Vụ “ngâm” thủ tục Hải quan: Trách nhiệm thuộc về ai?
Dù quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thế nhưng, sau hơn 5 tháng tiếp nhận hồ sơ, Tổng cục Hải quan lại cho rằng, chậm vì Bộ Công Thương chưa trả lời
Xoay quanh phản ánh của Công ty cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn có địa chỉ tại Tổ 4, phường Đức Xuân, TP. Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn về việc thủ tục phân tích, phân loại hàng hóa đối với sản phẩm bột kẽm oxit (bột oxit kẽm) của doanh nghiệp bị “ngâm” hơn 5 tháng chưa được giải quyết khiến hoạt động sản xuất – kinh doanh chịu nhiều khó khăn, và đứng trước nguy cơ phá sản.
Trong đó, ngoài chi phí vận hành, nhân công,… phải gánh do hàng hóa sản xuất ra không xuất đi được vì phải chờ Thông báo kết quả phân tích kèm mã số hàng hóa xuất khẩu, doanh nghiệp còn đứng trước nguy cơ bị phạt hàng chục tỷ đồng từ phía đối tác do không đáp ứng được việc giao hàng như đã ký kết trong hợp đồng.
Thế nhưng, thay vì tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp sau hơn 5 tháng tiếp nhận hồ sơ, thu thập mẫu sản phẩm để kiểm định, Tổng cục Hải quan lại có động thái “đá bóng trách nhiệm” sang Bộ Công Thương.
Cụ thể, sau những phản ánh của cơ quan báo chí và doanh nghiệp, cùng kiến nghị của UBND tỉnh Bắc Kạn, ngày 25/5/2022, Tổng cục Hải quan có văn bản số 1861/TCHQ-KĐHQ do Phó Tổng cục trưởng – Lưu Mạnh Tưởng ký về việc mặt hàng khai báo là “bột kẽm oxit” của Công ty cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn gửi UBND tỉnh Bắc Kạn và Công ty cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn.
Tại nội dung văn bản của mình, Tổng cục Hải quan cho rằng: “Mặt hàng khai báo là “bột kẽm oxit” của Công ty cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn là mặt hàng phức tạp, có nhiều vướng mắc, các văn bản hướng dẫn của Bộ chuyên ngành chưa có quy định rõ ràng về điều kiện xuất khẩu và tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu của mặt hàng bột oxit kẽm”.
“Ngày 04/4/2022, Tổng cục Hải quan đã có công văn số 1140/TCHQ-GSQL v/v xuất khẩu bột oxit kẽm gửi Bộ Công Thương đề nghị có ý kiến hướng dẫn cụ thể về việc xuất khẩu quặng nguyên khai, quặng tinh chì, kẽm và bột oxit kẽm. Ngày 09/5/2022, Tổng cục Hải quan có công văn số 1632/TCHQ-GSQL đề nghị Bộ Công Thương sớm trả lời văn bản số 1140/TCHQ-GSQL ngày 04/4/2022. Tuy nhiên, Bộ Công Thương chưa có công văn phản hồi.
Vì vậy, Tổng cục Hải quan chưa đủ căn cứ để thực hiện thủ tục hải quan theo quy định. Sau khi nhận được hướng dẫn của Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan sẽ thực hiện các thủ tục tiếp theo theo quy định”, nội dung văn bản số 1861/TCHQ-KĐHQ thể hiện.
Theo nội dung văn bản, đến bao giờ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp sẽ được giải quyết? Trong khi, theo quy định tại Quyết định số 4286/QĐ-TCHQ ngày 31/12/2015 của Tổng cục Hải quan về việc Ban hành quy trình kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Mục 3 – Phần I về xác định trước xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu quy định:
“3. Ban hành văn bản Thông báo kết quả xác định trước xuất xứ:
3.1. Trường hợp thông thường: trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ, công chức xử lý đề xuất lãnh đạo Tổng cục ban hành văn bản gửi người khai hải quan thông báo kết quả xác định trước xuất xứ hàng hóa;
3.2. Trường hợp phức tạp, cần xác minh: trong thời gian 60 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, công chức xử lý đề xuất lãnh đạo Tổng cục ban hành văn bản gửi người khai hải quan thông báo kết quả xác định trước xuất xứ hàng hóa;
Mẫu Thông báo kết quả xác định trước xuất xứ (Mẫu 01/XĐTXX/2015) được ban hành kèm theo Quy trình này”.
Vậy hơn 5 tháng đã qua, các đơn vị của Tổng cục Hải quan đã làm gì? Khi theo quy định đối với trường hợp sản phẩm phức tạp như khẳng định tại văn bản số 1861/TCHQ-KĐHQ, cần xác minh thì thời gian để giải quyết thủ tục chỉ là 60 ngày.
Chưa kể, như khẳng định của doanh nghiệp trong tài liệu cung cấp cho cơ quan Hải quan và kết luận tại văn bản số 202/HQBK-CV ngày 10/11/2021 của Chi cục Hải quan Bắc Kạn về sản phẩm bột oxit kẽm, thì đây là sản phẩm được sản xuất từ nguồn nguyên liệu bụi lò công nghiệp, xỉ luyện chì – Nhà máy luyện chì và Bột oxit kẽm nhập khẩu từ Mexico chứ không phải sản xuất từ nguồn nguyên liệu quặng nguyên khai nên không bị hạn chế xuất khẩu theo điểm đ mục 5 Điều 1 Quyết định số 1997/QĐ-TTg ngày 13/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Vậy, vướng mắc gì khiến việc giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp kéo dài hơn 5 tháng qua?
Trong khi, đây là thủ tục phân tích, phân loại mã HS cho sản phẩm, do các cơ quan Kiểm định Hải quan thực hiện, việc xin hướng dẫn của Bộ Công Thương ở đây là hướng dẫn gì? Có nằm trong quy trình giải quyết thủ tục này cho doanh nghiệp hay không? Những thiệt hại của doanh nghiệp (nếu có) từ sự trì trệ này, thuộc về đơn vị nào?
Trước đó, kết luận phiên họp Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, mục tiêu trong năm 2022 phải tạo ra bước đột phá trong cải cách hành chính. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải chịu trách nhiệm về công tác này, vào cuộc mạnh mẽ, “đã nói phải làm”, cầu thị lắng nghe và tiếp thu ý kiến người dân, doanh nghiệp, khơi dậy và huy động mọi nguồn lực phát triển đất nước, nâng cao hiệu quả, hiệu lực điều hành của các bộ, ngành, địa phương.
Vậy, với những diễn biến từ vụ việc đã nêu, liệu đã có sự cải cách trong giải quyết thủ tục hành chính hay chưa? Trong khi doanh nghiệp đã và đang phải hứng chịu thiệt hại đơn, thiệt hại kép và đứng trước nguy cơ phá sản thì việc giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp của Tổng cục Hải quan vẫn chỉ là chờ… “vô thời hạn”?
Diễn đàn Doanh nghiệp xin gửi những nội dung này đến Bộ Tài chính, Bộ Công Thương để tìm câu trả lời và sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc!
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn