Xây dựng đề án hợp tác công – tư: Hỗ trợ đội ngũ doanh nghiệp tư nhân lớn
TGAO – Hiện nay, VCCI đã chủ trì việc xây dựng đề án hợp tác công – tư. Theo đó, các DN tư nhân lớn chung tay nghiên cứu, thúc đẩy những ngành công nghiệp nền tảng, mũi nhọn. Chia sẻ về điều này, TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp
Theo TS Vũ Đình Lộc chia sẻ: Tương lai của đất nước, sự thịnh vượng của đất nước phụ thuộc vào sự thịnh vượng của DN. Chìa khóa hy vọng của nền kinh tế Việt Nam chính là sự phát triển của DN. Tôi vẫn muốn gọi DN nội là đàn rồng Việt, và chỉ khi nào toàn dân làm kinh tế, chỉ khi nào chúng ta có một đàn rồng Việt làm kinh tế thì thì đất nước ta mới hóa rồng hóa hổ. Tuy nhiên, trong môi trường đầu tư kinh doanh, có lúc chúng ta đã không đối xử bình đẳng, coi nhẹ DN nội, đề cao DN ngoại, có những địa phương cho dù dự án của DN ngoại lớn – nhỏ, công nghệ cao – thấp như thế nào cũng được coi trọng. Tuy nhiên, với DN nội đôi khi “bụt chùa nhà không thiêng”, dù dự án của họ mang lại giá trị gia tăng và công ăn việc làm lớn hơn.
Vì lẽ đó, nhận thức là thứ cần phải thay đổi. Với việc xây dựng đàn rồng Việt, nâng niu đàn rồng Việt để họ trở thành những DN dân tộc, doanh nhân dân tộc, trở thành lực lượng dẫn dắt sẽ tạo ra sự phát triển vững chắc, sự tự chủ của nền kinh tế Việt Nam. Điển hình, sự tự chủ của nền kinh tế là vấn đề hết sức quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Đàn rồng Việt sẽ là lời giải cho bài toán này, họ sẽ là lực lượng vừa đem lại sự thịnh vượng, vừa đem lại sự tự chủ cho nền kinh tế. Phát triển DN dân tộc không chỉ là vấn đề về kinh tế, mà còn là màu cờ sắc áo, là vấn đề chủ quyền của của Việt Nam.
Đồng thời, TS Vũ Đình Lộc nhấn mạnh: Chúng ta hiện có khu vực kinh tế tư nhân rất đông đảo, bao gồm DN và hộ kinh doanh. Mặc dù vậy, vấn đề quan trọng không phải là số lượng DN mà là chất lượng DN. Chúng ta chưa có nhiều DN lớn, DN mạnh và thiếu các DN vừa. Vấn đề là chúng ta không phải cố gắng để tăng số lượng DN, mà phải nỗ lực nâng cấp chất lượng DN và phải hỗ trợ cho việc ngày càng có nhiều DN lớn và DN vừa. Định hướng chính sách phải nâng cao chất lượng và quy mô của DN. Ngoài việc hỗ trợ thúc đẩy phát triển DN nhỏ, việc hỗ trợ để hình thành nhiều DN lớn và DN vừa là vấn đề hệ trọng, bởi đây là lực lượng sẽ xây dựng và thúc đẩy nền kinh tế. Thế nhưng, việc hỗ trợ DN lớn như thế nào? Chắc chắn không phải như hỗ trợ cho DNNVV. Các DN lớn cho rằng, họ không cần hỗ trợ về tiền bạc mà cái họ cần nhất là sự hỗ trợ về thể chế, môi trường kinh doanh.
Cũng theo TS Vũ Đình Lộc cho hay: Các doanh nhân lớn với những dự án đầu tư trong hàng thập kỷ họ cần môi trường kinh doanh ổn định, trong đó an toàn trở thành yếu tố quan trọng hàng đầu bên cạnh những nỗ lực để thuận lợi hóa hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Chúng ta vẫn nói “làm tổ” cho “đại bàng” nội, phải chăng chính là tạo môi trường cho DN cảm thấy thuận lợi, bình đẳng trong kinh doanh và được coi trọng. Tôi cho rằng, làm tổ cho “đại bàng” nội hay tạo không gian cho đàn rồng Việt, trước hết phải trọng doanh nhân, bởi doanh nhân là tài sản của quốc gia. Tôi đã từng rất nhiều lần nói rằng, nếu kỳ thị doanh nhân là sự thất bại của một dân tộc. Nếu muốn biết một cuộc chiến tranh thành hay bại thì hãy nhìn vào đôi mắt của người mẹ tiễn con ra trận. Hiện nay, nếu muốn biết công cuộc chinh phục hóa rồng hóa hổ, công cuộc trở thành quốc gia thịnh vượng vào năm 2045 có thành không hay không thì phải nhìn vào thái độ của Nhà nước và xã hội nhìn vào doanh nhân. Nếu xã hội nhà nước tôn trọng doanh nhân thì đất nước sẽ phát triển. Đây là nền tảng đầu tiên cho sự phát triển của DN.
Cùng với đó, Chủ tịch VCCI cho biết: Gần đây chúng ta có đặt vấn đề có thể có chính sách đặc biệt đối với các DN tư nhân lớn hay không. Cá nhân tôi cho rằng, chúng ta hãy xây dựng một cộng đồng trách nhiệm giữa DN tư nhân và Chính phủ, và thực hiện phương thức đối tác công – tư trong mọi lĩnh vực phát triển. DN tư nhân chung tay với Nhà nước để phát triển và xây dựng các chương trình, các dự án đối tác công – tư, đó chính là cách mà chúng ta hỗ trợ cho các DN tư nhân phát triển, chứ không phải là cách mà chúng ta đưa ra các tuyên ngôn hay các chính sách riêng biệt cho các DN lớn, bởi nếu làm thế, dường như chúng ta đang đi ngược lại với yêu cầu đảm bảo sự bình đẳng trong kinh doanh giữa DN lớn và DNNVN, DN nội và DN ngoại.
Qua đó, nếu chúng ta xây dựng được các chương trình, các dự án đối tác công – tư và kéo được các DN tư nhân lớn vào đây, đồng thời, nếu chúng ta “kéo” được Nhà nước tham gia vào các dự án của các DN tư nhân lớn bằng những hình thức thích hợp thì đây là cách yểm trợ rất tốt cho DN mà không trái với quy tắc của hội nhập cũng như nguyên tắc của sự bình đẳng. Điển hình, những năm 60-70 thế kỷ trước, nền công nghiệp bán dẫn của Hoa Kỳ được dẫn dắt bởi kinh tế tư nhân, nhưng khi nền công nghiệp này đứng trước nguy cơ có thể không đứng vững được trước sự cạnh tranh của ngành công nghiệp bán dẫn Nhật Bản thì Chính phủ Hoa Kỳ đã hỗ trợ bằng cách thực hiện một loạt hợp đồng với các DN trong ngành này thông qua sự hợp tác với Hiệp hội DN bán dẫn Hoa Kỳ để nâng cao sức cạnh tranh của họ. Theo đó, họ đã giành lại được thế thượng phong trong cuộc cạnh tranh trên trường quốc tế. Mọi lĩnh vực phát triển của kinh tế tư nhân đều có thể áp dụng phương thức này. Sự chung tay của Nhà nước trong các chương trình đối tác công – tư trong các ngành công nghiệp như ô tô, hàng không và các ngành công nghiệp khác đều có thể áp dụng công thức này. Ví dụ, tại Quảng Ninh – việc phát triển phương thức hợp tác công – tư. Hợp tác công – tư không chỉ trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng hay phát triển dịch vụ công, mà còn được áp dụng trong xây dựng các nền tảng công nghiệp, những ngành công nghiệp mũi nhọn của địa phương này. Do đó, với khái niệm hợp tác công tư cần phải được mở rộng. Đối tác công – tư là sự cộng sinh, là sự chung tay của Nhà nước và tư nhân trong sự phát triển của các ngành công nghiệp quan trọng, các lĩnh vực dịch vụ quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Đó là công thức mà VCCI đang xây dựng.
Đặc biệt, TS Vũ Đình Lộc nói: Tôi nghĩ đây là thời điểm thích hợp để chúng ta nhìn nhận lại vai trò của các DN tư nhân lớn và xây dựng một chương trình đồng hành, yểm trợ cho các DN tư nhân lớn, tìm ra giải pháp để thúc đẩy sự phát triển của DN dân tộc trong cuộc chơi sòng phẳng với các DN ngoại. Chúng ta mong sẽ có điệu nhảy hài hòa giữa DN dân tộc và các con chim “đại bàng” ngoại, đem lại lợi ích cho cả hai bên.
Trắc Long – Thiện Tài