59 NĂM THÀNH LẬP VCCI: Doanh nhân – lực lượng tiên phong trong hội nhập
Ông Hoàng Quang Phòng, Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Thường trực VCCI khẳng định khi chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp nhân dịp kỷ niệm 59 năm thành lập VCCI.
Việc thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” đã mang lại những kết quả rất rõ rệt, tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.
– Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã có những bước phát triển cả về chất và lượng, thưa ông?
Đất nước đã xuất hiện ngày càng nhiều các doanh nhân tỷ phú, doanh nghiệp lớn, có doanh nghiệp đã nằm trong top doanh nghiệp hàng đầu thế giới, khẳng định doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đang từng bước vươn lên sánh vai với các doanh nghiệp toàn cầu.
Trong đó, trước tiên phải kể đến vai trò tạo công ăn việc làm cho xã hội của doanh nhân, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19, khi mà vấn đề việc làm được cả xã hội quan tâm với nhiều doanh nghiệp, ngành lĩnh vực phải đối diện với các khó khăn và sự khắc nghiệt của thị trường.
Vai trò tiếp theo là thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế. Với hàng loạt hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương trong đó có các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP… được các doanh nhân coi trọng, tận dụng khi triển khai các hiệp định này. Sau 10 năm, chỉ số “khả năng dẫn dắt doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu” đã tăng lên đáng kể.
Đặc biệt, trong bối cảnh của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, xu hướng đổi mới sáng tạo diễn ra mạnh mẽ. Chính các doanh nhân là chủ nhân của những sáng kiến đổi mới, các ý tưởng về mô hình kinh doanh mới, vai trò của doanh nhân trong lĩnh vực này cũng vì thế mà được thăng hạng.
Có thể thấy, vai trò của doanh nhân đã đồng đều hơn, cho thấy mức độ ảnh hưởng toàn diện hơn của doanh nhân trong phát triển kinh tế xã hội đất nước những năm gần đây.
– Với vai trò đại diện cộng đồng doanh nghiệp, VCCI đã thúc đẩy quá trình này như thế nào, thưa ông?
Được sự lãnh đạo và tạo điều kiện của các cơ quan bộ ngành trung ương, địa phương, VCCI cùng các cơ quan TƯ, địa phương cùng xây dựng kế hoạch phối hợp triển khai, giám sát thực hiện Nghị quyết 09/NQ-TW, tổ chức các hoạt động, nghiên cứu chuyên đề, hội thảo… Đa số cấp uỷ Đảng tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, và ban hành các chỉ đạo, cụ thể: Thường trực các tỉnh, thành ủy đã chỉ đạo và giao ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho ban thường vụ tổ chức thực hiện chương trình hành động. Các hiệp hội doanh nghiệp các địa phương cũng tổ chức tuyên truyền rộng rãi về Nghị quyết số 09.
Trong đó, đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp doanh nhân. Trong giai đoạn 2015-2020 VCCI đã tổ chức nghiên cứu góp ý gần 700 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, tham gia 214 ban soạn thảo, tham gia 390 hội đồng thẩm định, VCCI đã tổ chức 2.030 hội nghị, toạ đàm, hoạt động tham vấn, đối thoại giữa các cơ quan, chuyên gia xây dựng góp ý pháp luật.
Bên cạnh đó, tăng cường hỗ trợ doanh nhân mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế của doanh nghiệp thông qua việc phối hợp với chính quyền các cấp và hiệp hội doanh nghiệp thực hiện chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch v.v.. hỗ trợ doanh nhân xây dựng thương hiệu, tổ chức sàn giao dịch thương mại, việc làm, ngày hội khởi nghiệp công nghệ…và các hoạt động hỗ trợ khác cho doanh nghiệp, doanh nhân tạo sự đồng bộ trong thực hiện Nghị quyết như lời của Tổng Bí thư đã chỉ đạo: “Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị”.
– Vậy VCCI có đề xuất kiến nghị gì cho việc thực hiện NQ 09 hiệu quả, thực chất giai đoạn tới đây, thưa ông?
Chúng tôi kiến nghị tăng cường tuyên truyền, vận động, tham mưu cũng như theo dõi, giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết 09 về phát huy vai trò của doanh nghiệp doanh nhân, trong đó có tham gia xây dựng, phản biện và giám sát thực hiện cơ chế, chính sách liên quan đến doanh nghiệp và hoạt động sản xuất kinh doanh.
Hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp phấn đấu cống hiến cho sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Nghiên cứu ban hành chính sách thúc đẩy tinh thần quốc gia khởi nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh. Giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp. Tăng cường vai trò nhà nước kiến tạo, định hướng phát triển. Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực. Tiếp tục rà soát đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, loại bỏ điều kiện kinh doanh, “giấy phép con” không còn phù hợp, gây cản trở hoạt động doanh nghiệp.
Nghiên cứu ban hành chính sách phát triển thương hiệu, nâng cao khả năng tiếp cận thị trường trong và ngoài nước cho doanh nghiệp.
Thiếp lập cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng với các đầu mối của cộng đồng doanh nghiệp như VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp. Đồng thời xác định cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn và giải đáp các thắc mắc gặp phải trong quá trình sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp.
Xin cảm ơn ông!