Xây dựng cơ chế chính sách tránh rủi ro cho thị trường xăng dầu
Thế giới đã sử dụng phổ biến công cụ bảo hiểm giá đối với mặt hàng xăng dầu để phòng tránh rủi ro biến động giá, Việt Nam cũng nên có cơ chế chính sách để áp dụng biện pháp này một cách hiệu quả.
Hẹp vốn cho doanh nghiệp nhập khẩu
Đánh giá đúng thị trường xăng dầu của Việt Nam hiện nay thì nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu và xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhìn lại quá trình từ khi đại dịch Covid-19 sẽ thấy, diễn biến trên thị trường xăng dầu thế giới hết sức phức tạp, một hiện tượng hy hữu từ trước đến nay là giá xăng dầu không bao giờ âm, nhưng tại thời điểm tháng 4/2020 giá xăng dầu giao sau đã âm tới 36 USD/thùng.
Sau đó, xung đột Nga – Ukraine và bất đồng địa chính trị giữa các nước trong khu vực cũng như trên thế giới đã làm cho giá xăng dầu tăng lên bất thường với tốc độ cao. Nếu so sánh giá xăng dầu thành phẩm của 10 tháng năm 2022 với cùng kỳ năm 2021 đã tăng lên từ 57 – 85%, đây là mức tăng kỷ lục so với thời kỳ khủng hoảng năng lượng năm 1973.
Trong bối cảnh như vậy, tất cả hoạt động kinh doanh xăng dầu đều tạm ngừng hoặc hạn chế việc nhập. Ngoại trừ những tập đoàn lớn như Petrolimex vì thực hiện nhiệm vụ chính trị nên phải nhập khẩu một cách đầy đủ, còn nhiều doanh nghiệp khác thì cầm chừng, thậm chí có những doanh nghiệp tạm ngừng.
Bên cạnh đó, còn những nguyên nhân như chi phí vận chuyển tăng cao và còn có những doanh nghiệp thống lĩnh thị trường, dẫn đến thị trường chưa có sự cạnh tranh thực sự, buộc nhà nước phải quy định giá. Trong đó, nhà nước quy định giá cơ sở, thực chất là giá trần để các doanh nghiệp không được phép bán vượt qua. Khi đó buộc cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu có phải do Nhà nước xác định cụ thể, có một yếu tố hết sức quan trọng đó là Premium, là yếu tố giá được xác định trong hợp đồng xuất, nhập khẩu, là phần lợi nhuận người mua phải trả cho người bán.
Giá này thay đổi theo thời gian 6 tháng một lần, nhưng giá Premium thế giới đã tăng lên rất cao, có thời điểm lên 8-11 USD/thùng, trong khi chi phí quy định trong giá cơ cấu Premium chỉ từ 4-6 USD, đồng thời chi phí định mức kinh doanh không sát với thực tế khiến doanh nghiệp càng kinh doanh càng lỗ.
Thêm một vấn đề đáng chú ý dẫn đến tình trạng này là lạm phát đang trở thành cơn bão của quốc tế đẩy tỷ giá đồng USD tăng mạnh. Khi nhập khẩu xăng dầu mà tỷ giá biến động mạnh cũng ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp với phần lớn nguồn vốn là đi vay từ các ngân hàng. Tuy nhiên, ngân hàng cũng là đơn vị doanh nghiệp, rất khó để cho một bên làm ăn thua lỗ vay nên nguồn cấp tín dụng và ngoại tệ bị hạn chế đi nhiều.
Trước thực trạng này, tại Nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã trực tiếp đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cố gắng đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu về vốn, ngoại tệ cho các doanh nghiệp nhập khẩu. Thống đốc NHNN cũng nhận thấy vấn đề và đã có các văn bản, chỉ thị, khuyến cáo đối với các ngân hàng thương mại, nhưng đó chỉ là khuyến cáo để tăng cường, nâng cao, chứ không thể bắt buộc các ngân hàng thương mại thực hiện.
Từ tất cả những yếu tố trên, đã làm cho hoạt động kinh doanh xăng dầu đầu mối, thương nhân phân phối đến bán lẻ không đảm bảo được hiệu quả kinh doanh của mình. Thông thường tiêu dùng xăng dầu một năm của Việt Nam khoảng 20,5 triệu tấn xăng và dầu và tốc độ bình quân hằng năm tăng từ 8 – 9%. Khi cung không đáp ứng được cầu thì sẽ dẫn đến hiện tượng như thời bao cấp phải bán phân phối, nhỏ giọt.
Sửa đổi Nghị định phù hợp
Vừa qua, Bộ Tài Chính cũng đã thống nhất tăng chi phí định mức cho nhập khẩu xăng dầu từ 11/11, với mức tăng thấp nhất 5% và mức tăng cao nhất là 86% tùy chủng loại hàng hóa.
Qua đây chúng ta thấy rằng, do chi phí định mức không hợp lý, quá thấp so với thực tế dẫn đến hoạt động kinh doanh xăng dầu của các đơn vị bị lỗ, cho nên sự điều chỉnh này là cần thiết và hợp lý. Mọi người đều hy vọng việc điều chỉnh mới sẽ tương đối sát với thực tế, làm giảm bớt gánh nặng thua lỗ cho các doanh nghiệp, khi đó nguồn cung ứng sẽ tốt lên, đáp ứng nhu cầu về xăng dầu trong hiện tại cũng như tương lai.
Về các mặt chính sách khác hiện nay, kinh doanh xăng dầu đang triển khai bằng nghị định 95 bổ sung cho Nghị định 83, trong đó có một số cơ quan tham gia quản lý như giao Bộ Công Thương chủ trì, nhưng phối hợp với các Bộ ngành khác. Riêng Bộ Công Thương sẽ chịu trách nhiệm chính, còn Bộ Tài Chính chịu trách nhiệm các vấn đề về thuế, phí, lợi nhuận định mức; hay Bộ Khoa học Công nghệ chịu trách nhiệm về chất lượng đo lường, Bộ Công An chịu trách nhiệm về phòng chống cháy nổ, đồng thời Bộ Tài nguyên & Môi trường chịu trách nhiệm về môi trường đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu…
Nhưng thời gian qua, từng bộ phận trong hệ thống quản lý xăng dầu có những vấn đề chưa đồng nhất và giữa chủ trì với chịu trách nhiệm chính cũng hoàn toàn khác nhau. Do vậy, Bộ trưởng Bộ Tài Chính có kiến nghị giao cho Bộ Công Thương chịu trách nhiệm chính, thì sẽ phải thay đổi Nghị định 95, đồng nghĩa với việc Bộ này có toàn quyền quyết định đối với lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.
Theo quan điểm cá nhân tôi, mỗi cơ quan bộ ngành có một chức năng riêng, ngay cả khi Bộ Công Thương chịu trách nhiệm chính, thì các cơ quan khác vẫn tham gia, nhưng quyết định cuối cùng là do Bộ Công Thương thực hiện. Chính vì vậy, kiến nghị của Bộ Tài Chính khả thi, không sai về mặt nguyên tắc nhưng phải có sự phân cấp rõ ràng giữa các bộ ngành.
Nghiên cứu bảo hiểm giá xăng dầu
Ngoài ra có ý kiến cho rằng, nên giảm bớt các đầu mối kinh doanh xăng dầu để bớt các khâu trung gian quá lớn giúp giảm chi phí, nhưng quan điểm đó chỉ là phiến diện một chiều. Trên thị trường hiện nay có 38 đơn vị kinh doanh đầu mối xăng dầu, trong đó có bốn đơn vị cho nhiên liệu hàng không còn 34 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phục vụ cho sản xuất tiêu dùng. Không phải số lượng giảm sẽ khiến thị trường tốt lên, mà cơ chế thị trường là cơ chế cạnh tranh, càng nhiều đối tượng tham gia thì sự cạnh tranh càng cao, khi đó càng hiệu quả cho nền kinh tế.
Chúng ta chỉ giảm những đầu mối không đủ điều kiện hoạt động kinh doanh, còn những doanh nghiệp đủ điều kiện thì không thể ngăn cản họ. Điều quan trọng là cần tạo sự bình đẳng, chứ không phải vì một số yếu tố bất ổn trên thị trường mà cần phải giảm các doanh nghiệp kinh doanh đầu mối.
Để thị trường xăng dầu ổn định trở lại, chúng ta cần quan tâm đến một số vấn đề như: Thứ nhất, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, trong đó nên thể hiện một vai chịu trách nhiệm chính chứ không phải chủ trì công tác điều hành.
Thứ hai, các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý, đặc biệt là Bộ Công Thương phải theo dõi sát diễn biến và dự báo sát tình hình thế giới để có những điều chỉnh phù hợp.
Thứ ba, cần có sự phối hợp với các cơ quan cung ứng nguồn lực tài chính như ngân hàng và bản thân các doanh nghiệp phải tự bảo vệ mình, có chính sách, có các phương tiện phòng ngừa rủi ro tỷ giá.
Thực tế đã chứng minh xăng dầu là một mặt hàng rất nhạy cảm, biến động thất thường, trên thế giới đã sử dụng công cụ phổ biến đó là bảo hiểm giá, nghĩa là ký kết hợp đồng tương lai hoặc kỳ hạn xác định giá tại thời điểm này nhưng hàng giao sau. Để làm được việc đó, chúng ta phải có cơ chế chính sách đáp ứng được yêu cầu thực thi một cách công bằng, khách quan. Tránh tình trạn trong quá trình sử dụng công cụ bảo hiểm giá mà lỗ thì bị xử lý, còn lãi được khen thưởng là không nên.
Nguồn: https://diendandoanhnghiep.vn/xay-dung-co-che-chinh-sach-tranh-rui-ro-cho-thi-truong-xang-dau-234219.html