Việt Nam trước làn sóng FDI mới
Ngày 1/8/2025, mốc thời gian được cả thế giới theo dõi sát sao, đánh dấu thời điểm chính sách thuế quan mới của Mỹ có hiệu lực.
Những thay đổi này không chỉ định hình lại quan hệ thương mại Mỹ – Trung, mà còn đẩy nhanh tiến trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang nổi lên là một trong những điểm đến hấp dẫn, với dòng vốn FDI dự báo sẽ rõ nét và tăng tốc mạnh hơn.

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2025, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 21,51 tỷ USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, không chỉ số lượng dự án tăng, mà quy mô vốn cũng mở rộng, cho thấy niềm tin ngày càng lớn của nhà đầu tư quốc tế vào thị trường Việt Nam. Đây không đơn thuần là những con số khởi sắc, mà còn là chỉ báo cho thấy Việt Nam đang được lựa chọn là trung tâm chiến lược trong quá trình dịch chuyển đầu tư toàn cầu.
Hồi đầu tháng 7, trong bài đăng trên mạng xã hội, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã công bố mức thuế 20% đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ, mức thuế 40% đối với hàng hóa bị coi là “trung chuyển”, không ít người lo ngại rằng đây sẽ là lực cản lớn với dòng vốn đầu tư. Tuy nhiên, thực tế đang cho thấy phản ứng của khối doanh nghiệp FDI không phải là rút lui, mà là thích ứng bằng chiến lược “đa dạng hóa thị trường”.
Theo khảo sát từ AmCham Vietnam, 41% doanh nghiệp FDI đang tìm cách giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ, thay vì chuyển nhà máy khỏi Việt Nam. Đáng chú ý, mô hình “Trung Quốc +1” thiết lập cơ sở sản xuất ngoài Trung Quốc đang dần chuyển thành “Việt Nam +1”. Trong đó, Việt Nam vẫn giữ vai trò trung tâm trong chuỗi cung ứng, nhưng các doanh nghiệp bổ sung thêm cơ sở sản xuất vệ tinh ở các quốc gia khác để phân tán rủi ro.
Trong bối cảnh cạnh tranh khu vực ngày càng khốc liệt, chính sách thu hút FDI của Việt Nam không thể tiếp tục dựa vào lợi thế chi phí lao động thấp hay ưu đãi thuế đơn thuần. Những thay đổi về thuế quan toàn cầu, đặc biệt là các hàng rào kỹ thuật và quy định xuất xứ ngày càng nghiêm ngặt, đang tạo áp lực buộc Việt Nam phải nâng cấp chiến lược.
Mô hình gia công, lắp ráp với tỷ lệ nội địa hóa thấp đã bộc lộ nhiều điểm yếu. Khi các doanh nghiệp không thể chứng minh đủ giá trị gia tăng nội địa, hàng hóa sẽ không thể hưởng ưu đãi thuế hoặc dễ bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây chính là hồi chuông cảnh báo cho Việt Nam: Đã đến lúc cần chuyển đổi mô hình thu hút FDI theo hướng chọn lọc, ưu tiên các dự án có khả năng chuyển giao công nghệ, liên kết với doanh nghiệp trong nước và tạo ra giá trị gia tăng thực chất cho nền kinh tế.
Thời điểm vàng tái định hình chính sách FDI
Theo ông Nguyễn Đình Nam – Chủ tịch IPA Vietnam, nếu Việt Nam tiếp tục duy trì vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu và đàm phán hiệu quả với các đối tác lớn như Mỹ, cơ hội để trở thành trung tâm trung chuyển đầu tư mới trong khu vực là hoàn toàn khả thi. Đặc biệt, từ năm 2026 trở đi, khi hệ thống hành chính hai cấp vận hành ổn định, cải cách thể chế được đẩy mạnh và khung pháp lý trở nên minh bạch hơn, làn sóng FDI mới được dự báo sẽ bùng nổ mạnh mẽ.
Thực tế, nhiều tập đoàn lớn đã và đang dịch chuyển chuỗi cung ứng về phía Việt Nam. Trong tháng 3/2025, hai đoàn doanh nghiệp Mỹ bao gồm các tên tuổi như Apple, Boeing, Intel, Amazon và Coca-Cola đã đến Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư. Nhà máy của tập đoàn Lite-On (Đài Loan) tại Quảng Ninh, với tổng vốn đầu tư 690 triệu USD cũng đã chính thức khởi công. Ngoài ra, các “ông lớn” như SCG (Thái Lan), Hyosung (Hàn Quốc), Warburg Pincus (Mỹ)… đang đẩy mạnh đầu tư hàng tỷ USD vào các lĩnh vực trọng yếu như hóa dầu, vật liệu mới, công nghệ sinh học và hạ tầng du lịch.
Việt Nam đang nắm trong tay nhiều lợi thế chiến lược: vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng logistics ngày càng cải thiện, chi phí nhân công cạnh tranh và mạng lưới FTA rộng khắp (CPTPP, EVFTA, RCEP…). Tuy nhiên, để thực sự chuyển hóa những lợi thế này thành động lực tăng trưởng bền vững, cần tiếp tục tháo gỡ các điểm nghẽn cốt lõi.
Đầu tiên, cải cách thủ tục hành chính, vốn vẫn là lực cản khiến nhiều nhà đầu tư e dè. Thứ hai là đơn giản hóa quy trình cấp thị thực cho chuyên gia, kỹ sư, nhà quản lý cấp cao, lực lượng then chốt trong quá trình vận hành và chuyển giao công nghệ. Thứ ba là hoàn thiện khung pháp lý theo hướng minh bạch, ổn định và có khả năng dự báo cao.
Song song với đó, Việt Nam cần nâng cao năng lực của chính doanh nghiệp trong nước. Chỉ khi doanh nghiệp nội địa đủ năng lực tham gia chuỗi cung ứng của các tập đoàn toàn cầu, giá trị FDI mới thực sự lan tỏa vào nền kinh tế. Chính sách ưu đãi đầu tư cần chuyển từ hình thức “trải thảm đỏ đại trà” sang “lựa chọn có điều kiện”, với trọng tâm là hiệu quả kinh tế, công nghệ và khả năng liên kết vùng.
Chính sách thuế mới của Mỹ rõ ràng là một thách thức trong ngắn hạn, nhất là với các ngành có tỷ lệ nhập khẩu nguyên phụ liệu cao từ Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu biết chủ động cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh và tái định vị trong chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam hoàn toàn có thể biến thách thức thành cơ hội.
FDI không chỉ là vốn. FDI là công nghệ, là thị trường, là động lực cải cách. Và nếu Việt Nam hành động đủ nhanh, đủ quyết liệt, dòng vốn hậu 1/8 sẽ không chỉ “rõ nét hơn”, mà còn trở thành đòn bẩy chiến lược cho tăng trưởng bền vững trong thập kỷ tới.
Minh Phong – Diễn đàn Doanh nghiệp