ABAC kêu gọi hành động mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng bền vững và hội nhập kinh tế

Kỳ họp ABAC IV đã tập trung vào việc thúc đẩy hợp tác khu vực và cải tiến cấu trúc ABAC nhằm đáp ứng thách thức mới.

ABAC kêu gọi hành động mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng bền vững và hội nhập kinh tế
Kỳ họp thường niên lần thứ 4 của Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC) năm 2024 tại Lima, Peru

Kỳ họp thường niên lần thứ 4 của Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC) năm 2024 đã diễn ra từ ngày 10 – 12/11/2024 tại Lima, Peru với sự tham gia của các thành viên và đại biểu ABAC để chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp Apec (Apec CEO Summit) từ 13-15/11/2024, và Đối thoại giữa các Nhà Lãnh đạo Kinh tế Cấp cao APEC với ABAC vào ngày 15/11/2024.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Thành viên dự khuyết ABAC Việt Nam, đại diện ABAC Việt Nam dự phiên họp nhóm giữa các thành viên và có những đóng góp tích cực trong việc đưa ra những kiến nghị sẽ được nêu ra trong phiên Đối thoại giữa Lãnh đạo APEC với ABAC.

Với chủ đề “Con người – Doanh nghiệp – Sự thịnh vượng” – “People. Business. Prosperity”, kỳ họp ABAC 4 đã thống nhất một số nội dung lớn. Cụ thể, với những thách thức ngày càng mang tính toàn cầu, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp từ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương sẽ kêu gọi các nhà lãnh đạo APEC thực hiện các hành động quyết đoán để thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm.

“Trong khi nền kinh tế toàn cầu vẫn giữ được sự ổn định, các nền kinh tế APEC đang phải đối mặt với lạm phát dai dẳng, bất bình đẳng kinh tế, lãi suất cao và nhu cầu cấp thiết phải tăng cường đầu tư cho một tương lai xanh và bền vững với khí hậu,” bà Julia Torreblanca, Chủ tịch ABAC 2024, cho biết.

Bà Torreblanca cũng cho biết thêm, các khuyến nghị của ABAC nhằm mục tiêu giúp các nhà lãnh đạo APEC phản ứng nhanh chóng trước những thách thức nói trên; đồng thời tạo cơ hội cho người dân và các doanh nghiệp trong khu vực.

“Chúng tôi muốn tạo điều kiện để mọi người có thể tiếp cận công bằng với lợi ích kinh tế, hỗ trợ các doanh nghiệp với nền tảng thương mại vững mạnh, đảm bảo tăng trưởng bền vững và linh hoạt”, bà Torreblanca nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, các thành viên ABAC cũng kêu gọi APEC ưu tiên nhu cầu của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs), đặc biệt là những doanh nghiệp do phụ nữ và các doanh nhân bản địa lãnh đạo. Hội đồng cũng đề xuất các chính sách nhằm thúc đẩy số hóa và cung cấp quyền tiếp cận công bằng đối với tài chính, bao gồm cả vốn mạo hiểm cho các nữ doanh nhân.

ABAC coi các công cụ số là yếu tố then chốt để tích hợp nhiều doanh nghiệp hơn vào nền kinh tế chính thức và kết nối các MSMEs với chuỗi giá trị toàn cầu, tạo ra cơ hội tốt hơn cho công dân.ABAC cũng đã đề xuất các chính sách để thúc đẩy số hóa và cung cấp quyền tiếp cận công bằng với các nguồn tài chính, bao gồm cả vốn đầu tư mạo hiểm cho phụ nữ khởi nghiệp.

Với sự chuyển đổi số ngày càng tác động mạnh mẽ đến đời sống, ABAC đã đưa ra một tuyên bố độc lập nêu bật năm xu hướng mới nổi trong nền kinh tế số. Các thành viên ABAC cũng kêu gọi các Bộ trưởng APEC phụ trách chuyển đổi số cam kết ưu tiên những vấn đề này, hành động khẩn trương và hợp tác chặt chẽ với ABAC trong năm 2025 để giải quyết thách thức, xây dựng một nền kinh tế số bền vững, mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.

“Những hành động chúng ta thực hiện hôm nay sẽ định hình nền kinh tế số của ngày mai. Hãy nắm bắt cơ hội này để dẫn đầu với những biện pháp mạnh mẽ, quyết đoán, đảm bảo một tương lai số bền vững, bao trùm và thịnh vượng cho tất cả các nền kinh tế APEC,” bà Torreblanca nói.

Năm nay, ABAC cũng đã đưa ra những tuyên bố độc lập ủng hộ Khu vực Thương mại Tự do Châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO); nhấn mạnh tầm quan trọng của các khung pháp lý toàn cầu và khu vực trong việc tạo ra một môi trường kinh doanh thông suốt.

Nhận thức được tầm quan trọng của khả năng tương tác để duy trì tăng trưởng trong nền kinh tế số, ABAC cũng tập trung thúc đẩy sự hài hòa trong các quy định về luồng dữ liệu, an ninh mạng, và các dịch vụ có thể cung cấp qua kỹ thuật số, bao gồm thông qua “Chương trình Dịch vụ Mới.”

Khi trí tuệ nhân tạo (AI) cngày càng trở nên phổ biến, cacs thành viên ABAC đã nhấn mạnh sự cần thiết của các khung pháp lý quản lý AI một cách có trách nhiệm và bao trùm. Hội đồng đã đề xuất đưa các tiêu chuẩn này vào các thỏa thuận thương mại và hỗ trợ phát triển kỹ năng cũng như cải cách cơ cấu để tối đa hóa lợi ích của AI trong khi giảm thiểu rủi ro.

ABAC tin rằng việc tạo ra một môi trường minh bạch, hiệu quả và thân thiện với đầu tư trên toàn khu vực là rất quan trọng. Họ kêu gọi APEC ưu tiên các biện pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư và hỗ trợ Hiệp định Tạo thuận lợi đầu tư cho phát triển của WTO, nhằm xây dựng một lộ trình toàn diện về tạo thuận lợi đầu tư, thích ứng với bối cảnh toàn cầu đang thay đổi.

Khủng hoảng khí hậu cũng là vấn đề trọng tâm trong chương trình nghị sự của ABAC. Các thành viên đã chỉ ra rằng thế giới đã trải qua hơn một năm có nhiệt độ vượt quá 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp. Do đó, ABAC kêu gọi hành động tập thể khẩn cấp, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng, chuẩn bị ứng phó thảm họa và giảm thiểu rủi ro khí hậu.

Đồng thời, các thành viên ABAC cũng nhấn mạnh sự cần thiết của các quan hệ đối tác công – tư để mở rộng tài chính xanh, giảm rủi ro tiền tệ và hỗ trợ giao dịch xuyên biên giới các tín chỉ carbon tự nguyện. Thương mại cũng sẽ là yếu tố then chốt trong việc ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, được thúc đẩy thông qua một “Khung Thương mại Xanh” xuyên khu vực.

Tại kỳ họp, Chủ tịch ABAC đã nhấn mạnh những công việc đã được thực hiện trong năm 2024 với chủ đề “Con người – Doanh nghiệp – sự Thịnh vượng”; đồng thời khẳng định giá trị và sức mạnh của sự hợp tác đối tác trong việc thúc đẩy thay đổi và đạt được các mục tiêu chung nhằm cải thiện điều kiện sống của người dân, giúp doanh nghiệp phát triển và tạo ra sự thịnh vượng.

Cũng tại buổi họp, các thành viên ABAC đã chứng kiến bà Julia Torreblanca chuyển giao chức vụ Chủ tịch cho ông Hyun-sang Cho, Chủ tịch ABAC Hàn Quốc. Sự kiện này đánh dấu một sự chuyển giao khi các lãnh đạo APEC chuẩn bị giải quyết những thách thức cấp bách và khám phá các cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng bền vững trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

ABAC kêu gọi hành động mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng bền vững và hội nhập kinh tế
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI, Thành viên dự khuyết ABAC Việt Nam (thứ hai từ trái sang) gặp gỡ ông Hyun-sang Cho, Chủ tịch ABAC Hàn Quốc, Chủ tịch ABAC 2025 tại Kỳ họp thứ tư của Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC)

Ngay sau cuộc họp, Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh đã có buổi gặp gỡ với ông Hyun-sang Cho, Chủ tịch ABAC Hàn Quốc, Chủ tịch ABAC 2025 để trao đổi thêm về việc tăng cường hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc nhằm hướng đến xây dựng mô hình kinh doanh mới, cũng như đối phó tốt hơn với những thách thức toàn cầu.

Được biết, kỳ họp ABAC IV đã thu hút 250 đại biểu tới tham dự trực tiếp, bao gồm các lãnh đạo các tổ chức xúc tiến và đầu tư có uy tín và ảnh hưởng lớn, các tập đoàn, doanh nghiệp tiêu biểu trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Các đại biểu đã cùng xem xét báo cáo kinh tế, và thảo luận về các chủ đề và ưu tiên của APEC và ABAC cho năm 2025.

Trong năm 2024, ABAC đã tiến hành 4 kỳ họp bao gồm ABAC I diễn ra tại Kuala Lumpur, Malaysia, từ 14-16/02/2024; ABAC II tại Hồng Kông, Trung Quốc, từ 22-25/4/2024; ABAC III tại Tokyo, Nhật Bản, từ 1-4/8/2024 và ABAC IV tại Lima, Peru từ ngày 10-12/11/2024.

Dự kiến, hai sự kiện quan trọng nhất của ABAC bao gồm Đối thoại giữa ABAC và Lãnh đạo APEC sẽ được diễn ra vào ngày 15/11/2024 và Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC – APEC CEO Summit sẽ được tổ chức từ ngày 13-15/11/2024.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Bài Viết Liên Quan

Để lại một bình luận

Back to top button