Bảo hộ giống cây trồng Việt Nam vẫn còn hạn chế

Việc đánh mất khả năng độc quyền giống cây mới tác động trực tiếp tới việc bảo tồn và phát triển các giống tiên tiến có hiệu quả kinh tế cao.

Đây là chia sẻ của Luật sư Nguyễn Thành Luân – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Việt với Diễn đàn Doanh nghiệp.

– Nông nghiệp chiếm một vị thế vô cùng quan trọng trong phát triển bền vững của Việt Nam, việc nghiên cứu, chọn tạo các giống cây trồng mới giúp nâng cao năng suất, sản lượng và gia tăng hiệu quả kinh tế luôn được chú trọng. Việc bảo hộ cũng như thực thi pháp luật về bảo hộ giống cây trồng tại Việt Nam hiện nay như thế nào, thưa Luật sư?

Bảo hộ giống cây trồng Việt Nam vẫn còn hạn chế

Nhằm phù hợp với tinh thần của Công ước quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới cũng như tình hình thực tế hiện nay, Việt Nam đã và đang hoàn thiện hành lang pháp lý trong việc bảo hộ giống cây trồng.

Ngày 16/06/2022, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 với nhiều quy định mới sửa đổi điều kiện bảo hộ giống cây trồng, như yêu cầu về tên giống cây trồng, ngăn chặn việc đăng ký tên giống cây trồng làm nhãn hiệu độc quyền… những quy định này được kỳ vọng sẽ khắc phục phần lớn các bất cập và vướng mắc còn tồn tại trong công tác bảo hộ giống cây trồng mới hiện nay.

Thế nhưng, xét trên thực tế, quy định pháp luật về đăng ký bảo hộ giống cây trồng vẫn chưa thật sự tạo điều kiện tốt nhất cho người nông dân.

– Vậy, đâu là nguyên nhân dẫn đến thực tế này, thưa Luật sư?

Hiện nay, pháp luật về sở hữu trí tuệ quy định điều kiện chung đối với giống cây trồng được bảo hộ là giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển, có tính mới, tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định và có tên phù hợp, trong quá trình đánh giá phải áp dụng những quy trình khảo nghiệm đặc biệt. Trong khi, với sự đa dạng về giống cây trồng ở Việt Nam, có thể nói đây là một thách thức không nhỏ đối với cơ quan thẩm định khi phải sắp xếp phân bổ đủ nguồn lực, đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, điều kiện tự nhiên (khí hậu, đất đai…) để tiến hành khảo nghiệm.

Chưa kể, tuỳ từng loại cây trồng mà có thể lựa chọn phương thức khảo nghiệm khác nhau như khảo nghiệm tập trung tại cơ quan khảo nghiệm, khảo nghiệm diện hẹp/rộng trên đồng ruộng có kiểm soát của cơ quan chuyên môn… những khó khăn, phức tạp trong quy trình bảo hộ này phần nào khiến người dân không mặc mà trong việc nộp đơn đăng ký bảo hộ giống mới.

Đáng nói, thực tế cũng cho thấy, các giống lúa đã được đăng ký bản quyền như Đài thơm, OM5451 hay ST24, ST25… bị làm giả và bày bán tràn lan trên thị trường. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới quyền lợi của chủ thể quyền, mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.

Dù pháp luật đã có các chế tài để xử lý hành vi vi phạm quyền đối với giống cây trồng đã được đăng ký bảo hộ, tuy nhiên, do công tác phát hiện, xử lý vi phạm còn nhiều khó khăn cũng như chế tài xử phạt răn đe chưa đủ mạnh nên hành vi vi phạm bản quyền giống cây trồng vẫn tồn tại.

Đặc biệt, dù là được cho là biện pháp hữu hiệu trong phát hiện, xử lý vi phạm, tuy nhiên, theo quy định của pháp luật về thanh tra, thanh tra đột xuất chỉ được tiến hành khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc phòng, chống tham nhũng hoặc theo yêu cầu của thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền. Bên cạnh đó, hiện nay công tác thanh tra mới chủ yếu dừng lại ở các giống cây lương thực như lúa, ngô,… trong khi các giống cây ăn quả, cây lâu năm còn chưa được quan tâm.

Bảo hộ giống cây trồng Việt Nam vẫn còn hạn chế

Giống lúa Đài thơm 8 thường xuyên bị nhiều tổ chức, cá nhân làm giả vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và khai thác sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Thuận Hải

– Để công tác thực thi pháp luật về bảo hộ giống cây trồng đạt hiệu quả, Luật sư có đề xuất, kiến nghị gì?

Theo tôi, trước tiên, các tổ chức, cá nhân cần nhận thức về quyền và nghĩa vụ của mình đối với giống cây trồng khi chọn tạo, phát hiện, phát triển và sở hữu những giống mới. Trong đó, không chỉ bảo vệ quyền lợi của bản thân, các tổ chức, cá nhân cần tôn trọng quyền của các chủ thể quyền khác. Để đạt được những điều này, Nhà nước cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Đồng thời, các cơ quan liên quan cần tăng cường thanh tra, kiểm tra để nhanh chóng phát hiện, ngăn chặn và đẩy lùi các hành vi vi phạm; xây dựng cơ chế phối hợp đồng bộ để rà soát, xử lý kịp thời đối với các trường hợp vi phạm quyền đối với giống cây trồng. Các cơ sở sản xuất, buôn bán giống không có giấy phép đăng ký hoạt động, không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật của cây giống theo tiêu chuẩn đã công bố… cần được kiểm tra xử lý nghiêm theo quy định.

Đi liền với công tác phát hiện là việc áp dụng hiệu quả, phù hợp các chế tài xử phạt, các chế tài xử lý vi phạm cần quy định một cách “vừa đủ”, đủ ngăn chặn, đủ răn đe, đủ giảm thiểu và đẩy lùi các trường hợp vi phạm hoặc cố tình vi phạm. Việc áp dụng cần quyết liệt và nghiêm khắc, tránh tình trạng vì “tình riêng” mà nương nhẹ để vi phạm tiếp tục tái diễn.

– Trân trọng cảm ơn ông!

Bài Viết Liên Quan

Back to top button