Xuất khẩu bưởi Diễn: Cơ hội trong tầm tay?

Nhờ đẩy mạnh sản xuất bưởi theo hướng hữu cơ, VietGAP, nhiều diện tích trồng bưởi Diễn đang nâng cao chất lượng hướng tới xuất khẩu chính ngạch.

Ghi điểm bằng chất lượng

Hai Thứ trưởng Nông nghiệp Mỹ Alexis Taylor và Jenny Moffitt vừa kết thúc chuyến thăm tại Việt Nam. Một trong những hoạt động trong chuyến thăm là hai Thứ trưởng đã tới một vườn trồng bưởi tại huyện Hoài Đức, ngoại thành Hà Nội và nếm thử thứ quả đặc sản nổi tiếng của miền Bắc.

Ông Nguyễn Như Hảo – Chủ tịch Hội sản xuất và kinh doanh bưởi Cát Quế cho biết: bưởi Diễn là trái cây đặc sản của Hà Nội và là một trong những cây trồng chủ lực của thành phố. Trong điều kiện chăm sóc tốt, cây bưởi có thể cho quả tới 40 năm. Tại xã Cát Quế có những cây bưởi lên đến 80 – 100 tuổi; nhiều diện tích có cây bưởi trên 20 năm tuổi, đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao và được xuất khẩu tiểu ngạch.

Xuất khẩu bưởi Diễn: Cơ hội trong tầm tay?

Hai Thứ trưởng Nông nghiệp Mỹ Alexis Taylor và Jenny Moffitt thăm vườn bưởi Diễn chất lượng cao tại huyện Hoài Đức, Hà Nội

Nhiều gia đình đã chuyển hướng trồng bưởi theo hướng hữu cơ, dùng các chế phẩm từ phụ thải nông nghiệp để chăm bón. Mong muốn của bà con là trái bưởi Diễn được xuất khẩu chính ngạch, có mặt tại các thị trường lớn để gia tăng giá trị, tăng thu nhập. Để làm được điều này, Chủ tịch Hội sản xuất và kinh doanh bưởi Cát Quế chia sẻ được tiếp cận thông tin các yêu cầu về xuất khẩu, phía bạn hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật để nâng cao năng suất bưởi, phục vụ xuất khẩu.

Dành những lời khen để đánh giá chất lượng trái bưởi Diễn khi thưởng thức đặc sản này ngay tại vườn, Thứ trưởng Nông nghiệp Mỹ cho biết sẵn sàng hỗ trợ và tin rằng người tiêu dùng Mỹ sẽ thích trái bưởi Việt Nam. Hiện đã có những trái bưởi của miền Nam xuất sang Mỹ và hy vọng bưởi của miền Bắc cũng sẽ bước vào thị trường Mỹ.

Cũng giống như bưởi da xanh của Bến Tre đã được xuất khẩu sang Mỹ, bưởi Diễn có nhiều lợi thế xuất khẩu chính ngạch. Loại bưởi này có thể bảo quản từ 3-4 tháng mà không ảnh hưởng đến hương vị chất lượng, thích hợp để vận chuyển bằng đường biển góp phần giảm chi phí logistic, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Đặc biệt, bưởi Diễn chất lượng cao càng để lâu càng ngọt thanh mát và mọng nước, không he đắng, khác hẳn với vị của bưởi da xanh, mang lại thêm lựa chọn cho người tiêu dùng các nước.

Còn nhiều việc phải làm để hướng đến xuất khẩu

Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa, nhiều vùng trồng  bưởi Diễn đã chuyển đổi sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ để tăng năng suất, chất lượng gắn với xây dựng thương hiệu. Với tư duy sản xuất mới, từ chỗ bưởi Diễn được trồng canh tác nhỏ lẻ trong dân, đến nay Hà Nội đã hình thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, trong đó nhiều sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao, dán tem truy xuất nguồn gốc, góp phần đảm bảo đầu ra và giá bán ổn định cho trái cây đặc sản.

Với sản lượng hiện có, bưởi Diễn tại Hà Nội đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Những năm gần đây, một số vùng trồng đã tìm hiểu, kết nối để xuất khẩu đến các thị trường thế giới. Tuy nhiên, việc xuất khẩu thiên về tiểu ngạch. Xuất khẩu chính ngạch trái cây nói chung tại Hà Nội mới thực hiện với nhãn chín muộn, chuối… trong khi bưởi Diễn có nhiều thế mạnh lại đang tìm đường.

Xuất khẩu bưởi Diễn: Cơ hội trong tầm tay?

Những vườn bưởi Diễn của Hà Nội hiện mới chủ yếu cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng trong nước

Một trong những nguyên nhân là việc sản xuất bưởi Hà Nội chưa liên kết được với các doanh nghiệp, các hoạt động xúc tiến thương mại với trái bưởi Diễn còn hạn chế, chưa nhiều mô hình sản xuất bưởi theo chuỗi khép kín, thiếu chế biến sâu cũng như thông tin thị trường….

Việc xuất khẩu trái cây tươi sang các thị trường lớn đòi hỏi nhiều yêu cầu, cần các vùng trồng và doanh nghiệp nỗ lực trong nhiều năm. Tại thị trường Mỹ, theo Thứ trưởng Nông nghiệp, trước khi mở cửa cho loại quả nào, Mỹ và Việt Nam phải đảm bảo loại quả đó không mang theo loại sâu bệnh mới.

Tập trung cho chất lượng cũng là chia sẻ của Phó Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam Nguyễn Đình Tùng. Để xuất khẩu vào các thị trường EU, Mỹ sản phẩm trái cây cần đáp ứng tiêu chuẩn về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, kiểm soát chặt chẽ và loại bỏ việc sử dụng các hoạt chất, thuốc bảo vệ thực vật bị cấm; ưu tiên đầu tư vào công nghệ bảo quản, công nghệ chế biến rau quả để thúc đẩy xuất khẩu đến nhiều thị trường hơn

Còn theo đại diện các doanh nghiệp xuất khẩu, để đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu, từ khâu sản xuất, bảo quản, thị trường, thanh toán… cần thực hành theo hướng minh bạch, rõ ràng. Do đó, các nhà trồng và doanh nghiệp cần có chiến lược xây dựng thương hiệu địa phương,  thương hiệu sản phẩm. Khi đã có thương hiệu, cơ hội xuất khẩu nhiều, giá bán ổn định và lợi nhuận bền vững.

Nguồn: diendandoanhnghiep.vn

Bài Viết Liên Quan

Back to top button