Viettel muốn mở rộng các dịch vụ thu phí không dừng

Từ nền tảng thu phí tự động không dừng ePass, Viettel kiến nghị Bộ GTVT cho khai thác thêm các dịch vụ như thu phí nội đô, sân bay, bãi đỗ xe…

Sau thời gian đầu tư dịch vụ thu phí điện tử không dừng trên các tuyến đường bộ, tập đoàn Viettel đang kiến nghị Bộ GTVT cho mở rộng loại hình kinh doanh của Công ty CP Giao thông số (VDTC).

Kiến nghị này nhằm bù đắp doanh thu và chi phí thiếu hụt trong quá trình triển khai dự án thu phí không dừng BOO2 của VDTC.

Mở rộng ứng dụng ePass

Trong công văn gửi Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ mới đây, tập đoàn Viettel kiến nghị Bộ GTVT cho phép VDTC tham gia cung cấp dịch vụ thu phí không dừng (ETC) đối với các tuyến quốc lộ và cao tốc trên toàn quốc, trong đó có các tuyến cao tốc do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư.

Viettel cũng kiến nghị cho VDTC được triển khai mở rộng các dịch vụ mới như thu phí nội đô, thu phí sân bay; giải pháp thẻ vé điện tử, thu phí bãi đỗ xe thông minh, các sản phẩm dịch vụ số như Vcar, Car Doctor, Connected Car…

Viettel muốn mở rộng các dịch vụ thu phí không dừng
Viettel muốn mở rộng thị trường cung ứng dịch vụ thu phí tự động, trong đó có thu phí nội đô, sân bay… Ảnh minh họa: Việt Linh.

Những loại hình dịch vụ mới được Viettel liệt kê cơ bản phù hợp với định hướng phát triển trong tương lai của VDTC. Tuy nhiên, thu phí nội đô hay thu phí sân bay cũng là các chủ đề gây tranh luận sôi nổi.

Trong đó, việc thu phí nội đô mới dừng ở bước lên ý tưởng, đề án… Còn việc thu phí vào sân bay đang được ACV duy trì nhưng gây tranh cãi gay gắt vì cách tính phí với các phương tiện chỉ ra vào sân bay trong thời gian ngắn.

Bên cạnh định hướng khai thác dịch vụ thu phí nội đô, sân bay… Viettel cũng mong muốn khai thác dịch vụ quảng cáo, truyền thông trên các kênh sở hữu của VDTC, môi giới sản phẩm bảo hiểm, đại lý phát triển user… trên nền tảng thu phí tự động không dừng ePass nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư dự án.

Tập đoàn Viễn thông Quân đội kiến nghị Bộ GTVT cho phép Công ty VDTC được tham gia với tư cách nhà thầu cung cấp thiết bị, lắp đặt hệ thống thu phí không dừng cho các trạm thu phí do các nhà đầu tư BOT triển khai.

Doanh nghiệp cho biết các chi phí, doanh thu phát sinh liên quan trong quá trình thực hiện sẽ được VDTC cập nhật, tính toán trong phương án tài chính của dự án BOO2,

VDTC thua lỗ

VDTC là doanh nghiệp dự án được Viettel và liên danh nhà đầu tư thành lập để thực hiện Dự án thu phí đường bộ tự động không dừng giai đoạn 2. Dự án do Tổng cục Đường bộ ký hợp đồng với liên danh nhà đầu tư theo hình thức Xây dựng – Sở hữu – Kinh doanh (BOO2).

Sau quá trình điều chỉnh, phạm vi dự án BOO2 gồm 40 trạm với 183 làn thu phí. Trong đó, VDTC đã đầu tư hạ tầng công nghệ (Front – End) tại 25 trạm với 128 làn ETC. Bên cạnh đó, VDTC cũng liên thông hệ thống thu phí không dừng với Công ty TNHH Thu phí tự động VETC để đảm bảo xe dán thẻ ePass có thể sử dụng dịch vụ ETC tại tất cả trạm do 2 doanh nghiệp này triển khai.

VDTC sẽ thu về lợi nhuận bằng cách trích một phần doanh thu thu phí không dừng của chủ đầu tư tuyến đường bộ. Lưu lượng phương tiện sử dụng dịch vụ ePass càng lớn thì doanh thu của VDTC càng cao.

Viettel muốn mở rộng các dịch vụ thu phí không dừng
Viettel cho biết doanh thu của VDTC sụt giảm một phần do lưu lượng phương tiện và lộ trình tăng giá vé không như dự kiến. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.

Thời gian qua, tập đoàn Viettel nhận thấy VDTC đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai vận hành. Cụ thể, doanh thu tại nhiều trạm không đạt như dự kiến, giá dịch vụ trong vòng đời dự án giảm 2.596 tỷ đồng và phát sinh thêm chi phí trong quá trình vận hành (ước tính 1.350 tỷ đồng).

Riêng năm 2021, giá dịch vụ chỉ đạt 85,2/320,95 tỷ đồng, tương đương 26,5%. Lợi nhuận trước thuế năm 2021 của VDTC lỗ 152 tỷ đồng (riêng hợp đồng BOO lỗ 25 tỷ đồng).

Viettel nhận định giá dịch vụ thực tế sẽ còn tiếp tục giảm trong các năm tới so với quy định của hợp đồng BOO do sụt giảm lưu lượng phương tiện qua trạm và lộ trình tăng giá vé không như dự kiến.

Điển hình trong quá trình vận hành thu phí năm 2021, không có trạm nào đạt giá dịch vụ theo hợp đồng BOO. Thậm chí, nhiều trạm chỉ đạt tỷ lệ thấp như trạm T1 – quốc lộ 91 đạt 10%, cầu Văn Lang đạt 11%, hầm Đèo Cả đạt 11%, Thái Nguyên – Chợ Mới đạt 14%…

“Nếu vẫn duy trì thực trạng trên thì các năm tới, dòng tiền từ việc cung cấp dịch vụ thu phí không dừng sẽ không đủ để duy trì hoạt động hiệu quả và đảm bảo thời gian hoàn vốn”, công văn của Viettel kết luận.

Nguồn: zingnews.vn

Bài Viết Liên Quan

Back to top button