Bệnh viện K thúc đẩy xây dựng chương trình sàng lọc ung thư phổi quốc gia
Ngày 11/4, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Phòng chống Ung thư (Viện Ung thư Quốc gia) – Bệnh viện K phối hợp cùng AstraZeneca Việt Nam tổ chức Hội thảo chuyên đề “Sàng lọc ung thư phổi: Kinh nghiệm quốc tế và định hướng tại Việt Nam”. Hội thảo quy tụ các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế nhằm chia sẻ kinh nghiệm triển khai và định hướng xây dựng chương trình sàng lọc ung thư phổi toàn diện cho Việt Nam.

Phát biểu khai mạc, GS.TS.BS. Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K, Viện trưởng Viện Ung thư Quốc gia nhấn mạnh: “Ung thư phổi hiện là nguyên nhân tử vong do ung thư cao thứ hai tại Việt Nam, chỉ sau ung thư gan. Nếu được phát hiện sớm, cơ hội điều trị thành công có thể tăng lên gấp nhiều lần. Việc xây dựng chương trình sàng lọc và hệ thống quản lý bệnh hiệu quả là nội dung cấp thiết.”

Tại hội thảo, các chuyên gia quốc tế uy tín đã chia sẻ kinh nghiệm thành công tại các quốc gia tiên tiến. GS.TS.BS. Pan-Chyr Yang từ Đài Loan giới thiệu mô hình TALENT giúp phát hiện sớm tới 90% ca ung thư phổi giai đoạn 0-I ở nhóm người không hút thuốc, đồng thời thúc đẩy thay đổi chính sách y tế quốc gia. GS.TS. Kim Yeol từ Hàn Quốc trình bày kinh nghiệm triển khai chương trình sàng lọc quy mô toàn quốc, đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của kiểm soát chất lượng và kết nối dữ liệu từ ghi nhận đến điều trị.
Bên cạnh đó, các chuyên gia trong nước cũng đóng góp quan trọng với những cập nhật về tiến bộ điều trị và hệ thống ghi nhận ung thư phổi tại Việt Nam, phục vụ cho việc hoạch định chính sách và nâng cao hiệu quả quản lý bệnh.

Phát biểu tại sự kiện, TS. Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, khẳng định: “Xây dựng chương trình sàng lọc ung thư phổi quốc gia là hướng đi chiến lược nhằm giảm gánh nặng bệnh tật. Thành công đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở y tế, đồng bộ hóa chuyên môn, kiểm soát chất lượng và khai thác hiệu quả dữ liệu ghi nhận ung thư để nâng cao hiệu quả sàng lọc và phát hiện sớm bệnh.”

Bổ sung góc nhìn từ công tác phòng bệnh và giám sát y tế, TS. Nguyễn Minh Hằng, Phó Cục trưởng Cục Phòng bệnh, Bộ Y tế, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết nối dữ liệu giám sát bệnh không lây nhiễm với hệ thống ghi nhận ung thư, nhằm đảm bảo đồng bộ hóa thông tin, hỗ trợ đánh giá hiệu quả chương trình sàng lọc và xây dựng chính sách dựa trên bằng chứng.
Trong khi đó, PGS.TS. Trần Thị Thanh Hương, Phó Viện trưởng Viện Ung thư Quốc gia chia sẻ về những thách thức trong triển khai sàng lọc ung thư phổi tại cộng đồng, đặc biệt là nhận thức của người dân, khả năng tiếp cận dịch vụ sàng lọc cũng như năng lực tổ chức thực hiện tại tuyến cơ sở, đồng thời đề xuất các giải pháp tăng cường truyền thông và phối hợp đa ngành để nâng cao hiệu quả sàng lọc trên diện rộng.

Là đơn vị đồng hành tổ chức hội thảo và nghiên cứu ghi nhận Ung thư phổi, bà Văn Thị Thu Sương, Giám đốc Y Khoa công ty TNHH AstraZeneca cho biết: “Ung thư phổi là một trong những lĩnh vực trọng điểm của AstraZeneca. Do đó chúng tôi không chỉ cam kết mang đến những giải pháp tiến bộ trong điều trị mà còn hỗ trợ Bộ Y Tế và các cơ sở khám chữa bệnh triển khai các sáng kiến thúc đẩy tầm soát và phát hiện sớm ung thư phổi. Với mục tiêu hỗ trợ việc tạo ra dữ liệu ghi nhận chính xác và toàn diện về ung thư, mà tiên phong là ung thư phổi, chúng tôi rất hân hạnh đồng hành cùng Viện Nghiên cứu Phòng chống Ung thư Bệnh viện K và 07 bệnh viện trên toàn quốc khai nghiên cứu ghi nhận ung thư phổi, theo dõi người bệnh dài hạn đến 2030”.
Hội thảo cũng đánh dấu cột mốc quan trọng khi chính thức công bố khởi động nghiên cứu “Ghi nhận ung thư phổi: Đặc điểm chẩn đoán, điều trị và sống thêm của người bệnh tại Việt Nam giai đoạn 2025–2030”.

Nghiên cứu do GS.TS. Lê Văn Quảng và PGS.TS. Trần Thị Thanh Hương đồng chủ nhiệm, với sự tham gia của 8 bệnh viện trên cả nước, bao gồm: Bệnh viện K, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch cùng với sự hỗ trợ từ AstraZeneca Việt Nam. Mục tiêu của nghiên cứu là xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ hoạch định chính sách và nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh nhân ung thư phổi trong tương lai.
PV