó thì Công ty đã hạch toán vào Báo cáo tài chính năm 2016 số thuế giá trị gia tăng được khấu trừ là hơn 1,6 tỷ đồng và ghi nhận vào chi phí hơn 15,8 tỷ đồng.

Theo đó, kiểm toán không đưa ra ý kiến về tính đúng đắn của giá trị âm hơn 15,8 tỷ đồng đang được bao gồm trong khoản mục “Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối” tại ngày 31/12/2022 và tính hợp lý của số thuế giá trị gia tăng nêu trên mà Công ty đã thực hiện khấu trừ.

Ngoài ra, kiểm toán còn nhấn mạnh đến vấn đề kiểm kê hàng tồn kho của doanh nghiệp này vào năm 2016 với kết quả kiểm kê thực tế bị thiếu hơn 279 triệu đồng so với giá trị ghi trong sổ sách, nhưng đến cuối năm 2022, Công ty vẫn chưa xác định được nguyên nhân thiếu để có phương án xử lý phù hợp.

Đồng thời, kiểm toán cũng nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp, khi tại ngày 31/12/2022, lợi nhuận sau thuế chưa phân phổi của Công ty âm hơn 79,3 tỷ đồng và nợ ngắn hạn của Công ty cũng vượt quá tài sản lưu động là hơn 2,4 tỷ đồng.

Liên quan đến các cơ sở để kiểm toán viên từ chối đưa ra ý kiến tại báo cáo tài chính năm 2022, VSE đưa ra những lý giải như sau. Với cơ sở thứ nhất, VSE cho rằng, Tại thời điểm 31/12/2022, một số khoản nợ phải thu hơn 18,5 tỷ đồng; nợ phải trả hơn 956 triệu đồng chưa được đối chiếu xác nhận, các khoản công nợ VSE đều thực hiện hỗ trợ đối chiếu xác nhận nhưng do nợ hầu hết phát sinh và tồn đọng từ nhiều năm trước nên nhân sự khách hàng thay đổi vì vậy việc liên hệ ký xác nhận đối chiếu rất khó khăn.

Riêng khoản công nợ phải trả khác do phát sinh từ năm 2010, VSE không tìm được chứng từ liên quan đối tượng ghi nhận nợ nên không thể cung cấp được chi tiết rõ tên đối tượng chính xác nên công ty TNHH Kiểm Toán Và Kế Toán ACC không đưa ra ý kiến về tính hiện hữu của các khoản nợ nên trên tại ngày kết thúc niên độ kế toán.

Đối với cơ sở thứ hai, VSE cho rằng, Việc ghi nhận này xuất phát từ năm 2016 trở về trước và hiện tại doanh nghiệp cũng không thu thập thêm bằng chứng nào khác để cung cấp cho kiểm toán.

Ngoài ra, lãnh đạo doanh nghiệp này cũng khẳng định, doanh nghiệp đã cung cấp đầy đủ hồ sơ cho kiểm toán, tát cả các giao dịch đã được ghi chép trong tài liệu, sổ kế toán và đã được phản ánh trong báo cáo tài chính. Đồng thời cho rằng, không nhận thấy có bất kỳ trường hợp nào không tuân thủ hoặc nghi ngờ không tuân thủ pháp luật và các quy định mà ảnh hưởng của việc không tuân thủ đó cần được xem xét khi lập và trình bày báo cáo tài chính.

Tiền thân của VSE là Công ty CP Điện 3 được thành lập vào tháng 10 năm 2003. Tháng 4/2006, công ty đổi tên thành Công ty CP Kết cấu thép và mạ kẽm MÊ CA VNECO. Đến tháng 6/2007, công ty đổi tên thành Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Điện MÊ CA VNECO.

Cổ phiếu của doanh nghiệp này được niêm yết trên sàn UpCOM, thuộc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội vào tháng 2/1015. Tuy nhiên, chỉ 3 năm sau đó, vào tháng 3/2018, cổ phiếu VSE đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch do tổ chức kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến đối với báo cáo tài chính.

Theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp điều chỉnh lần thứ 12 vào ngày 29/08/2022, doanh nghiệp này đăng ký vốn điều lệ là 150 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm 31/12/2022, vốn thực góp tại Công ty chỉ là hơn 90 tỷ đồng. Đây cũng là vấn đề được kiểm toán nhấn mạnh trong báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022.

Về kết quả kinh doanh, năm 2022, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu đạt 768 triệu đồng, giảm 21% so với năm 2021. Do giá vốn hàng bán thấp, chỉ với hơn 266 triệu đồng, nên doanh nghiệp thu về gần 502 triệu đồng lợi nhuận gộp. Tuy nhiên, do gánh nặng chi phí lãi vay và chi phí quản lý doanh nghiệp, lần lượt là hơn 234 triệu đồng và gần 338 triệu đồng, đã bào mòn gần như toàn bộ lợi nhuận của doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp chịu lỗ sau thuế hơn 74 triệu đồng trong năm 2022.

Bài Viết Liên Quan

Back to top button