AI và chuyển đổi số báo chí Việt Nam: Không còn là lựa chọn, mà là con đường sống còn
Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong báo chí Việt Nam không chỉ là xu hướng, mà đã trở thành điều kiện bắt buộc để tồn tại và phát triển. Đó là thông điệp mạnh mẽ được đưa ra tại phiên thảo luận chuyên đề “Trí tuệ nhân tạo và chiến lược chuyển đổi số của các tòa soạn báo chí Việt Nam”, trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2025.
Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2025), thu hút sự quan tâm đặc biệt của các chuyên gia, lãnh đạo cơ quan báo chí – truyền thông, nhà báo, độc giả trẻ và cộng đồng công nghệ.

Tại diễn đàn, ThS Đào Trung Thành – Phó Viện trưởng Viện Blockchain và Trí tuệ nhân tạo (ABAII) khẳng định: “Chuyển đổi số không còn là lựa chọn, mà là điều kiện sống còn cho các tòa soạn trong kỷ nguyên công nghệ.”
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Đồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS), hiện hơn 60% cơ quan báo chí tại Việt Nam đã hoặc đang triển khai AI, nhưng chủ yếu mới dừng ở các công đoạn kỹ thuật như kiểm tra lỗi chính tả, tạo ảnh minh họa, gợi ý tiêu đề hoặc tóm tắt văn bản.
“Chúng ta đang đặt sai trọng tâm khi ứng dụng AI. Tập trung vào công cụ mà quên mất quy trình, dữ liệu và chiến lược tổ chức sẽ khiến AI không phát huy hiệu quả,” ông Đồng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Đồng, có ba rào cản lớn khiến AI chưa phát huy hiệu quả tại các tòa soạn Việt Nam đó là, đặt sai trọng tâm ứng dụng AI (quá chú trọng công cụ, ít quan tâm quy trình); thiếu chiến lược và tiếp cận tổng thể ở cấp độ tổ chức; thiếu nguồn lực tài chính, nhân sự chuyên trách. Vì vậy, các cơ quan báo chí cần tiếp cận AI một cách tổng thể và có chiến lược.

Chia sẻ từ thực tiễn, ông Đào Quang Bính – Tổng Thư ký Tòa soạn VnEconomy – cho biết, đơn vị đã ứng dụng AI theo hướng chủ động và có chiến lược, như xây dựng CMS tích hợp AI nội bộ và triển khai Askonomy – nền tảng AI bản địa hóa có khả năng xử lý nội dung chính xác tới 95%, hỗ trợ biên tập viên nhưng vẫn giữ phong cách, bản sắc báo chí. Ngoài ra, VnEconomy kết hợp AI với công nghệ quản lý bản quyền số (DRM), mã hóa dữ liệu và watermark để bảo vệ nội dung trong môi trường số.
Ở góc độ kỹ thuật, ông Lê Anh Dũng – Giám đốc Công nghệ Got It Vietnam – cảnh báo: “AI không phải món trang sức để tô điểm tòa soạn. Nếu không tích hợp đúng cách, nó sẽ trở thành gánh nặng.”
Ông Nguyễn Anh Tuấn – Nhà sáng lập Báo Mới – cho rằng: AI cần được đưa vào các khâu phân phối nội dung và phân tích hành vi người đọc để gia tăng trải nghiệm cá nhân hóa và tăng tương tác với độc giả, đặc biệt là thế hệ Gen Z. Báo chí cần hành động tổng thể và có trách nhiệm với AI Các chuyên gia cùng kêu gọi Hội Nhà báo Việt Nam sớm ban hành Bộ quy tắc đạo đức và hướng dẫn sử dụng AI có trách nhiệm trong lĩnh vực báo chí, nhằm đảm bảo tính minh bạch, nhân văn và nhất quán trong việc vận hành công nghệ.
“AI có thể là cánh tay nối dài, nhưng trung tâm vẫn là nhà báo – người có đạo đức, bản lĩnh và năng lực phân tích đúng-sai”, ông Nguyễn Quang Đồng nhấn mạnh.
Không chỉ đơn thuần là tích hợp công nghệ, các tòa soạn Việt Nam cần nhìn nhận lại mô hình vận hành, đào tạo nhân lực số, chuyển đổi cách làm nội dung, bảo đảm tính kiểm chứng, đồng thời đặt ra tiêu chuẩn đạo đức báo chí trong kỷ nguyên AI. Chuyển đổi số báo chí, vì vậy, không còn là bước đi tự nguyện mà đã trở thành chiến lược sống còn, để bảo vệ niềm tin, giá trị nghề nghiệp và sức cạnh tranh của báo chí Việt trong bối cảnh truyền thông toàn cầu đang chuyển dịch mạnh mẽ dưới tác động của trí tuệ nhân tạo.
Lê Long