100 năm lịch sử của Disney: 3 bài học cho các doanh nghiệp
Walt Disney dành 100 năm mê hoặc khán giả bằng những câu chuyện thần kỳ như Frozen, Nàng Tiên Cá hay Lọ Lem. Trong cả thế kỷ, họ tạo nên nhiều bài học kinh doanh mà các chiến lược gia phải suy ngẫm.
Thống kê cho thấy tuổi đời trung bình của những công ty trong top S&P 500 chỉ là 16 năm. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng bí quyết để tạo nên thành công lâu dài là doanh nghiệp phải thận trọng, tránh những sai lầm lớn.
Thế nhưng Disney lại không đi theo khuôn khổ ấy. Năm nay họ kỷ niệm tròn 100 tuổi, và cũng là công ty nổi tiếng với việc chưa bao giờ ngần ngại đặt cược vào các quyết định có thể đưa công ty lên tầm cao mới.
Bài học #1: Thử nghiệm và sai lầm đôi khi còn hiệu quả hơn các kế hoạch lâu dài
Fantasia là một cuộc cách mạng trong lĩnh vực hoạt hình và điện ảnh, dù cho cuộc cách mạng này khởi đầu bằng một cuộc thất bại.
Ra mắt năm 1940, Fantasia là một bộ phim hoạt hình lồng ghép âm nhạc hàn lâm, với nhiều bản giao hưởng nổi tiếng của Beethoven, Bach hay Tchaikovsky. Bộ phim nhận được sự hoan nghênh của giới phê bình. Thế nhưng chi phí sản xuất cao, lượng phân phối hạn chế ở châu Âu và chương trình roadshow đắt đỏ đã khiến Walt Disney gần như phá sản. Mặc dù vậy, Disney không từ bỏ. Họ chỉnh sửa và cho phát hành Fantasia lại nhiều lần. Sự kiên trì ấy cuối cùng cũng được đền đáp, khi Fantasia đã trở thành bộ phim có doanh thu cao thứ 23 mọi thời đại (đã điều chỉnh theo lạm phát).
Với Disney, dường như họ luôn sẵn sàng đặt cược. Có những vụ khiến họ mất trắng. Có những vụ nhanh chóng thành công, chẳng hạn việc mua lại Marvel Studios. Hoặc có những vụ cũng thành công, nhưng lâu hơn rất nhiều, chẳng hạn Fantasia.
Nhìn nhận thực tế: Thử nghiệm và sai lầm là cơ chế cơ bản của sự tiến hóa. Cơ chế này có thể không khoa trương bằng một kế hoạch dài hơi, nhưng về lâu về dài chắc chắn hiệu quả sẽ thể hiện rõ hơn.
Bài học #2: Đừng để yếu tố tài chính lấn át
Disney mất đi cảm hứng sáng tạo khi thời đại 20 năm của Michael Eisner kết thúc. Các quyết định đều mang nặng yếu tố về tài chính. Thế nhưng cả Lilo and Stitch năm 2003, hoặc Dinosaur năm 2000 đều không phải là những tác phẩm thành công về mặt thương mại.
Mọi chuyện có vẻ được cải thiện kể từ khi Bob Iger nắm quyền. Một trong những thương vụ mấu chốt nhất là mua lại Pixar. Điểm đáng lưu ý là Disney cho Pixar quyền độc lập đáng kể. Ngược lại, những nhà lãnh đạo của Pixar cũng lan tỏa được văn hóa lấy đạo diễn làm trọng tâm (director-driven culture) cho bộ máy Disney. Nhiều người từng nói rằng nếu không có sự thay đổi này, thì Frozen sẽ chẳng bao giờ xuất hiện.
Nhìn nhận thực tế: Nhiều công ty lo ngại việc phát triển và kinh doanh không đáp ứng được những kỳ vọng, những mục tiêu về tiền bạc, từ đó để cho yếu tố tài chính đóng vai trò quá lớn, vượt mức cần thiết. Đó là lỗi rất thường gặp.
Bài học #3: Suy nghĩ cẩn trọng khi tận dụng nguồn lực
Disney là bậc thầy trong việc xây dựng chiến lược nhượng quyền thương mại. Chẳng hạn khi vừa ra mắt Bạch Tuyết và bảy chú lùn, bộ phim hoạt hình dài đầu tiên trên thế giới, Disney đã cho bán các sản phẩm về nhân vật Bạch Tuyết ở các cửa hàng Sears và Woolworth ngay trong ngày ra mắt.
Hiểu được tầm quan trọng của việc nhượng quyền, Disney đã nhanh chóng tham gia vào việc sáng tạo và tiếp thị các sản phẩm ăn theo này. Họ suy nghĩ cẩn thận về việc cho những nhân vật nào được nhượng quyền thương mại, nhân vật nào không.
Disney cũng đẩy mạnh chiến lược về các chuỗi phim thông qua các thương vụ mua lại lớn, chẳng hạn Pixar, Marvel hoặc Lucas Film. Lúc mua, các chuyên gia nhận định rằng Disney đã mua lại với giá quá cao và không nắm bắt được những tiềm năng lâu dài mà chúng mang lại.
Thế nhưng trong những năm gần đây, chiến lược này của Disney đã chứng minh được sức mạnh. Hầu hết các bộ phim ăn khách ở rạp đều là bản làm lại, hoặc là một phần của loạt phim hiện có. Quan trọng hơn cả, kho nội dung đồ sộ này đã giúp Disney +, dù là kẻ đến sau, vẫn có thể vươn lên dẫn đầu trong mảng streaming đầy cạnh tranh.
Lời kết
Disney đã tạo được vị thế độc tôn trong ngành công nghiệp điện ảnh. Tuy nhiên, không phải cứ học theo Disney, thực hiện những chiến lược táo bạo là sẽ thành công. Thay vào đó, các doanh nghiệp còn cần phải suy nghĩ cẩn thận về việc sử dụng các nguồn lực, hoặc về mức độ táo bạo trong các chiến lược của mình. Suy cho cùng, cuộc đời và kinh doanh không giống những câu chuyện thần tiên mà Disney vẽ ra, không có gì bảo đảm cho doanh nghiệp có một kết thúc viên mãn mãi mãi.