Áp lực tăng vốn của các công ty chứng khoán
Cuộc đua tăng vốn của các công ty chứng khoán có dấu hiệu sôi động trở lại trong giai đoạn cuối năm 2023 và đầu năm 2024. Doanh nghiệp nào sẽ dẫn đầu vốn điều lệ lớn nhất thị trường tới đây?
Ai sẽ giữ ngôi vốn điều lệ lớn nhất thị trường?
Đầu tháng 12/2023, CTCP Chứng khoán SSI (SSI) đang thực hiện lấy ý kiến cổ đông thông qua phương án phát hành 453 triệu cổ phiếu, trong đó phát hành 302 triệu cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 100:20 và chào bán 151 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 15.000 đồng/cp, tỷ lệ 100:10. Thời gian dự kiến phát hành trong năm 2023-2024 hoặc thời gian khác tùy theo quyết định của HĐQT. Nếu thành công, vốn điều lệ của SSI dự kiến tăng lên mức 19.645 tỷ đồng, tiếp tục dẫn đầu nhóm công ty chứng khoán và bỏ xa công ty xếp thứ hai là VPBankS.
Mới đây, CTCP Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HCM) dự kiến phát hành thêm hơn 297 triệu cổ phiếu và nâng vốn điều lệ lên hơn 7.552 tỷ đồng và tiến vào top 5 vốn điều lệ nhóm chứng khoán tại cuối quý III/2023.
Ngoài phương án chào bán ra công chúng, HCM còn được chấp thuận kế hoạch phát hành gần 68.6 triệu cp trả cổ tức đợt 2/2021 cho cổ đông, tỷ lệ thực hiện 100:15 (sở hữu 100 cp được nhận 15 cp mới). Với hai phương án trên, tổng số lượng phát hành của HCM dự kiến hơn 297 triệu cổ phiếu và vốn điều lệ của HCM sẽ được nâng từ gần 4.581 tỷ đồng lên hơn 7.552 tỷ đồng nếu phát hành thành công. Với mức vốn này, HCM sẽ tiến vào top 5 các công ty chứng khoán có quy mô vốn điều lệ lớn nhất tính đến cuối quý III/2023.
Tại thời điểm 30/09/2023, công ty chứng khoán có vốn điều lệ cao nhất là SSI với hơn 15.011 tỷ đồng, tiếp theo là VPBankS với 15.000 tỷ đồng và xếp thứ 3 là VNDIRECT (VND) 12.178 tỷ đồng.
Ngày 13/11/2023, Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) đã nhận được chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Bộ Tài chính về việc tăng vốn điều lệ thêm 1.000 tỷ đồng, lên mức 4.000 tỷ đồng. Nguồn vốn góp đến từ chủ sở hữu là ngân hàng mẹ, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB). Việc tăng vốn của ACBS lần này là một bước đi cần thiết để mở rộng quy mô và nâng cao vị thế của công ty trong ngành chứng khoán.
Vốn chủ sở hữu của công ty sau khi tăng đạt hơn 5.500 tỷ đồng, tổng tài sản đạt hơn 10.000 tỷ đồng và vốn điều lệ đạt 4.000 tỷ đồng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc ACBS trở thành công ty nằm trong top 11 những công ty có quy mô vốn điều lệ lớn nhất tính đến quý IV/2023.
ACBS đã trải qua đợt tăng vốn gần đây nhất là vào tháng 06 năm 2021 với số vốn tăng thêm 1.500 tỷ đồng lên mức 3.000 tỷ đồng. Công ty đã sử dụng vốn hiệu quả vào các hoạt động kinh doanh cốt lõi như cho vay ký quỹ, kinh doanh vốn và hoạt động đầu tư.
ĐHĐCĐ bất thường của Chứng khoán LPBank (LPBS) đã thông qua phương án chào bán tối đa 363.8 triệu cổ phiếu với mức giá không thấp hơn 10.000 đồng/cp, tỷ lệ thực hiện là 1,000/14,552. Nếu thành công, vốn điều lệ của dự kiến tăng từ 250 tỷ đồng lên 3.888 tỷ đồng, tương ứng gấp gần 16 lần…
Ngoài ra một số công ty chứng khoán khác cũng đang tiếp tục tăng vốn điều lệ như ORS (Chứng khoán Tiên Phong), VND (Chứng khoán VnDirect)…
Áp lực từ việc tăng vốn
Thống kê từ 25 công ty chứng khoán (CTCK), tổng vốn điều lệ ở cuối quý I/2021 gần 45.000 tỉ đồng, đến cuối quý II/2023 đã xấp xỉ 111.500 tỷ đồng – gấp 2,5 lần. Trong 2 năm trở lại đây, nhiều CTCK đã tiến hành tăng vốn với tốc độ rất nhanh chóng để cạnh tranh giành thị phần. Nguồn vốn giúp các công ty nâng cao năng lực tài chính để mở rộng hoạt động tín dụng và đầu tư vào cổ phiếu, đẩy mạnh hoạt động kinh doanh và tạo ra nhiều cơ hội cho vay hơn trong bối cảnh thị trường cải thiện và nhu cầu sử dụng đòn bẩy tài chính của nhà đầu tư cao hơn.
Tuy nhiên, với việc tăng vốn, sẽ có áp lực lớn đối với các công ty trong việc duy trì tỷ suất sinh lời. Sự pha loãng kết hợp với các yếu tố thị trường, các CTCK sẽ khó duy trì mức ROE như giai đoạn trước. Ngoài ra, một số CTCK cần nguồn vốn ngắn hạn để cân bằng mảng trái phiếu. Để đảm bảo vốn cho doanh nghiệp, huy động vốn được thực hiện để bù đắp nhưng thực tế một dòng tiền lớn đang bị kẹt. Trong ngắn hạn, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận khó có thể theo kịp tốc độ tăng trưởng vốn, dẫn đến tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu giảm. Trên thực tế, sẽ phải mất nhiều năm mới hấp thụ được dòng tiền từ việc tăng vốn nên ROE giảm là điều khó tránh khỏi.
TTCK Việt Nam trong ngắn hạn, cụ thể là từ nay cho đến hết năm 2023 vẫn được đánh giá sẽ có xu hướng tích cực với nền tảng thanh khoản được duy trì. Việc lãi suất được đưa về mức thấp sẽ khiến dòng tiền có chiều hướng chảy mạnh hơn vào thị trường chứng khoán, đặc biệt trước bối cảnh nhiều kênh đầu tư vẫn gặp khó khăn như bất động sản, trái phiếu lại càng khiến kênh chứng khoán trở nên hấp dẫn hơn.
Các doanh nghiệp trong ngành được dự báo cả doanh thu và lợi nhuận trong hai quý cuối năm sẽ đạt được tốc độ tăng trưởng tốt so với cùng kỳ do nền lợi nhuận thấp của năm trước.
Xu hướng tăng điểm của chỉ số VN-Index trong những tháng cuối năm được SBS dự báo sẽ gặp nhiều thách thức lớn hơn so với giai đoạn nửa đầu năm, nhiều khả năng sẽ xuất hiện các đợt điều chỉnh rung lắc mạnh đan xen, tuy nhiên các nhịp điều chỉnh mạnh vẫn được xem là cơ hội để nhà đầu tư tham gia.
Dù vậy, đối với nhóm cổ phiếu thuộc ngành chứng khoán do đã có sự tăng trưởng rất mạnh từ đầu năm, nhiều cổ phiếu đã tăng gấp 2 thậm chí 3 lần từ đáy như SSI, HCM, SHS.. và đang được giao dịch ở mức định giá cao. Do vậy, việc tăng vốn là cơ hội để nhóm ngành chứng khoán tiếp tục tăng trưởng đón sóng cho năm 2024.