Bến Tre: Đưa du lịch phát triển bền vững
Bến Tre có cảnh sắc thiên nhiên mang nét nguyên sơ phong phú, đa dạng với những vườn dừa xanh bạt ngàn, những vườn cây ăn trái sum suê trĩu quả…
Nằm ở hạ nguồn Mekong, được bao bọc bởi các con sông Tiền, sông Cổ Chiên, sông Hàm Luông và tiếp giáp với biển, Bến Tre có phong cảnh hữu tình, không khí mát mẻ với bạt ngàn dừa xanh… đã trở thành tiềm năng, lợi thế cho “ngành công nghiệp không khói”.
Bến Tre đã và đang tập trung phát triển du lịch với định hướng phát triển du lịch sớm trở thành ngành kinh tế quan trọng vào năm 2025 và là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030.
Đặc sắc du lịch xứ Dừa
Bến Tre có cảnh sắc thiên nhiên mang nét nguyên sơ phong phú, đa dạng với những vườn dừa xanh bạt ngàn, những vườn cây ăn trái sum suê trĩu quả, môi trường sinh thái trong lành. Vùng đất nơi đây còn lưu giữ được những nét sông nước miệt vườn với sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, nguồn thủy hải sản dồi dào…
Không chỉ có cảnh sắc thiên nhiên bình yên, Bến Tre còn là tỉnh có bề dày truyền thống văn hóa với các làng nghề truyền thống: sản xuất kẹo dừa, bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa, làng nghề sản xuất cây giống và hoa kiểng, dệt chiếu,… Cùng với đó là các làn điệu dân ca mang đậm sắc thái vùng sông nước Nam Bộ như: đờn ca tài tử, hát sắc bùa, hát bội…
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bến Tre cho biết, với tài nguyên du lịch tự nhiên và bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử, Bến Tre tập trung phát triển một số loại hình du lịch chủ yếu như: du lịch sinh thái, sông nước miệt vườn; tham quan di tích lịch sử – văn hóa; du lịch cộng đồng; du lịch biển kết hợp với tham quan, tìm hiểu hệ sinh thái rừng ngập mặn; du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí… Với thế mạnh là cây dừa, Bến Tre đang tập trung vận động các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, sông nước và trải nghiệm văn hóa gắn với “cây dừa Bến Tre”.
Tỉnh cũng đang đẩy nhanh tiến độ triền khai Làng Văn hóa du lịch Chợ Lách, đưa nơi đây trở thành một trung tâm du lịch, tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí mang tầm quốc gia trên cơ sở khai thác lợi thế có sẵn về tài nguyên văn hóa bản địa, tài nguyên thiên nhiên, sản phẩm nông nghiệp chủ lực, tạo động lực cho sự phát triển bền vững ngành Du lịch tỉnh Bến Tre.
Tỉnh kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư các dự án phát triển du lịch nghỉ dưỡng cao cấp ven sông, nghỉ dưỡng giải trí ven biển, du lịch văn hóa tâm linh… để tạo sự độc đáo, khác biệt riêng của du lịch Bến Tre so với các tỉnh, thành phố ĐBSCL và cả nước nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước đến với Bến Tre.
Bến Tre hiện có 2 di tích Quốc gia đặc biệt, 16 di tích Quốc gia, 58 di tích cấp tỉnh. Hiện tại, một số di tích đã được gắn kết đưa vào phục vụ khách du lịch.
Đẩy mạnh chuyển đổi số
Với mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông xây dựng hệ sinh thái các sản phẩm du lịch của tỉnh, Bến Tre đã ứng dụng công nghệ 4.0 trong phát triển du lịch thông minh tại địa phương. Qua đó, giúp cho việc quản lý thuận tiện hơn, nâng cao chất lượng phục vụ du khách, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội bền vững, tạo lợi ích qua lại giữa du khách, chính quyền và doanh nghiệp.
Tỉnh đã đưa vào sử dụng website https://bentretourism.vn, được tích hợp trên nền tảng các mạng xã hội giới thiệu quảng bá tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh, thông tin về lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh… của Bến Tre. Website cung cấp đầy đủ và kịp thời các hoạt động du lịch, sự kiện nổi bật của tỉnh, cập nhật thông tin chính thống về chất lượng giá cả dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh, như: dịch vụ lưu trú, lữ hành, vận tải, ăn uống, mua sắm, vui chơi, giải trí và các dịch vụ khác đến du khách.
Cổng cung cấp sổ tay điện tử, tư vấn thông tin du lịch dựa vào tính năng tự động xác định địa điểm qua định vị, tư vấn lịch trình chỉ đường, gợi ý các địa điểm ăn uống, khách sạn, dịch vụ, ngân hàng, y tế, phương tiện di chuyển và bản đồ 3D trên địa bàn tỉnh. Từ đây, mở ra cơ hội cho du lịch Bến Tre được mọi người dân tiếp cận qua các trang thông tin điện tử, điện thoại thông minh, góp phần đưa ngành “công nghiệp không khói” Bến Tre trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm phục hồi hoạt động du lịch như: Tăng cường truyền thông, giới thiệu, quảng bá Bến Tre điểm đến an toàn – thân thiện – chất lượng; đẩy mạnh các chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trên cả nước nhất là liên kết, phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long; khuyến khích các đơn vị du dịch trên địa bàn quan tâm đầu tư xây dựng mới, chỉnh trang, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật; nghiên cứu xây dựng thêm nhiều chương trình, sản phẩm, dịch vụ du lịch mới lạ, phong phú, hấp dẫn, mang nét đặc trưng của du lịch vùng xanh xứ dừa; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ lao động phục vụ khách…
Năm 2023, ngành Du lịch tiếp tục đổi mới quảng bá hình ảnh Bến Tre Xứ Dừa an toàn, thân thiện qua tổ chức cuộc thi ảnh “Nụ cười Bến Tre” 2023; Giới thiệu chương trình tham quan nội ô thành phố Bến Tre – BenTre CityTour nhằm lưu giữ chân du khách và góp phần phát triển kinh tế ban đêm; Tổ chức Tuần lễ Văn hóa – Thể thao – Du lịch biển Bình Đại, Ba Tri và TP tỉnh Bến Tre theo định hướng phát triển kinh tế về hướng đông. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động du lịch phục vụ quảng bá du lịch Bến Tre: Tiếp tục rà soát cơ sở dữ liệu trên Ứng dụng du lịch thông minh Bến Tre; Xây dựng và Quảng bá tuyến du lịch Chợ Nổi Dừa – Sông Thom và Làng văn hóa du lịch Chợ Lách…