“Bệ đỡ” thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa Vĩnh Phúc khởi nghiệp sáng tạo
Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ DN NVV khởi nghiệp sáng tạo, giúp doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận nguồn vốn, công nghệ, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, toàn tỉnh hiện có hơn 15 nghìn doanh nghiệp, trong đó hơn 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Phần lớn các doanh nghiệp hạn chế về vốn, cơ sở vật chất, kỹ năng quản lý, điều hành kinh doanh, xúc tiến, quảng bá phát triển thương hiệu.
Nâng cao năng lực cho DNNVV
Để thúc đẩy DNNVV khởi nghiệp sáng tạo theo Thông tư số 06/2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (hướng dẫn một số điều của Nghị định số 80/2021 thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa), trao đổi với DĐDN, ông Nguyễn Văn Độ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo. Với mục tiêu: giúp các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận nguồn vốn, công nghệ, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Theo đó, tỉnh đã hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp tục vốn vay từ các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng; phát triển nguồn nhân lực; xây dựng cơ chế đầu tư các khu nhà xưởng hoàn chỉnh cho các DNNVV thuê; hỗ trợ xúc tiến đầu tư, thương mại, mở rộng thị trường, kết nối doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và đổi mới công nghệ.
Tính riêng giai đoạn 2013- 2020, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh cho hơn 17.000 lượt DNNVV vay vốn với số tiền hơn 67 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm lãi tiền vay cho 413 doanh nghiệp với số tiền hơn 2.800 tỷ đồng; cho vay ưu đãi lãi suất gần 6.000 doanh nghiệp với số tiền hơn 42 nghìn tỷ đồng; cơ cấu lại thời gian trả nợ cho hơn 1.000 doanh nghiệp với số tiền hơn 3.300 tỷ đồng.
Đáng ghi nhận, năm 2020, trước khó khăn của DNNVV do tác động của dịch Covid-19, tỉnh đã hỗ trợ hơn 800 doanhnghiệp gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất; giảm tiền điện cho doanh nghiệp. Quỹ Phát triển KH&CN cho 23 dự án ứng dụng KH&CN vay vốn với số tiền hơn 79 tỷ đồng; Quỹ bảo vệ môi trường cho 21 doanh nghiệp vay vốn với số vốn 46 tỷ đồng.
Tỉnh đã tổ chức hơn 400 lớp đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các DNNVV về quản trị doanh nghiệp, khởi sự doanh nghiệp, nâng cao kỹ năng xúc tiến thương mại; hàng loạt hội nghị, tọa đàm diễn đàn khởi nghiệp; đưa nội dung về khởi nghiệp vào chương trình giảng dạy cho học sinh, sinh viên tại một số trường cao đẳng, đại học trong tỉnh.
Nhằm thúc đẩy các DNNVV nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, tỉnh đã tổ chức các đoàn đi khảo sát thị trường và tìm kiếm thị trường, xúc tiến thương mại; hỗ trợ một số đoàn doanh nghiệp trong tỉnh tham gia Hội chợ các tỉnh khu vực phía Bắc; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ công nghệ trong quá trình sản xuất..
“Để tiếp tục thúc đẩy DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, thời gian tới, trên cơ sở Thông tư số 06 của Bộ KH&ĐT ban hành, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thông tin, truyền thông mạnh mẽ về chính sách hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; các hoạt động và mô hình khởi nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận vốn, khoa học công nghệ, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; các tổ chức tín dụng thiết kế các sản phẩm cho vay đặc thù phù hợp với đối tượng khách hàng theo từng nhóm ngành nghề; cải tiến, đơn giản hóa quy trình cho vay” ông Nguyễn Văn Độ chia sẻ.
Tạo “vốn mồi” cho khởi nghiệp sáng tạo
Thực tế, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trong bối cảnh hội nhập, cuối năm 2022, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đến năm 2025 với mục tiêu phấn đấu có 100% doanh nghiệp thành lập mới được phổ biến, nhận thức về chuyển đổi số. Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ các đơn vị chuyển đổi từ hộ kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.
Hỗ trợ DNVVV khởi nghiệp sáng tạo là nội dung trọng tâm của đề án giúp doanh nghiệp phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập và bắt nhịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cụ thể, hỗ trợ 100% chi phí sử dụng trang thiết bị tại cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung. Hỗ trợ 50% chi phí thuê mặt bằng tại các cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung.
Đối với tư vấn sở hữu trí tuệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ, sẽ hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn về thủ tục xác lập, chuyển giao, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở trong nước; xây dựng bản mô tả sáng chế, bản thiết kế kiểu dáng công nghiệp, bản thiết kế hệ thống nhận diện thương hiệu cũng như quản lý và phát triển các sản phẩm, dịch vụ được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở trong nước.
Đồng thời, hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn để doanh nghiệp xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn cơ sở. Hỗ trợ 50% chi phí thử nghiệm mẫu phương tiện đo; chi phí kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; chi phí cấp dấu định lượng của hàng đóng gói sẵn, phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường…
Hỗ trợ 50% giá trị hợp đồng tư vấn tìm kiếm, lựa chọn, giải mã và chuyển giao công nghệ phù hợp với doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Văn Độ, học viên của doanh nghiệp được hỗ trợ đào tạo, huấn luyện chuyên sâu trong nước về xây dựng, phát triển sản phẩm; thương mại hóa sản phẩm; phát triển thương mại điện tử; gọi vốn đầu tư; phát triển thị trường; kết nối mạng lưới khởi nghiệp với các tổ chức, cá nhân nghiên cứu khoa học. Hỗ trợ 50% chi phí tham gia các khóa đào tạo, huấn luyện chuyên sâu ngắn hạn ở nước ngoài.
Mặt khác, tỉnh bố trí hỗ trợ chi phí cho các hoạt động truyền thông, xúc tiến thương mại, kết nối mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo. Như hỗ trợ 50% giá trị hợp đồng tư vấn đăng ký thành công tài khoản bán sản phẩm, dịch vụ trên các sàn thương mại điện tử quốc tế và chi phí duy trì tài khoản trên các sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế.
Với các hoạt động xúc tiến thương mại, tỉnh sẽ hỗ trợ chi phí thuê địa điểm, thiết kế và dàn dựng gian hàng, vận chuyển sản phẩm trưng bày, chi phí đi lại, chi phí ăn, ở cho đại diện của doanh nghiệp tham gia hội chợ triển lãm xúc tiến thương mại. Hỗ trợ 50% chi phí tham gia các cuộc thi quốc tế về khởi nghiệp sáng tạo…