Bất cập trong quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo và sát hạch lái xe
Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung về quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô, dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe, VCCI đã chỉ ra nhiều bất cập…
Theo đó, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản trả lời Công văn số 10231/BGTVT-VT của Bộ Giao thông vận tải về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô, dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe (Nghị định 65/2016/NĐ-CP, Nghị định 10/2020/NĐ-CP, Nghị định 119/2021/NĐ-CP) – (Dự thảo).
Cụ thể, về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 65/2016/NĐ-CP quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe và dịch vụ sát hạch lái xe (Điều 1), VCCI cho biết, Dự thảo bổ sung Điều 4a: “việc xây dựng, thành lập cơ sở đào tạo lái xe ô tô và trung tâm sát hạch lái xe phải căn cứ quy hoạch tỉnh, quy hoạch chuyên ngành và các quy hoạch khác có liên quan, trong đó có xét đến các yếu tố đặc thù của các địa phương, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo; phù hợp với mật độ dân cư trên địa bàn; khuyến khích ứng dụng công nghệ, thiết bị hiện đại trong hoạt động đào tạo lái xe ô tô và sát hạch lái xe”.
Mục tiêu của việc bổ sung này là “Bổ sung quy định về sự phù hợp với quy hoạch của địa phương để đảm bảo việc phân bố đồng đều hoạt động đào tạo lái xe ô tô và sát hạch lái xe phù hợp với mật độ dân cư trên địa bàn, giảm thiểu sự đầu tư xây dựng tràn lan, dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động và gây lãng phí của cải cho xã hội”.
Tuy nhiên, theo VCCI, việc bổ sung quy định này cần được xem xét ở các điểm như:
Tính thống nhất – Điều 4 Nghị định 65/2016/NĐ-CP về quy hoạch phát triển cơ sở kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe đã được bãi bỏ tại Nghị định 138/2018/NĐ-CP để đảm bảo phù hợp với pháp luật về quy hoạch. Dự thảo khôi phục lại quy định liên quan đến quy hoạch liên quan đến việc xây dựng, thành lập cơ sở đào tạo lái xe ô tô và trung tâm sát hạch lái xe là chưa thống nhất với pháp luật về quy hoạch.
Dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe ô tô là ngành nghề kinh doanh có điều kiện – Các chủ thể kinh doanh sẽ tính toán về hiệu quả kinh doanh để xem xét có gia nhập thị trường hay không. Vì vậy, việc Nhà nước xem xét đến tính hiệu quả, lãng phí của cải xã hội là không cần thiết. Trong ngành nghề này, Nhà nước đã kiểm soát bằng các điều kiện kinh doanh, doanh nghiệp chỉ cần đáp ứng điều kiện kinh doanh là có thể hoạt động, với vai trò quản lý, Nhà nước chỉ cần kiểm soát việc doanh nghiệp có đáp ứng các điều kiện kinh doanh hay không. Liên quan đến vấn đề cạnh tranh không lành mạnh, các cơ quan quản lý Nhà nước có thể sử dụng công cụ quản lý của pháp luật cạnh tranh, thay vì sử dụng công cụ hành chính, can thiệp vào thị trường bằng việc áp đặt về số lượng các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ này trên thị trường.
Từ những phân tích đã nêu, VCCI đề nghị Ban soạn thảo bỏ Điều 4a.
Bên cạnh đó, về tiêu chuẩn giáo viên dạy lái xe (khoản 3 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 8 Nghị định 65/2016/NĐ-CP, được sửa đổi tại khoản 5 Điều 1 Nghị định 138/2018/NĐ-CP)
Theo VCCI, quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 65/2016/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Nghị định 138/2018/NĐ-CP) giáo viên dạy lý thuyết phải đáp ứng điều kiện “có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên một trong các chuyên ngành luật, công nghệ ô tô, công nghệ kỹ thuật ô tô, lắp ráp ô tô hoặc các ngành nghề khác có nội dung đào tạo chuyên ngành ô tô chiếm 30% trở lên, giáo viên dạy môn Kỹ thuật lái xe phải có giấy phép lái xe tương ứng hạng xe đào tạo trở lên”.
Giải trình về quy định này, Ban soạn thảo cho biết: “quy định này là không cần thiết vì các môn học lý thuyết lái xe ô tô không liên quan nhiều đến chuyên ngành Luật và ô tô” (điểm 2c Mục I Dự thảo Tờ trình). Tuy nhiên, Dự thảo lại gần như giữ nguyên như quy định hiện hành về tiêu chuẩn này đối với giáo viên dạy lý thuyết “phải có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên một trong các chuyên ngành luật, công nghệ ô tô, công nghệ kỹ thuật ô tô, lắp ráp ô tô hoặc các ngành nghề khác có nội dung đào tạo chuyên ngành ô tô chiếm 30%”.
“Như vậy, quy định này tại Dự thảo vẫn chưa phù hợp với thực tế, đề nghị Ban soạn thảo xem xét bỏ quy định này, tức bỏ điểm a khoản 1 Điều 8 (được sửa đổi, bổ sung)”, VCCI góp ý.
Cùng với quy định đã nêu, Dự thảo bổ sung điều kiện của giáo viên dạy thực hành lái xe là “có 50.000 km lái xe an toàn trở lên”. VCCI cho rằng, việc xác định người đề nghị xin cấp giấy chứng nhận có đáp ứng yêu cầu này không, hoàn toàn dựa vào thông tin của người xin cấp giấy chứng nhận, cơ quan Nhà nước tại thời điểm xem xét hồ sơ khó có thể kiểm tra được thông tin này có chính xác hay không.
Thông tin cơ quan Nhà nước có thể biết được là người xin phép có bị xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến điều kiện phương tiện giao thông hay không nhưng lại không thể xác định được số km lái xe của người xin cấp giấy chứng nhận. Vì vậy, việc yêu cầu cung cấp thông tin mà cơ quan Nhà nước không thể kiểm chứng được tính chính xác của thông tin, là không cần thiết.
Từ đó, VCCI đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh quy định tiêu chuẩn này theo hướng điều kiện này là không bị xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến điều khiển phương tiện giao thông trong một khoảng thời gian, và các thông tin này, cơ quan cấp Giấy chứng nhận sẽ tra cứu trong hệ thống dữ liệu thông tin, không cần yêu cầu người làm thủ tục phải cung cấp tài liệu, hồ sơ.
Đồng thời, đề nghị bỏ quy định phải cung cấp “bản khai số km lái xe an toàn theo mẫu quy định tại Phụ lục XIII ban hành kèm theo Nghị định này và phải chịu trách nhiệm về nội dung khai trước pháp luật” tại điểm d khoản 1 Điều 9 (được sửa đổi).
Ngoài các bất cập đã nêu, tại văn bản góp ý, VCCI cũng đề nghị Ban soạn thảo Dự thảo xem xét, cân nhắc một số quy định liên quan đến: Thủ tục cấp lại giấy chứng nhận giáo viện dạy thực hành lái xe (khoản 5 Điều 1 Dự thảo sửa đổi Điều 10 Nghị định 65/2016/NĐ-CP); Thời hạn của giấy phép lái xe tập lại (khoản 6 Điều 1 Dự thảo bổ sung khoản 1 Điều 11 Nghị định 65/2016/NĐ-CP); Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng (khoản 3 Điều 2 Dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 3, 5 Điều 7 Nghị định 10/2020/NĐ-CP); Quy trình đăng ký, ngừng khai thác tuyến vận tải hành khách cố định (khoản 6 Điều 2 Dự thảo sửa đổi khoản 2 Điều 20 Nghị định 10/2020/NĐ-CP);…