Vài nét về huyện miền núi Thanh Sơn

(TGA) – Thanh Sơn là huyện miền núi nằm ở phía Tây Nam tỉnh Phú Thọ – nơi cội nguồn đất Tổ, có nhiều dân tộc cùng chung sống. Diện tích tự nhiên là 62.110,4 ha, dân số trên 13 vạn người. Toàn huyện có 23 đơn vị hành chính trực thuộc huyện gồm 22 xã và 1 thị trấn. Huyện có 17 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó gần 60% đồng bào dân tộc thiểu số, người Mường chiếm trên 55,9% dân số toàn huyện.

Vài nét về huyện miền núi Thanh Sơn
Bí thư Huyện uỷ Đặng Quang Huy bên mâm cỗ đồng bào dân tộc Mường xã Cự Thắng

Nơi đây vốn là vùng đất cổ, nhiều hiện vật khảo cổ bằng đá, rừu, bôn, cuốc, vòng, khuyên được phát hiện. Nằm trong Bộ Văn Lang – Trung tâm của người Việt thời kỳ dựng nước, vùng đất Thanh Sơn được người Việt khai phá và định cư rất sớm. Đặc biệt, nhiều nơi trên địa bàn huyện như Tất Thắng, Sơn Hùng, Võ Miếu, Lương Nha đã phát hiện hàng chục chiếc trống đồng có niên đại từ hơn 200 năm đến 2.500 năm, chứng tỏ sự có mặt liên tục của của các thế hệ người Việt trên đất này.

Là vùng giao tiếp với văn hoá Mường Hoà Bình, văn hoá Thái, Sơn La và Nghĩa Lộ nổi tiếng, đồng thời là một trong những chiếc cầu nối chuyển tiếp giữa hai nền văn hoá Việt – Mường nên Thanh Sơn có nhiều sắc thái văn hoá đặc trưng đan xen và giao thoa rõ rệt. Cùng với những giá trị văn hoá vật chất, giá trị văn hoá truyền thống, các loại hình văn nghệ dân gian đặc sắc của các dân tộc trong huyện tiếp tục được phục hồi như hội dân ca, hát Ru, tết Nhảy, múa Lập Tĩnh của người Dao, hát Ví, hát Giang của người Mường, các giai điệu Cồng chiêng, nghề dệt thổ cẩm, văn hoá nhà sàn… Với những cố gắng đó, Thanh Sơn đã tích cực góp phần làm nâng cao đời sống tinh thần trong nhân dân thêm phong phú, sinh động gắn bó với cội nguồn, qua đó nhằm thu hút khách du lịch đến tham quan khám phá.

Vài nét về huyện miền núi Thanh Sơn

Những năm gần đây, huyện Thanh Sơn đã có đóng góp không nhỏ vào thành tựu phát triển chung của tỉnh. Kinh tế của huyện có bước tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động có sự chuyển dịch tích cực với các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, thu hút một số nhà đầu tư lớn quan tâm nghiên cứu, đầu tư. Đặc biệt, thực hiện có hiệu quả hai khâu đột phá về “đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản gắn với đầu tư phát triển vùng sản xuất nguyên liệu và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng” đã tạo nền tảng vững chắc đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Diện mạo nông thôn, miền núi ngày càng đổi mới; các dịch vụ y tế, giáo dục có nhiều tiến bộ; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo… Đến hết năm 2021, toàn huyện có 4/23 xã và 103 khu dân cư đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 8,89%; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn 9,28%; thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 33,3 triệu đồng. Các chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với nhân dân các dân tộc trên địa bàn luôn được quan tâm.

VIETNAM POTENTIALS

Bài Viết Liên Quan

Back to top button