ANV dự kiến phát hành 1.331 tỷ đồng cổ phiếu tăng vốn cổ phần
Công ty CP Nam Việt (HoSE: ANV) dự kiến sẽ phát hành hơn 1.331 tỷ đồng cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nhằm tăng vốn điều lệ lên gấp đôi.
Cụ thể, theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 dự kiến tổ chức vào ngày 24/6 tới, ANV sẽ trình cổ đông phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Tỷ lệ thực hiện là 1:1, cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 1 cổ phiếu mới.
Tổng khối lượng cổ phiếu dự kiến phát hành là 133 triệu cổ phiếu. Tổng giá trị tính theo mệnh giá là hơn 1.331 tỷ đồng. Nguồn phát hành từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến ngày 31/12/2022, theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2022.
Thời gian dự kiến phát hành trong năm 2023, khi được cơ quan thẩm quyền cấp phép. Sau khi phát hành, vốn điều lệ của ANV dự kiến sẽ tăng từ 1.335 tỷ đồng, lên 2.667 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng gần gấp đôi.
Bên cạnh đó, ANV cũng trình ĐHĐCĐ kế hoạch kinh doanh năm 2023 với lợi nhuận “đi lùi” so với năm 2022. Cụ thể, ANV đặt mục tiêu kế hoạch với doanh thu thuần đạt 5.200 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế giảm 35% so với thực hiện của năm 2022, xuống còn 500 tỷ đồng.
Doanh nghiệp cho biết, mục tiêu, chiến lược sản xuất năm 2023 là tích cực đi vào chất lượng của chuỗi sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, giảm chi phí, đảm bảo môi trường. Song song đó, doanh nghiệp sẽ tăng cường tìm kiếm thêm khách hàng mới, bên cạnh việc duy trì khách hàng hiện hữu; Duy trì năng lực sản xuất, cải thiện kỹ thuật nuôi trồng và chế biến thủy sản để có sản phẩm đạt chất lượng tốt, ổn định, giá cả hợp lý.
Về kết quả kinh doanh của quý I/2023, doanh thu thuần của ANV đạt 1.155 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2022. Lãi ròng đạt 92 tỷ đồng, giảm 55% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do giá bán và sản lượng bán đều sụt giảm mạnh so với cùng kỳ, cùng với đó là ảnh hưởng của giá nguyên liệu thức ăn và giá cá nguyên liệu tăng.
Chứng khoán An Bình (ABS) đánh giá, kết quả kinh doanh quý I/2023 của ANV đã phản ánh rõ dấu hiệu tăng trưởng đi lùi do ảnh hưởng bởi lạm phát. Tuy nhiên, ABS cho rằng, so với các doanh nghiệp cùng ngành, doanh thu của ANV sụt giảm không quá mạnh do tỷ trọng doanh thu được phân bổ đồng đều ở các thị trường, không bị phụ thuộc vào bất cứ thị trường nào.
ABS kỳ vọng, thị trường Trung Quốc phục hồi sẽ là bệ đỡ giúp ANV vượt qua những thách thức của nền kinh tế vĩ mô trong năm 2023. Theo đó, năm 2021, Trung Quốc chiếm tới 22% tổng doanh thu của ANV. Tuy nhiên, đến năm 2022, do ảnh hưởng bởi chính sách “Zero Covid” tại quốc gia này, doanh thu đến từ Trung Quốc đã sụt giảm 27% so với năm 2021 và chỉ chiếm 11% tổng doanh thu.
“Với việc quốc gia này đã gỡ bỏ “Zero Covid” vào đầu năm 2023, chúng tôi kỳ vọng nhu cầu tại thị trường này sẽ phục hồi và tăng trưởng, là bệ đỡ hỗ trợ kết quả kinh doanh của ANV trong bối cảnh các thị trường khác suy giảm. Chúng tôi dự báo giá xuất khẩu và sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc lần lượt tăng trưởng 10% và 20% so với cùng kỳ”, chuyên gia phân tích của ABS nhận định.
Bên cạnh đó, ABS cũng kỳ vọng việc thiếu hụt nguồn cung sẽ hỗ trợ giá cá tra trong thời gian tới. Theo ABS, từ đầu năm 2022, giá nguyên liệu để sản xuất thức ăn cho cá tra tăng mạnh khiến giá thành cá tra bị đẩy lên cao, người dân e ngại việc thả nuôi nên đã thu hẹp quy mô nuôi cá. Điều này có thể khiến giá cá tra tăng trở lại trong thời gian tới do thiếu hụt nguồn cung và nhu cầu tại Trung Quốc phục hồi thúc đẩy việc nhập khẩu thủy sản trong đó có cá tra.
Tuy nhiên, do lo ngại suy thoái toàn cầu cùng với mức nền cao của năm 2022, ABS dự báo, giá cá tra xuất khẩu trung bình của ANV năm 2023 sẽ giảm 6% so với cùng kỳ và sẽ hồi phục, tăng 6% trong năm 2024.
Về dài hạn, ABS nhận định, ANV vẫn còn dư địa phát triển nhờ: Thị trường Mỹ có khả năng là động lực tăng trưởng cho ANV trong thời gian tới. Từ tháng 8/2022, ANV đã chính thức quay trở lại thị trường Mỹ và ghi nhận doanh thu đạt 56 tỷ đồng, chiếm 1% tổng doanh thu.
Bên cạnh đó, với lợi thế sở hữu chuỗi giá trị khép kín 100% và đa dạng các thị trường xuất khẩu. Hiện nay ANV là doanh nghiệp xuất khẩu cá tra duy nhất có chuỗi giá trị khép kín 100%. Lợi thế này giúp ANV có biên lợi nhuận tốt hơn so với các doanh nghiệp cùng ngành, đồng thời giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực về biến động giá chi phí đầu vào.
Ngoài ra, với cơ cấu doanh thu phân bổ khá đồng đều ở thị trường nội địa và xuất khẩu, doanh thu của ANV không bị phụ thuộc vào một thị trường duy nhất, giúp doanh nghiệp hạn chế được tối đa các rủi ro suy thoái kinh tế như trong năm 2022.
Mặc dù vậy, ABS cũng chỉ ra những rủi ro giảm giá đối với ANV đến từ: Giá cá tra hồi phục chậm hơn dự kiến, sản lượng xuất khẩu giảm mạnh hơn dự kiến; Thị trường Trung Quốc tăng trưởng thấp hơn dự kiến; Và Rủi ro cạnh tranh với các doanh nghiệp đã có thị phần lớn tại thị trường Mỹ (như VHC).