3 yếu tố “níu chân” cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước năm 2024
Xuất phát từ thực tế, chúng ta thấy có ba yếu tố sẽ tác động và tiếp tục làm chậm quá trình cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước trong năm tới.
Xuất phát từ thực tế, chúng ta thấy có ba yếu tố sẽ tác động và tiếp tục làm chậm quá trình cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước trong năm tới.
Thứ nhất, yếu tố nội tại doanh nghiệp là các phương án quản lý, sử dụng nhà đất, sắp xếp cơ sở nhà đất. Yếu tố này sẽ không chỉ phụ thuộc vào khả năng đốc thúc quản lý của cơ quan quản lý trực tiếp tại doanh nghiệp, còn do chính những người đứng đầu với việc tiến hành bám sát chủ trương, kế hoạch, hay ngần ngại lo sợ chịu trách nhiệm. Đặc biệt liên quan đến đất đai, tâm lý lo ngại chịu trách nhiệm rất lớn. Ngoài ra là sự phê duyệt của các cấp liên quan đến doanh nghiệp.
Thứ hai, yếu tố khách quan là việc định giá doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng do giá trị bất động sản quản lý, sử dụng, sắp xếp lại sẽ giảm – liên quan đến tác động suy thoái của thị trường.
Hiện nay, chúng ta biết là thị trường bất động sản vẫn đang khó khăn ở nhiều phân khúc. Tình hình này được dự báo vẫn sẽ tiếp tục diễn ra, ít nhất cho đến nửa 2 quý đầu 2024. Ngay cả “đất vàng” khi giảm sức hút địa tô chênh lệch, dù có xuống giá, cũng không hấp dẫn với nhiều “ông lớn” vốn đã hết khả năng nguồn lực để thâu tóm, mở rộng quỹ đất như trước đây. Do đó, các doanh nghiệp kể cả những ông lớn trước đây được kỳ vọng về cổ phần hóa, cũng khó có thể dựa vào “đất vàng” để thu hút đối tác chiến lược.
Cũng liên quan đến vấn đề định giá doanh nghiệp, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khi trả lời đại biểu Quốc hội, tiến độ triển khai cổ phần hoá, thoái vốn chậm là do doanh nghiệp cổ phần hoá, thoái vốn có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, đa ngành, đa lĩnh vực, nhiều tài sản chuyên ngành, khó xác định giá trị nên việc xử lý tài chính tài sản, nợ, xác định giá trị doanh nghiệp, giá trị phần vốn nhà nước và công tác chuẩn bị hồ sơ, phương án cần nhiều thời gian.
Bộ Tài chính cũng cho rằng về nguyên nhân chủ quan, thì có thể đánh giá, nhận thức và tổ chức thực hiện của một số cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đứng đầu doanh nghiệp còn chưa cao, chưa quyết liệt trong tổ chức triển khai, thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nên còn tư tưởng né tránh.
Thứ ba, những rủi ro pháp lý lớn trong bối cảnh đã xuất hiện những trường sai sót nội bộ phía bên bán và bên mua phải hủy giao dịch, trong khi không có cơ chế bảo vệ nhà đầu tư đầu tư vào doanh nghiệp Nhà nước. Đơn cử như vụ Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso, nhà đầu tư chiến lược tại Hãng phim truyện Việt Nam-VFS) theo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ năm 2018, phải thoái vốn. Theo kết luận này, việc cổ phần hóa có nhiều sai phạm, trong đó có việc cho thuê văn phòng, thuê đất trái thẩm quyền, vi phạm quản lý tài sản, kinh doanh lỗ liên tiếp. Tuy nhiên, đến 2023, Vivaso vẫn chưa hoàn tất thoái/ rút vốn, trong khi đó cơ quan chủ quản của VFS lại cũng không tìm được cổ đông mới chiến lược, dẫn đến kết quả cổ phần hóa tại Hãng phim này vẫn chưa đi tới đâu để có thể thực hiện tái cấu trúc, xốc lại quản trị, sản xuất của Hãng một cách hiệu quả.
Theo Quyết định số 1479/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022 – 2025, sẽ duy trì 195 công ty TNHH một thành viên giai đoạn 2022 – 2025 (theo danh mục doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ giai đoạn 2022 – 2025). Đồng thời, thực hiện cổ phần hóa 19 doanh nghiệp, sắp xếp lại 5 doanh nghiệp; thực hiện thoái vốn 141 doanh nghiệp giai đoạn 2022-2025; giữ nguyên phần vốn nhà nước tại 126 doanh nghiệp.
Kế hoạch, mục tiêu rất rõ ràng, song rào cản cũng rất lớn và có cả khách quan, chủ quan. Nguyên nhân cũng đã được chỉ ra nhưng vẫn kéo dài từ năm này qua năm khác. Vì vậy, nếu không có phương án khắc phục rốt ráo, điều chỉnh rõ ràng, cụ thể, hoặc có lộ trình và quyết liệt để phù hợp bối cảnh, thì hoạt động thoái vốn, cổ phần hóa cũng có khả năng tiếp tục chững lại vào 2024.