Xử lý nghiêm dự án treo, đưa nguồn lực đất đai vào phát triển kinh tế – xã hội
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang đề xuất xây dựng “Đề án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải phóng nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế – xã hội” trình Chính phủ phê duyệt.
Mới đây, cử tri tỉnh Thái Bình phản ánh thực trạng các dự án “treo” khiến cho nhiều diện tích đất bị bỏ hoang nhiều năm, gây lãng phí đất đai, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Cử tri đề nghị Bộ TN&MT tăng cường giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về quy hoạch sử dụng đất đai nhằm giải quyết căn cơ tình trạng này.
Trả lời vấn đề này, Bộ TN&MT cho biết, trong thời gian qua, Bộ đã tích cực nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để xử lý tình trạng dự án treo. Một trong các giải pháp quan trọng mà Bộ thực hiện là chủ động đề xuất xây dựng những quy định mang tính quy phạm để trình cấp có thẩm quyền ban hành nhằm xử lý triệt để vấn đề quy hoạch treo, bảo đảm tính khả thi của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và quyền lợi của người sử dụng đất có đất thu hồi, cụ thể: Tại khoản 2 và khoản 3 Điều 49 Luật Đất đai 2013 đã quy định việc thực hiện hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Theo đó, khoản 2 Điều 49 Luật Đất đai 2013 quy định: “Trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng và được thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Trường hợp đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất trong khu vực phải chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất theo kế hoạch được tiếp tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất nhưng không được xây dựng mới nhà ở, công trình, trồng cây lâu năm; nếu người sử dụng đất có nhu cầu cải tạo, sửa chữa nhà ở, công trình hiện có thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật”.
Khoản 3 Điều 49 Luật Đất đai 2013 quy định: “Diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được công bố phải thu hồi để thực hiện dự án hoặc phải chuyển mục đích sử dụng đất mà sau 03 năm chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất phải điều chỉnh, hủy bỏ và phải công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ việc thu hồi hoặc chuyển mục đích đối với phần diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất.
Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất không điều chỉnh, hủy bỏ hoặc có điều chỉnh, hủy bỏ nhưng không công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ thì người sử dụng đất không bị hạn chế về quyền theo quy định tại khoản 2 Điều này.”
Bên cạnh đó, tại điểm h và điểm i khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai năm 2013 đã quy định về các trường hợp thu hồi đất: “h) Đất trồng cây hàng năm không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục; đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn 18 tháng liên tục; đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn 24 tháng liên tục; i) Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng.”
Hiện nay Bộ TN&MT đang đề xuất xây dựng “Đề án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải phóng nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế – xã hội” trình Chính phủ phê duyệt nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh việc đưa vào khai thác, sử dụng đối với diện tích đất của các dự án không triển khai, chậm đưa đất vào sử dụng, để hoang hóa, lãng phí; quỹ đất của các nông, lâm trường không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả; quỹ đất chưa sử dụng; đất đã giao, cho thuê có vướng mắc sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán… trên phạm vi cả nước nhằm phát huy hiệu quả, giải phóng nguồn lực đất đai cho cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Trên thực tế, câu chuyện giải quyết dự án treo dù nói nhiều nhưng vẫn nóng. Dự án treo không chỉ ở một hay hai địa phương mà tồn tại nhiều năm qua tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước, đáng lưu ý phải kể đến TP. Hà Nội với 383 dự án; TP. HCM 126 dự án; tỉnh Hòa Bình 105 dự án; tỉnh Thái Nguyên 22 dự án…
Các địa phương dù quyết tâm ra tay nhưng thực tế việc xử lý dự án treo vẫn “dậm chân tại chỗ”. Đơn cử như tại Hà Nội, gần 3 năm thực hiện kiến nghị giám sát của HĐND thành phố nhưng kết quả xử lý dự án treo đạt rất thấp. Báo cáo của HĐND TP Hà Nội cũng cho thấy còn tình trạng tồn tại những dự án quy hoạch có tuổi đời từ 10 đến 20 năm vẫn nằm “đắp chiếu”.
Ông Đào Trung Chính, Tổng Cục phó Tổng cục Đất đai (Bộ TN&MT) phân tích, Luật Đất đai năm 2003 quy định, việc xử lý đối với trường hợp đất đã được nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được đưa vào sử dụng trong 12 tháng liền, hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án bị nhà nước thực hiện thu hồi đất. Trong đó, người có đất bị thu hồi do vi phạm sẽ không được trả lại tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã nộp và thanh toán trị giá đã đầu tư vào đất còn lại, tài sản gắn liền với đất.
“Quy định là vậy nhưng thực hiện rất khó bởi doanh nghiệp tìm đủ mọi cách xin gia hạn để không bị thu hồi. Hơn nữa, việc thu hồi cũng không được các cơ quan chức năng thực hiện quyết liệt, kiên quyết”, vị này nói.
Tham dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành tài nguyên và môi trường mới đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, hiện nay số lượng dự án tồn đọng cần xử lý ở các địa phương rất lớn. Các dự án treo, dự án sử dụng đất sai mục đích còn nhiều, trong đó nhiều dự án chiếm vị trí đất lợi thế, đắc địa nhưng hiện nay chưa tháo gỡ được.
“Năm 2022, Bộ TN&MT cần rà soát kỹ, phân nhóm dự án, dự án vi phạm pháp luật thì xử lý nghiêm minh đúng quy định, tránh tình trạng vụ việc kéo dài, khắc phục không được, khiến hàng ngàn ha đất ở các khu đô thị để chờ hàng chục năm, lãng phí rất lớn. Tôi cho rằng đây là nhiệm vụ mà ngành tài nguyên và môi trường cần tham mưu xử lý để sớm đưa nguồn lực lớn này vào phục vụ phát triển”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành quán triệt.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn