“Bắt mạch” lừa đảo bất động sản
Việc liên tiếp diễn ra hàng loạt vụ án lừa đảo bất động sản (BĐS) với số lượng lớn nhà đầu tư và giá trị lớn vừa qua đang đặt ra nhiều câu hỏi lớn.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, PGS.TS. Doãn Hồng Nhung, Phó Trưởng ban Pháp chế Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, cần phải tìm hiểu đầy đủ nguyên nhân để xử lý tận gốc những vụ lừa đảo BĐS.
– Thưa bà, một số ý kiến cho rằng, việc diễn ra liên tiếp những vụ việc lừa đảo BĐS với hậu quả hết sức lớn do chế tài xử phạt hành vi này chưa đủ sức răn đe?
Chế tài đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói chung và lừa đảo BĐS nói riêng đã được quy định Bộ Luật Hình sự năm 2015. Theo điều 15, của Bộ Luật Hình sự thì mức hình phạt nghiêm khắc nhất cho tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản lên đến mức tù chung thân.
Do đó, có thể thấy, không hẳn chế tài hình sự của Việt Nam không nghiêm minh hoặc là việc thi hành án hình sự không nghiêm túc khiến các đối tượng nảy sinh ý định phạm tội.
– Vậy lừa đảo liên quan đến BĐS vẫn liên tiếp diễn ra do đâu, thưa bà?
Dù đã có chế tài nhưng việc áp dụng trong thực tiễn xét xử các vụ việc liên quan chưa triệt để. Bên cạnh đó, do hệ thống pháp luật của chúng ta đang trong quá trình hoàn thiện nên đâu đó vẫn tồn tại một số “kẽ hở” để các đối tượng xấu trục lợi.
Chẳng hạn, việc lừa đảo liên quan đến BĐS thời gian qua chủ yếu liên quan liên quan đến phân khúc đất nền. Trong khi, việc quản lý, giám sát và theo dõi thực trạng về công tác quản lý đất đai tại nhiều địa phương khá lỏng lẻo, thậm chí là tiêu cực.
Bên cạnh đó, nhiều vụ việc lừa đảo “bể kèo” đã bị các cơ quan có trách nhiệm đùn đẩy, chậm trễ xử lý, thậm chí nhận định là giao dịch dân sự để không xử lý. Trường hợp vụ việc được phát hiện những vi phạm hành chính cũng không chuyển cho cơ quan thẩm quyền là nguyên nhân dẫn đến tình trạng công ty kinh doanh, môi giới BĐS lộng hành.
Chẳng hạn như trường hợp Công ty Alibaba đã diễn ra từ năm 2019 với nhiều thông tin, nhiều tố cáo nhưng đến nay vẫn chưa xét xử, tuyên án.
Đặc biệt, nguyên nhân từ việc những thông tin về các dự án BĐS còn chưa rõ ràng, thiếu minh bạch dẫn đến việc người dân khó khăn trong việc xác định dự án BĐS nào có thật, dự án BĐS nào ở giai đoạn được phép huy động vốn?
Bên cạnh đó, trong lĩnh vực đầu tư BĐS, các nhà đầu tư thường theo phòng trào, theo kinh nghiệm mà không tìm hiểu pháp luật, thiếu thông tin nên rất dễ bị các đối tượng lừa đảo dụ dỗ tham gia vào các dự án không có thật.
Một nguyên nhân phải kể kến khác là việc còn thiếu cơ chế quản lý giám sát, thiếu quy định trách nhiệm của người đứng đầu ở các địa phương khi xảy ra các vụ việc lừa đảo lớn. Bởi vậy, nhiều địa phương cán bộ rất thờ ơ khi có những thông tin về các đối tượng chuẩn bị thực hiện các hoạt động để lừa đảo người dân.
– Vậy, những giải pháp cho vấn đề trên là gì thưa bà?
Để đấu tranh với loại tội phạm này thì cần phải thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa từ xa như cần phải công khai minh bạch trong lĩnh vực BĐS, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý về đầu tư, về xây dựng, nhà ở để kịp thời ra soát, chấn chỉnh các đơn vị huy động vốn trái phép.
Khi phát hiện các dự án ma, hoặc chưa đủ thủ tục mà huy động vốn thì cần phải can thiệp kịp thời, xử lý nghiêm minh, tránh trường hợp hàng trăm người bị lừa mới xử lý.
Ngoài ra, cũng cần tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để người dân có thêm thông tin, hiểu biết trong lĩnh vực đầu tư BĐS, cung cấp thông tin kịp thời về các dự án BĐS đến người dân. Việc xử lý các vụ việc cũng cần nhanh chóng kịp thời các hành vi lừa đảo trong lĩnh vực BĐS, thậm chí xét xử lưu động, để người dân hiểu biết cách thức thủ đoạn của các đối tượng mà phòng tránh.
Bên cạnh đó, cũng cần truy trách nhiệm của các cán bộ, cơ quan có liên quan trong việc buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong lĩnh vực quản lý để các đối tượng lợi dụng vào đó thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản…
– Xin cảm ơn bà!
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn