Bài toán thu hút khu vực tư nhân chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu
Ngoài sự hỗ trợ từ các tổ chức tài chính quốc tế, tại sao chúng ta không xây dựng kế hoạch thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân để chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu?
Nhóm chuyên gia môi trường tại Việt Nam cho rằng thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) sẽ cần một nguồn lực vô cùng lớn, chúng ta không chỉ trông chờ vào nguồn hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, mà cần có chính sách thu hút khu vực tư nhân tham gia vào chiến lược ứng phó với BĐKH. Để hiểu rõ hơn về các phương thức, cũng như cơ chế thu hút được khu vực tư nhân, DĐDN đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Huy Huấn – Giảng viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân xung quanh nội dung này.
– Thưa Tiến sĩ, bài toán kêu gọi khu vực tư nhân chung tay thực hiện kế hoạch ứng phó với BĐKH liệu có thuận lợi?
Câu hỏi của bạn hay nhưng thật khó để trả lời. Tuy vậy, trên quan điểm cá nhân, tôi cho rằng việc kêu gọi sự tham gia của khu vực tư nhân thực hiện các hành động ứng phó BĐKH sẽ thuận lợi với điều kiện là phải có các biện pháp khuyến khích, có các thước đo cụ thể, có các chính sách/môi trường thuận lợi và phải có cả danh mục đầu tư ứng phó với BĐKH rõ ràng để thu hút khu vực tư nhân cũng như các nhà đầu tư.
Cũng cần phải khẳng định thêm rằng với nhu cầu tài chính rất lớn cho thích ứng BĐKH và giảm phát thải khí nhà kính, xu hướng chung của cộng đồng quốc tế là chuyển trọng tâm sang việc thúc đẩy và huy động sự tham gia của khu vực tư nhân. Bởi vì, thực tế là các nguồn lực công sẽ không thể nào đủ để đáp ứng nhu cầu ứng phó với BĐKH của các quốc gia; do đó, thúc đẩy kêu gọi đầu tư của khu vực tư nhân để bổ sung vào nguồn lực công sẽ rất quan trọng để thu hẹp khoảng cách kinh phí ứng phó.
Theo đó, tài chính khu vực tư nhân được đánh giá như là một bước để mở rộng khả năng tiếp cận các nguồn lực cho hành động khí hậu đầy tham vọng, đặc biệt là ở những nước đang phát triển. Các quỹ tài chính công trên toàn cầu được sử dụng chỉ có thể đóng vai trò như một công cụ hỗ trợ và là đòn bẩy kích thích đầu tư từ khu vực tư nhân thông qua các khoản vay ưu đãi hoặc viện trợ để bù đắp một phần chi phí chuyển giao công nghệ.
Ở Việt Nam, hiện nay, khu vực tư nhân chiếm tỉ trọng lớn nhất trong cơ cấu GDP giữa các thành phần kinh tế. Các doanh nghiệp là một chủ thể rất quan trọng không chỉ là từ góc độ đóng góp nguồn ngân sách hàng năm mà còn từ góc độ tạo công ăn việc làm cho người lao động, tham gia vào quá trình ứng phó với BĐKH Năm 2022, khu vực này sử dụng 83,6% tổng số lao động, đóng góp khoảng trên 43,0 % GDP so với 28,9% của khu vực kinh tế Nhà nước. Điều đó cho thấy tiềm năng từ những đóng góp của khu vực tư nhân rất lớn và cần tiếp tục được tạo thêm điều kiện, có cơ chế, chính sách phù hợp để sử dụng hiệu quả nguồn lực này.
Nếu như các doanh nghiệp có thể chủ động và tự ứng phó với các tác động tiêu cực của BĐKH, được tiếp cận với các chính sách ưu đãi của Nhà nước thì họ sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình này. Thực tế, hầu hết các chính sách về BĐKH tại Việt Nam giai đoạn trước năm 2015 gần như không đề cập tới vai trò của khối doanh nghiệp hoặc nếu có đề cập thì cũng tập trung nhiều hơn vào nội dung giảm nhẹ phát thải, thiếu sự quan tâm tới thích ứng với BĐKH. Từ 2015 trở lại đây, các chính sách về BĐKH đã đề cập nhiều hơn tới các doanh nghiệp nhưng lại chủ yếu coi họ là chủ thể bị giám sát, quản lý hơn là một nhóm đối tác đầu tư dẫn tới những sự khó khăn về huy động nguồn lực.
– Tiến sĩ có thể nói rõ hơn về các rào cản trong việc thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân vào các hoạt động ứng phó với BĐKH?
Chúng ta đang có nhiều rào cản, tôi có thể chỉ ra một số ví dụ như:
Thứ nhất, thiếu các dịch vụ cung cấp thông tin và dữ liệu về rủi ro khí hậu và mức độ dễ bị tổn thương ở cấp quốc gia để sử dụng làm hướng dẫn quyết định đầu tư. Nếu không có dữ liệu về mức độ rủi ro phù hợp, thì cả khu vực tư nhân và nhà nước đều không thể đánh giá mức độ cần thiết tài chính cho các khoản đầu tư thích ứng và giảm nhẹ. Việc thiếu hiểu biết về cách xử lý những điều không chắc chắn, các công cụ ra quyết định hạn chế, khó xác định lợi tức đầu tư là rào cản khiến doanh nghiệp và các nhà đầu tư thiếu động lực tham gia.
Thứ hai, khoảng trống về tài chính. Thích ứng với BĐKH là một vấn đề kinh điển của thất bại thị trường. Các khoản đầu tư cho ứng phó BĐKH hiếm khi tạo ra doanh thu mà doanh nghiệp có thể thu được, hoặc doanh thu quá thấp để biện minh cho sự đầu tư. Ngay cả các biện pháp ứng phó mang lại cơ hội thị trường cũng có thể yêu cầu sự can thiệp của khu vực công trước tiên. Rõ ràng là, đầu tư cho thích ứng với BĐKH và giảm phát thải khí nhà kính (KNK) đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu lớn, trong khi ngân sách của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ có hạn. Thêm vào đó, lợi tức đầu tư thực tế hoặc theo cảm nhận là thấp, do vậy mà khu vực tư nhân không có khả năng thu được đầy đủ các lợi ích về môi trường và xã hội từ hoạt động đầu tư ứng phó BĐKH dẫn đến không hoặc thiếu hấp dẫn với khu vực tư nhân.
Thứ ba, rào cản về trình độ nhận thức và năng lực cần thiết (cả về kỹ thuật và quản lý): nhận thức của doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa về các hành động thích ứng và giảm phát thải KNK là rất hạn chế. Các doanh nghiệp này cũng ít nhu cầu và động lực để tìm hiểu các quy định, hướng dẫn của pháp luật, các thông tin có liên quan trong lĩnh vực đầu tư ứng phó với biến đổi khí hậu. Điều đó dẫn đến các hành động và năng lực ứng phó BĐKH của doanh nghiệp dừng lại ở mức độ nhất định, hiệu quả lan tỏa và có tác động không lớn.
Vì vậy, việc đề xuất, xây dựng các nhóm giải pháp có hệ thống nhằm thúc đẩy doanh nghiệp tham gia ứng phó với BĐKH là cần thiết nhằm loại bỏ những thiếu hụt, rào cản giúp các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ phát thải KNK. Đồng thời, tạo nên một công cụ để kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp và các đơn vị quản lý Nhà nước.
– Vậy, Tiến sĩ đề xuất các giải pháp nào để thúc đẩy doanh nghiệp tham gia ứng phó với biến đổi khí hậu?
Quan điểm trong việc lựa chọn và đề xuất giải pháp đối với khu vực tư nhân là các giải pháp đó cần đảm bảo các nguyên tắc: (1) tạo động lực; (2) giảm chi phí gia tăng và (3) giảm rủi ro cho doanh nghiệp khi thực hiện các hành động thích ứng và giảm phát thải KNK. Để logic với các đề cập về rào cản nêu trên, trên quan điểm cá nhân, tôi đề xuất các nhóm giải pháp sau:
Một là, cung cấp dữ liệu về rủi ro khí hậu và tình trạng dễ bị tổn thương tại các khu vực địa lý và lồng ghép rủi ro khí hậu vào lập kế hoạch đầu tư vốn do chính phủ và các đối tác phát triển thực hiện. Lý tưởng nhất là nên có sẵn/xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở hạ tầng dịch vụ thông tin khí hậu phù hợp, nêu chi tiết các cơ hội và rủi ro khí hậu và cung cấp các dịch vụ phù hợp về chi phí và lợi ích của các hành động ứng phó BĐKH gồm cả thích ứng và giảm nhẹ. Thêm vào đó, cần có các kênh để tạo điều kiện tiếp cận thông tin, cũng như các công cụ hỗ trợ ra quyết định để hiểu và áp dụng.
Hai là, giải pháp tài chính ứng phó BĐKH, theo tôi cần tăng cường các động lực tài chính để thu hút các chủ thể tư nhân tham gia vào các hoạt động thích ứng BĐKH và giảm phát thải KNK. Cụ thể, (i) Đẩy nhanh việc áp dụng các công cụ định giá carbon (thuế carbon hoặc ETS). Việc định giá chính xác giá carbon sẽ phản ánh chi phí thực sự của thiệt hại do khí thải từ những người gây ô nhiễm. Giá tín chỉ carbon càng cao, doanh nghiệp càng có nhiều động cơ để giảm lượng khí thải của chính mình hơn là trả chi phí để mua bù đắp lượng khí thải còn lại của doanh nghiệp. Tương tự, việc xác định một mức thuế carbon đủ cao và phù hợp sẽ tạo ra các tác động thay đổi hành vi phát thải KNK của doanh nghiệp; (ii) Phát triển thị trường trái phiếu xanh: đây là công cụ vừa đem đến nguồn tài chính cho quốc gia vừa mang lại nguồn tín dụng chất lượng cao cho các nhà đầu tư; (iii) Tăng cường hợp tác công tư (PPP) trong ứng phó BĐKH: đây là giải pháp tất yếu nhằm giảm gánh nặng ngân sách và tăng cường hiệu quả công tác ứng phó với BĐKH ở Việt Nam. Khi áp dụng cơ chế hợp tác PPP tại mỗi dự án ở Việt Nam thì cần phải xác định rõ một số vấn đề như sau: PPP nên đóng một vai trò trong tài chính khí hậu và hỗ trợ cả các hoạt động giảm thiểu và thích ứng; cần xây dựng các khuôn khổ hỗ trợ PPP về khí hậu; hướng tới việc thiết kế PPP thông qua quá trình đồng sáng tạo và có sự tham gia sớm của các tổ chức tài chính tư nhân; (iv) Phát triển các sản phẩm bảo hiểm BĐKH: việc thực hiện bảo hiểm rủi ro khí hậu sẽ chia sẻ những tổn thất và thiệt hại do BĐKH gây ra giữa khu vực công và tư nhân.
Ba là, tăng cường nhận thức và năng lực ứng phó BĐKH cho khu vực tư nhân. Cụ thể (i) phát triển các khóa tập huấn đào tạo, chia sẻ thông tin vể quản lý, kỹ thuật cập nhật trong ứng phó BĐKH; hỗ trợ, khuyến khích đổi mới công nghệ và thương mại hoá công nghệ carbon thấp; (ii) thiết lập các chính sách để khuyến khích chuyển giao công nghệ như xây dựng các trung tâm tri thức, phát triển các quỹ đầu tư vào đổi mới sáng tạo; chuyển giao công nghệ thông qua cơ chế thông thường; hợp tác R&D với các tổ chức nước ngoài; và nhiều cơ chế đặc biệt hơn như việc mua lại các công ty và tổ chức R&D nước ngoài; (iii) có chiến lược phát triển bền vững về năng lượng tái tạo: xây dựng Luật Năng lượng tái tạo rõ ràng, lồng ghép vai trò và trách nhiệm của khu vực tư nhân; khuyến khích các doanh nghiệp và khu vực tư nhân tham gia phát triển thị trường năng lượng tái tạo; thu hút nguồn vốn nước ngoài để đầu tư phát triển năng lượng tái tạo.
– Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!