Bên trong ngôi cổ tự lâu đời nhất Bình Định
Thập Tháp Di Đà Tự được tổ sư Nguyên Thiều phái Lâm Tế xây dựng vào năm 1668 với vật liệu là các viên gạch đỏ lấy từ phế tích của 10 tháp Chăm xung quanh.
Toàn cảnh chùa Thập Tháp từ trên cao
Nằm ở xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định, chùa Thập Tháp Di Đà hay chùa Thập Tháp là một trong những ngôi tổ đình danh tiếng vào bậc nhất ở miền Trung. Chùa tọa lạc trên ngọn đồi mang tên Long Bích, ở phía bắc thành Đồ Bàn của người Chăm xưa. Tên gọi “Thập Tháp” bắt nguồn từ việc trên khu đồi này từng có 10 ngôi tháp Chăm, sau bị sụp đổ và mất dần dấu tích. Chùa được xây dựng vào năm Quý Hợi (1683) niên hiệu Chánh Hòa nhà Lê và vị thiền sư có công xây dựng chùa chính là hòa thượng họ Tạ, húy là Nguyên Thiều, quê quán ở Triều Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ông tu về Thiền Tông thuộc phái Lâm Tế. Năm Tân Mùi (1691) nhà Lê, chùa được Vua Lê Hiển Tông ban cho biển ngạch đề “Thập Tháp Di Đà tự”. Sau khi xây dựng chùa Thập Tháp Di Đà, Hòa thượng Nguyên Thiều mở trường truyền đạo.
Vẻ đẹp cổ kính của ngôi chùa hơn 300 năm tuổi
Kiến trúc chùa Thập Tháp hiện nay là kết quả của nhiều lần trùng tu, gần đây nhất là vào năm 1997, chùa được nâng cao lên so với mặt bằng cũ 0,6 m nhưng khuôn viên kiến trúc vẫn giữ được nguyên như cũ. Tuy được kết hợp hòa quyện giữa cái cũ và cái mới, nhìn chung hệ thống liên kết của chùa Thập Tháp vẫn tuân thủ theo nguyên tắc truyền thống của kiến trúc Việt Nam. Toàn bộ kiến trúc, tuy không có nét chạm trổ cầu kỳ, nhưng vẫn thể hiện được sự tôn nghiêm, cổ kính. Ngoài giá trị về kiến trúc, ở đây còn có nhiều tác phẩm điêu khắc, hiện vật có giá trị về nhiều mặt còn được lưu giữ cho đến ngày hôm nay. Đó là hai câu liền sơn thếp cao 5 m ghi bài ngự đề của chúa Nguyễn Phúc Chu, đạo hiệu Từ Đế Đạo Nhân cúng cho chùa vào năm Tân Tỵ (1701), hiện để ở chính điện.
Bên trong chánh điện chùa Thập Tháp
Từ ngoài vào, đi dọc theo hồ sen đến cổng chùa, đó là hai trụ biểu vuông cao, trên đặt hai tượng sư tử ngồi uy nghi, nối một vòng cung, phía trên có gắn hai chữ Thập Tháp. Sau cổng là tấm bình phong, mặt đắp nổi long mã phù đồ đặt trên bệ chân quỳ. Chánh điện là một ngôi nhà 5 gian, 3 gian giữa là điện thờ (Đại hùng điện) gồm các khám thờ tam thế Phật (Thích Ca, Di Đà, Di Lặc) và thờ tượng Quan Âm; hai gian phụ hai bên là phòng chúng tăng. Ngoài ra còn có ba khám thờ khác đặt ở hai vách hông và đối diện với khám chính trước hành lang. Nhìn chung chính điện đã qua nhiều giai đoạn trùng tu nên có sự đan xen giữa cũ và mới. Tuy nhiên kiểu thức kiến trúc vẫn toát lên nét đẹp cổ kính.