3 bài học trên thị trường tài chính Việt năm 2023
Nhiều khoảnh khắc, câu chuyện đã diễn ra trên thị trường tài chính năm 2023. Song tựu trung, vấn đề quản trị minh bạch và xây dựng niềm tin, là những điểm chung của các sự kiện.
Bancassurance: “Hoa thơm cần đơm lại nụ”?
Phân phối sản phẩm bảo hiểm qua hệ thống ngân hàng được ví von là “mỏ vàng” phí trả trước (up front) và độc quyền cho các ngân hàng có thể lên tới cả trăm triệu USD/ hợp đồng chục năm. Nhưng đó đã là câu chuyện của các năm trước đây. “Mùa đông” của bảo hiểm và bancassurance đến sớm ngoài mong đợi, khi hàng loạt vụ khiếu nại liên quan đến việc ngân hàng ép mua bảo hiểm mới cho vay, hay bùng phát từ các sản phẩm liên kết Manulife bị kiện… dẫn đến lan rộng độ khủng hoảng niềm tin trong 2023.
Với đợt thanh tra từ Bộ Tài chính với Prudential, MB Ageas, Sun Life và BIDV Metlife, lần đầu tiên các nhà quản lý công khai tỷ lệ duy trì hợp đồng thực, cho thấy hoạt động bancassurance không “như mơ”, nhất là tỷ lệ hủy sau 1 năm hợp đồng rất cao, ví dụ Sun Life tại TPBank có tỷ lệ hủy tới 73%. Như vậy, sự “tự nguyện”, “sự hài lòng” đã và đang là vấn đề cần đặt ra một cách nghiêm túc khi triển khai bancassurance.
Ông Huỳnh Trung Minh, chuyên gia Tài chính, khẳng định với DĐDN, triển vọng bancassurance phía trước vẫn còn rất lớn. Điều đó cũng phụ thuộc vào nỗ lực của Nhà nước từ Luật Kinh doanh Bảo hiểm, Thông tư 67 đi vào thực tế; thêm vào đó, những kinh nghiệm bổ ích, thậm chí có phần “đau đớn” của các bên để tái cơ cấu lại hoạt đông, danh mục sản phẩm, tư vấn… Và chỉ có vậy, mới có kỳ vọng góp phần lấy lại niềm tin của người dân.
Trái phiếu doanh nghiệp: Từ khóa “minh bạch”
2023 được ví von là năm “phá băng” thị trường TPDN khi các đợt phát hành đã dần tăng lên, sau hàng loạt nỗ lực gỡ khó cho thị trường đặc biệt với Nghị định 08, Thông tư 02 của NHNN, và hệ thống giao dịch trái phiếu riêng lẻ bắt buộc tất cả các doanh nghiệp phát hành phải đăng ký niêm yết TPDNRL trên sàn.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào một thống kê của VIS Ratings ghi nhận các CTCK hoạt động trong lĩnh vực tư vấn trái phiếu, như TCBS, VPBANKS trung bình tăng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp lên 40-50% tổng tài sản vào cuối tháng 9 năm 2023, tăng từ mức 28-45% vào cuối tháng 12 năm 2022, để hỗ trợ các doanh nghiệp trong hệ sinh thái phát hành TPDN.
Cùng với đó, hiện tượng TVSI gắn cùng hệ sinh thái VTP và SCB, phía sau là nhiều trái chủ vẫn khổ sở vì chưa có phương hướng đòi nợ trái phiếu… Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư cũng cho biết “chẳng đặng đừng” phải chấp nhận thương thảo với gần 100 tổ chức phát hành, trong đó phần lớn là bất động sản, để giãn kỳ hạn thanh toán trái phiếu… Các vấn đề này đặt cạnh nhau lại, sẽ cho những lát cắt nhất định về vấn đề minh bạch và sự thu hút niềm tin nhà đầu tư trở lại với thị trường.
Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup nhận định: Mặc dù áp lực trả nợ trái phiếu rất lớn vào năm 2024 nhất là đối với doanh nghiệp bất động sản nhưng đó là vấn đề của giai đoạn trước kia và đang được xử lý từng bước với sự hỗ trợ của các chính sách hiện nay và kỳ vọng vào sự chủ động tái cấu trúc của doanh nghiệp. Chúng tôi dự báo rằng năm 2024 sẽ vẫn có nhiều doanh nghiệp bất động sản có thể tiếp tục lựa chọn kênh trái phiếu doanh nghiệp và phát hành thành công khi mà các giải pháp hỗ trợ hiện nay của Chính phủ được triển khai mạnh và rộng hơn nhất là đối với vấn đề pháp lý dự án. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng đã chủ động hơn minh bạch thông tin đến với thị trường và thực hiện tuân thủ các quy định hiện nay.
Chứng khoán: Pháp lý, “siêu đại gia” và quản trị vốn
Trong 20 năm tham gia chứng khoán, ông Huỳnh Minh Tuấn – Chủ tịch FIDT – cho biết, có nhiều bài học “xương máu” đối với thị trường cận biên, hay còn gọi là thị trường nhỏ. Song các nhà đầu tư cần chú ý nhất, là tác động rất lớn của chính sách và pháp lý đối với thị trường. Từ 2022 đến 2023, khi Nhà nước mạnh tay làm sạch và lành mạnh thị trường, có những thông tin và kết quả điều tra liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật của các doanh nhân có tài sản lớn, ảnh hưởng lớn trên thị trường mà nhà đầu tư hay gọi nôm na là “siêu VIP” hay các “siêu đại gia”, thì tác động có thể đổ vỡ cấu trúc thị trường.
“Từ những câu chuyện cụ thể liên quan đến các siêu đại gia như vậy, bài học ở đây là phải bám sát, chú trọng vấn đề về thông tin pháp lý liên quan đến “siêu đại gia”. Chúng ta cũng đã chứng kiến rất rõ từ tháng 3/2022, qua câu chuyện của Tân Hoàng Minh, FLC, kéo theo các chuỗi sự kiện Vạn Thịnh Phát, đã cho chúng ta thấy rõ các thông tin pháp lý và tác động tới thị trường”, ông Tuấn nói.
Đồng thời ông cho rằng từ khía cạnh bám sát thông tin chính sách lẫn các “siêu đại gia”, thì song song nhà đầu tư cần chú ý đến quản trị vốn. Tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân có thời điểm được thống kê lên tới trên 96% trên thị trường, và dư nợ ký quỹ tại các CTCK nếu tính đầy đủ phải lên tới khoảng 300.000 tỷ đồng (tháng 12/2022-1/2023) tức hơn 11 tỷ USD. Hãy hình dung với ký quỹ giá trị lớn như vậy, khi thị trường rơi vào tình trạng force sell (bán giải chấp), thì làm sao mà nhà đầu tư nào tránh khỏi bị cuốn vào “hòn tuyết lăn”? Lâu lắm trên thị trường đến 2023 chúng ta mới thấy xuất hiện trở lại cụm từ “cháy tài khoản”. Đó chính là vấn đề quản trị vốn của mỗi một nhà đầu tư”.