2 doanh nghiệp bất động sản “hái trái ngọt” từ đầu tư năng lượng tái tạo
Việt Nam được đánh giá là nước có tiềm năm phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) và nhiều doanh nghiệp bất động sản đã “hái trái ngọt” từ việc chuyển hướng sang đầu tư phát triển các dự án NLTT.
Là một trong những doanh nghiệp bất động sản lớn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều năm qua, Công ty CP Tập đoàn Sao Mai (HoSE: ASM) được biết đến với những dự án điện mặt trời như: Nhà máy điện mặt trời Sao Mai (An Giang); Nhà máy năng lượng mặt trời (Đắk Lắk); Nhà máy năng lượng mặt trời (Đắk Nông)…
Việc đầu tư vào các dự án NLTT, đã đóng góp đáng kể vào doanh thu chung của ASM. Cụ thể, trong quý I/2023, tổng doanh thu của doanh nghiệp đạt 3.050 tỷ đồng, trong đó, doanh thu từ điện năng lượng mặt trời đạt 196 tỷ đồng, tăng hơn 27% so với cùng kỳ. Trong khi đó, doanh thu từ mảng bất động sản của ASM chỉ đạt 32 tỷ đồng, giảm hơn 71% so với cùng kỳ. Doanh thu chính của ASM vẫn nằm ở xuất khẩu, thức ăn cho cá và thương mại; tuy nhiên kết quả từ các dự án NLTT đang cho những tín hiệu sáng.
Năm 2022, 2 dự án điện mặt trời tại An Giang và Long An cũng đã đem về cho ASM 599 tỷ đồng doanh thu. Cụ thể là các dự án Nhà máy Điện mặt trời Sao Mai xã An Hảo, huyện Tịnh Biên 210Mwp (441 tỷ đồng) và Dự án Nhà máy Điện mặt trời Europlast Long An tại xã Mỹ Thạnh Bắc, huyện Đức Huệ Long An 50Mwp (158 tỷ đồng).
ASM xác định điện mặt trời, điện gió là lĩnh vực chủ chốt mà doanh nghiệp tập trung nghiên cứu và đầu tư. Hiện nay, ASM đã có 2 Nhà máy điện mặt trời An Hảo 210Mwp và dự án điện mặt trời Long An 50Mwp đang khai thác, doanh nghiệp cũng đang tìm kiếm các dự án điện mới để tiếp tục khai thác hiệu quả lĩnh vực này. Trong năm 2023, ASM đặt kế hoạch doanh thu cho mảng năng lượng mặt trời ước tính là 640 tỷ đồng.
Với Công ty CP Tập đoàn Hà Đô (HoSE: HDG), một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản, đơn vị này có hàng loạt dự án lớn tập trung chủ yếu tại Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên, từ năm 2006, doanh nghiệp ngành bất động sản này cũng bắt đầu “lấn sân” sang lĩnh vực NLTT.
Đến nay, HDG đã có 2 dự án điện mặt trời và 1 dự án điện gió và 4 dự án thủy điện. Trong quý I/2023, doanh thu thuần của HDG đạt 956 tỷ đồng, tăng gần 40% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 357 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, đóng góp chính cho kết quả này là mảng năng lượng với doanh thu đạt 543 tỷ đồng, tăng 13,7% với với cùng kỳ 2022. Mảng bất động sản đem về cho HDG 312 tỷ đồng, gấp 2,4 lần cùng kỳ năm trước.
Doanh thu mảng năng lượng tăng 13,7% so với cùng kỳ nhờ sản lượng bán ra tăng 20% so với cùng kỳ nhờ đóng góp mạnh mẽ từ thủy điện và điện gió (lần lượt tăng 22% và 38% so với cùng kỳ), bù đắp cho sản lượng điện mặt trời giảm 1,7% so với cùng kỳ; Và giá bán điện trên thị trường phát điện cạnh tranh cao trong 3 tháng đầu nằm 2023 tăng 11% so với cùng kỳ.
Theo ban lãnh đạo doanh nghiệp, HDG vẫn giữ nguyên mục tiêu gấp đôi công suất vào năm 2025 (so với công suất hiện tại đạt 462MW). HDG sẽ tập trung đánh giá việc phát triển 5 dự án điện gió hiện đã được bổ sung trong Quy hoạch Điện 8 là Ea H’leo (20 MW), Phước Hữu (50 MW), Hướng Phùng (30 MW), Sóc Trăng (40 MW) và siêu dự án An Phong (300 MW).
Chứng khoán VNDirect cho biết, ngày 15/05/2023, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt Quy hoạch Điện 8 (QHĐ 8). Đáng chú ý, QHĐ 8 định hướng ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, trong đó, điện gió được đẩy mạnh phát triển. Tỷ trọng điện gió trong cơ cấu nguồn điện tăng từ 5% năm 2022 lên 18% năm 2030 và 29% năm 2050. Tổng công suất điện gió dự kiến đạt 27.880 MW vào năm 2030 và đạt 130.050 MW – 168.550 MW vào năm 2050, tức là có khoảng 23.213 MW dự kiến sẽ được phát triển trong giai đoạn 2023 – 2030.
Đối với điện khí, dự kiến điện khí sẽ là nguồn điện mũi nhọn trong giai đoạn 2021-2030 với tăng trưởng kép đạt 26%, mức cao nhất trong số các nguồn điện chính và chiếm 27% tổng công suất nguồn điện. Trong giai đoạn 2030-2050, tăng trưởng kép điện khí sẽ chậm lại đạt 4%, chiếm 15% tổng công suất. Đáng chú ý, nhằm đẩy nhanh tiến độ giảm phát thải, điện khí sẽ phải chuyển đổi một phần nhiên liệu đầu vào sang đốt kèm với hydro sau 20 năm hoạt động.
Trong khi đó, điện mặt trời sau giai đoạn phát triển ồ ạt 2020 – 2021, dự kiến tăng trưởng công suất điện mặt trời sẽ chậm lại từ nay đến 2030. Tuy nhiên, QHĐ 8 vẫn khuyến khích phát triển không giới hạn điện mặt trời với mục đích tự tiêu thụ. Theo đó, công suất điện mặt trời dự kiến tăng trưởng khiêm tốn giai đoạn 2021-2030 và tăng mạnh trở lại 15% từ 2030 trở đi, và chiếm 33% tổng công suất nguồn điện trong 2050.
Bên cạnh đó, với cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại COP26 cũng như những điều chỉnh đầy tham vọng trong QHĐ 8 mới nhất – tăng công suất nguồn NLTT, VNDirect tiếp tục kỳ vọng vào một cơ chế giá đủ thu hút nhưng mang tính cạnh tranh lành mạnh hơn, nhằm khuyến khích các nhà đầu tư có năng lực tham gia vào thị trường này.