Bắc Ninh: Tích cực cải thiện môi trường đầu tư với chỉ số xanh bền vững
Trong nhiều năm qua, kết quả cải thiện Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh – PCI của tỉnh Bắc Ninh luôn được doanh nghiệp đánh giá tốt. Năm 2022, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục nằm trong top 10 tỉnh thành đứng đầu cả nước (đứng thứ 7 về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và thứ 3 về chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI).
Theo báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022, với số điểm 69,08 điểm, đây là năm thứ hai liên tiếp Bắc Ninh đạt thứ hạng này ( 2021 và 2022). Trong 10 chỉ số thành phần PCI 2022, tỉnh Bắc Ninh có 06 chỉ số tăng điểm so với năm 2021 là: Gia nhập thị trường tăng 0,6 điểm; Tính minh bạch tăng 0,2 điểm; Chi phí thời gian tăng 0,07 điểm; Cạnh tranh bình đẳng tăng 0,64 điểm; Đào tạo lao động tăng 0,83 điểm; Thiết chế pháp lý tăng 0,03 điểm.
Có 4 chỉ số giảm điểm gồm: Tiếp cận đất đai giảm 0,09 điểm; Chi phí không chính thức giảm 0,44 điểm; Tính năng động giảm 1,04 điểm; Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp giảm 0,79 điểm. Tính riêng trong khu vực đồng bằng sông Hồng, tỉnh Bắc Ninh xếp thứ 3 sau tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng.
Như vậy, trong nhiều năm qua kết quả cải thiện Chỉ số PCI của tỉnh Bắc Ninh luôn được doanh nghiệp đánh giá tốt, đặc biệt trong giai đoạn 2015 – 2019, điểm chỉ số PCI liên tục tăng, tuy năm 2020 có giảm sút nhưng thứ hạng vẫn xếp hạng tốt, đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố với 66.74 điểm.
Với cơ chế chính sách có nhiều đổi mới, sáng tạo, cho đến nay, Bắc Ninh đã thu hút được nhiều nhà đầu tư từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ có nền sản xuất công nghiệp tiên tiến, hiện đại như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu, Mỹ… Trong đó, công nghiệp điện tử là ngành mũi nhọn với tỷ trọng chiếm hơn 80% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp.
Một trong những bước cải thiện môi trường kinh doanh được các DN trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đánh giá cao là các doanh nghiệp không phải làm việc trực tiếp với cơ quan chuyên môn về thành lập doanh nghiệp mà 100% được thành lập qua môi trường số (online). Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có thể tiếp cận thông tin, xử lý thông tin, báo cáo cập nhật thông tin một cách nhanh nhất với lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh thông qua Tổ phản ứng nhanh 3 nhất hỗ trợ doanh nghiệp (mô hình được kế thừa từ tổ phản ứng nhanh trong phòng chống dịch COVID-19).
Theo ông Vương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh, PCI năm 2022 phản ánh sự nỗ lực trong toàn hệ thống chính trị của tỉnh. Theo đó, ngay từ đầu năm 2022, Bắc Ninh đã tổ chức hội nghị triển khai trực tuyến tới tất cả sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh để quán triệt Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh Bắc Ninh trong việc điều hành, phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là cải cách hành chính và chuyển đổi số, tập trung khắc phục 8 điểm nghẽn mà BCH Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh đã đề ra, đặc biệt là điểm nghẽn ô nhiễm môi trường. Nhờ đó, về chỉ số xanh ( PGI) cấp tỉnh 2022 (gồm 4 chỉ số thành phần được tạo thành từ 44 chỉ tiêu đo lường chất lượng quản trị môi trường tại các tỉnh, thành phố theo hướng gắn bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế), Bắc Ninh lọt top 3 trong bảng xếp hạng năm đầu tiên khảo sát, công bố. Đây là thành quả của những nỗ lực mạnh mẽ trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh thời gian qua.
Tỉnh Bắc Ninh có quan điểm xuyên suốt trong việc vận dụng Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, quy định pháp luật của Nhà nước đối với phát triển các KCN phải gắn liền với công tác bảo vệ môi trường. Luôn xác định phát triển công nghiệp gắn với giảm thiểu ô nhiễm môi trường là nhiệm vụ quan trọng, là điều kiện để thúc đẩy kinh tế – xã hội của tỉnh theo định hướng nhanh, bền vững. Tỉnh có nhiều nghị quyết về phát triển kinh tế – xã hội theo định hướng nhanh và bền vững, gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH. Trong đó, thể hiện rõ quan điểm: Không cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án công nghệ lạc hậu, có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường; khuyến khích các doanh nghiệp đưa công nghệ mới vào sản xuất, nhất là công nghệ thân thiện với môi trường. Sau hơn 25 năm, tỉnh Bắc Ninh có 16 KCN tập trung, trong đó 12 KCN đã đi vào hoạt động thu hút hơn 24,2 tỷ USD vốn đầu tư của các doanh nghiệp đến từ 39 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó 11 KCN lắp đặt hệ thống quan trắc, giám sát môi trường tự động. Công tác bảo vệ môi trường tại các KCN đi vào quy củ, kịp thời giải quyết kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp về môi trường. Đặc biệt là tại các “điểm đen” ô nhiễm như làng giấy Phong Khê (TP Bắc Ninh), Cụm công nghiệp Phú Lâm (huyện Tiên Du), làng nghề nhôm Mẫn Xá (huyện Yên Phong). Đến nay, chưa có sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng xảy ra.
Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả và đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, gắn với nâng cao chất lượng quản trị môi trường, cải thiện điểm số và thứ hạng Chỉ số PGI trong năm 2023 và các năm tiếp theo trong nhóm những tỉnh dẫn đầu cả nước, trong tháng 7/2023, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Kế hoạch số 223/KH-UBND về Cải thiện Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) giai đoạn 2023-2025 và trở thành tỉnh đầu tiên của cả nước triển khai kế hoạch này.
Trong giai đoạn phát triển mới, trước tác động của vấn đề toàn cầu hóa, tỉnh Bắc Ninh chủ động chuyển đổi trong công tác chỉ đạo, cũng như hành động hướng vào thu hút dòng vốn có chất lượng hơn, công nghệ cao hơn, mang lại giá trị gia tăng cao hơn… gắn với mục tiêu phát triển bền vững bắt kịp xu hướng Net Zero trên thế giới.
Các giải pháp cải thiện PGI được tỉnh Bắc Ninh chú trọng trong thời gian tới là xanh hóa sản xuất, thương mại, dịch vụ và tiêu dùng; thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp theo định hướng kinh tế xanh. Trong đó, thu hút đầu tư theo định hướng tái cấu trúc kinh tế để đẩy nhanh quá trình phát triển theo mô hình kinh tế xanh. Thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng xanh (theo Quyết định số 1124/QĐ-NHNN ngày 4-7-2022 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12-4-2022 của Chính phủ). Quy hoạch xây dựng KCN, khu đô thị sinh thái với trọng tâm sử dụng và quản lý tài nguyên bền vững. Phát triển khoa học công nghệ, đào tạo lực lượng lao động xanh và thúc đẩy tiêu dùng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn. Tăng cường các giải pháp quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, kiểm soát và khuyến khích sử dụng tiết kiệm năng lượng, phát triển dịch vụ xử lý môi trường trong các khu, cụm công nghiệp. Đồng thời nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ, thu hút thêm các nguồn vốn xã hội hoá, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm và hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Kế hoạch cải thiện Chỉ số Xanh cấp tỉnh cùng với các giải pháp phù hợp, chắc chắn Bắc Ninh sẽ có những bước tiến mới phát triển bền vững để thích ứng với xu hướng toàn cầu hóa, duy trì thứ hạng cao trong bảng xếp hạng PGI và PCI trong thời gian tới.
Anh Quỳnh (Vietnam Business Forum)