“Bến thơ tròn nghĩa, vuông tình” của Nhà thơ Ngô Thái như rượu ngọt mát lành
Ngô Thái làm thơ đã lâu, một cây bút sung mãn về sức nghĩ, sức viết, “Lao động chữ” của ông rất nghiêm túc và cẩn trọng.
Ông từng là Thanh niên xung phong ở chiến trường Lào, những năm kháng chiến chống Mỹ và khi ở cương vị Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong của tỉnh Phú Thọ, ông đã sáng tác Trướng ca “Con Lạc cháu Hồng trên đỉnh Pa Pông” ca ngợi tình hữu nghị keo sơn giữa hai nước Việt – Lào với hình tượng là những người lính thanh niên xung phong quả cảm và anh dũng đi mở đường thông tuyến trên đỉnh Pa Pông đầy hiểm nguy, bom đạn và chết chóc. Với thành công cùa Trường ca này ông trở thành những tên tuổi của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Thọ.
Thế mạnh của ông là mạch nguồn cảm xúc cội nguồn và những hồi ức về chiến tranh, những kỷ niệm đẹp và buồn, về những người thân yêu ruột thịt, và tình yêu. Ông sáng tác thơ về Đảng về Bác Hồ, về chiến tranh Cách mạng, trong đó có một số bài rất ấn tượng.
Có lẽ chính vì vậy mà khi đọc “Bến thơ tròn nghĩa, vuông tình” (tuyển tập thơ của ông) tôi đã thực sự xúc động như thấy ông hiện lên trước mắt, một người lính bước ra từ cuộc chiến, may mắn sống sót trở về, đối mặt với đời thường với bao nghiệt ngã với số phận, vợ mât từ lâu… với bệnh tật hiểm nghèo, cùng bao giông bão… nhưng vẫn một mình chèo lái nuôi dậy các con trưởng thành và miệt mài sáng tác.
Chỉ điều đó thôi không cần phải luận bàn về chất lượng tác phẩm cũng đủ để chúng ta “bái phục” ông. Nhưng sẽ có không ít “thị phi” khi tôi khẳng định vậy, ràng thơ là thơ.
Vậy thì thơ của thi sĩ Ngô Thái đây. Tôi xin dẫn dụ từ phần I, có tựa đề “Tình đất, tình người”, trong tuyển chọn của ông.
Trước hết và trên hết, ông đã dành những trang dòng trang trọng nhất, để giới thiệu những tác phẩm ông viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đã có rất nhiều thi sĩ tài danh viết về Bác đến lượt mình, Ngô Thái chỉ bằng hai câu thơ này: “Trong lăng tỏa ánh mặt trời/Vầng trăng thơ Bác… vẫn ngời sắc xuân”, đã đủ để cho tất cả chúng ta tin, tâm thế và ý thức công dân của ông như thế nào rồi.?
Viết về Bác là đề tài khó, một thử thách đối với bất cứ tác giả nào. Thi sĩ tài danh, Quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Hữu Quý từng khẳng định thế, và tôi cũng thấy đúng như vậy. Nên đọc: “Di chúc soi đường Người đã định/ Trở thành bảo vật của quốc gia” của ông tôi càng thêm ý thức về trách nhiệm công dân của mình trong việc làm thơ, để chỉ những mong cùng Ngô Thái làm sáng lên tư tưởng của Người, bởi tư tưởng và những việc làm của Bác đã là: “Điểm tựa niềm tin, lòng kiêu hãnh”.
Cũng như viết về Bác, những bài thơ ông viết về quê hương, đất nước, viết về đồng đội, về đất và người trung du Phú Thọ đều thấm đẫm nhân văn với một tình yêu thương vô bến bờ…
Không ứa nước mắt sao được khi ông viết về Mẹ, Cha như thế này: “Bùi ngùi nhớ tới Mẹ, Cha/ Bữa cơm mùa gặt gọi là có thôi/ Con đông sắn ghế đầy nồi/ Bữa thường chỉ một lần sơi gọi là…!”. Như thấy hiện lên cả một thời bao cấp nghèo nàn, đói khổ.
Quê hương trong thơ ông mang đầy vị quê, hồn làng, không dễ trộn lẫn: “Bát canh cua, đĩa dưa cà/ Vị quê đau đáu đậm đà xiết bao./ Bước đi dù ở phương nào/ Minh Nông mùa cấy hanh hao hiện về.!”
Hiện về Minh Nông mùa cấy, hình như có cả Vua Hùng đang cùng muôn dân cắm từng giảnh mạ xuống ruộng bùn, Câu thơ của Ngô Thái không trực diện mà cho chúng ta liên tưởng vậy. Tầm Thi sĩ là ở đấy.
Tình làng nghĩa xóm và văn hóa cội nguồn hiện lên trong thơ ông cũng thật chân thành mà ám ảnh: “Quê mình tuy vẫn còn nghèo/ Âm vang câu hát điệu Chèo ngày xuân/ Tình làng nghĩa xóm quây quần/ Ngày nào cũng nhắc người thân xa nhà’.
Quê hương là vậy, những người đang ở quê là vậy. Còn những người đi xa thì như thế nào?. Câu vấn của Ngô Thái lúc này như một lời nhắc nhở…!
Ông viết về Mẹ thật cảm động: “ Mẹ ơi! Con mất Cha từ lúc tuổi mười ba/ Mẹ góa bụa nuôi đàn con khôn lớn/… Vai Mẹ đường dài gánh nặng liêu xiêu”. Không là người con hiếu thảo không viết được những câu thơ như thế.
Cũng như bao người lính, may mắn sống sót trở về, lòng Ngô Thái lúc nào như cũng như không yên, và ông luôn ý thức: “ Những linh hồn liệt sĩ chưa tìm thấy tuổi tên/ Xin được vun trồng cho hoa cỏ mọc lên/ Nghĩa trang Trường Sơn nhiều bát hương đang hóa/ Cũng như bao người, tôi ước thành vòm lá/ Che chỗ các anh nằm hoa nở ngát quanh năm… !”
Biết chỉ là ước thôi, nhưng cũng đã ấm lòng. Ở mảng đề tài này Ngô Thái hoàn toàn làm chủ ngòi bút và ông luôn biết tiết chế cảm xúc, để bùng lên: “Biển Đảo không yên/ Yên sao được lòng người…” Hai câu thơ tưởng chỉ là vô thức, nhưng đó là chủ định gửi gắm thông điệp của tác giả. Đây có thể coi là cảnh báo của ông về thời cuộc, về sự toàn vẹn của non sông.
Chùm thơ ông viết về Nhà máy giấy Bãi Bằng tưởng là lạc nhịp trong tập thơ này, nhưng xem ra lại rất thiết thực vì đó là nơi ông và gia đình gắn bó sống và công tác suốt mấy chục năm qua… “Người bạn thủy chung Thụy Điển các anh/ Đã cởi mở chân tình đổi trao kinh nghiệm/ Cả bí quyết truyền nghề không dấu giếm/ Kết trái thơm: Ngành giấy Việt Nam”.
Thô mộc, chân thành mà làm nên vĩnh cửu, không thương sao được khi đã biết: “ Bóng ngả xế chiều phía cuối sân/ Chim kêu gọi bạn vè tần ngần/ Hoa vườn đầu ngõ vươn cành thắm/ Vẳng tiếng chuông chùa trong gió ngân…” Và đây nữa: “Sa Pa tuyết phủ đẹp như mơ/ Du khách lên đây bỗng sững sờ/ Réo rắt đàn môi ai đón đợi/ Say lòng Sơn nữ vấn vương tơ…”
Ngoại cảnh là như vậy, còn trong lòng Thi sĩ thì sao khi mà: “Thu đến bên em thật nhẹ nhàng/ Má hây nhây đỏ gió dềnh dang/ Trời thu bàng lảng xanh trong mắt/ Lắng đọng hồn ai chợt ngỡ ngàng…” Không ngỡ ngàng chỉ là gỗ đá trước vè đẹp mê hồn quyến rũ, nhất là trong những đêm trăng đắm đuối cùng người đẹp bên bờ hồ gió thổi…
Đã có rất nhiều bài thơ viết về trăng làm xao lòng bạn đọc xưa nay, đau đớn và day dứt về trăng không thiếu “Vớt trăng” của Ngô Thái vẫn cứ lung linh vẻ đẹp riêng, vì nó độc đáo: “Đáy hồ có mành trăng rơi/ Với tay khỏa nước em ngồi vớt trăng/ Vớt lên những tháng những năm/ Lung linh dát bạc ánh trăng đáy hồ/Chòng chành trăng lặn trong mơ/ Vớt bao nhiêu nỗi đợi chờ… không anh!”
Thì ra chỉ có một mình em trong khắc khoải một mình, không anh… đang ngồi vớt lên ký ức…! Đây là một bài thơ hay. Tôi quả quyết vậy, Và với thành công này thêm một lần khẳng định, Thơ Ngô Thái giản dị mà lắng sâu thăm thẳm…
“Nghiêng” cũng là một bài thơ như thế. “Nắng nghiêng/ Nghiêng cả trời chiều/ Nón nghiêng/ Nghiêng biết bao điều gửi trao/ Thơ nghiêng/ Nghiêng ngả má đào/ Em nghiêng/Nghiêng trái tim vào hồn anh”.
Phẩm chất Thi sĩ này còn gặp trong rất nhiều câu thơ, bài thơ Ngô Thái viết về tình yêu. Thơ ông vì thế mà mới và lạ trước những điều đã cũ, những cái đã quen, Hình như chỉ khi viết về tình yêu thơ ông mới thật sự bay bổng, nhất là ở trong những lúc cô đơn. Thế mạnh của ông là thơ Tứ tuyệt, và Tứ tuyệt đã được ông làm cho tuyệt vời hơn…
Có thể là do Ngô Thái đã thấm đến tận cùng của nỗi cô đơn, trống trải nên ông nhiều thảng thốt, bâng khuâng và day dứt trong gặp gỡ và chia xa…
Bên cạnh những câu thơ bài thơ đằm thắm và đôn hậu, ông cũng có rất nhiều bài thơ, câu thơ thế sự. Đọc thấy ông là người luôn đứng ra bênh vực cái đẹp, không ngần ngại lên án cái xấu và cái ác. Thơ ông lúc này như có chất thép với rất nhiều cảnh báo, cảnh tỉnh và dự báo.
Và tuyển tập thơ này của ông như một đài hoa muôn màu sắc, tỏa ngát hương thơm, có thể coi là “Nhật ký” của đời ông, một đời mà hạnh phúc và bất hạnh luôn song trùng, nhưng lúc nào ông cũng nở một nụ cười rạng rỡ…
Nhà văn Nguyễn Hưng Hải