Việt Nam sẽ chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon từ 2028
Thị trường carbon là một công cụ kinh tế quan trọng nhằm giải phát thải khí nhà kính (KNK) và thúc đẩy phát triển bền vững. Thông qua cơ chế mua bán hạn ngạch phát thải, các doanh nghiệp và tổ chức có thể tối ưu hóa chí phí giải phát thải, đồng thời khuyến khích các hoạt động đầu tư vào công nghệ sạch và năng lượng tái tạo.
Thị trường carbon được bắt nguồn từ Nghị định thư Kyoto của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, được thông qua vào năm 1997. Theo Nghị định thư Kyoto, các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán cho hoặc mua từ các quốc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu cam kết.
Từ đó, trên thế giới xuất hiện loại hàng hóa mới là các chứng chỉ giảm/hấp thụ phát thải khí nhà kính. Do carbon (CO2) là khí nhà kính quy đổi tương đương của mọi khí nhà kính nên các giao dịch được gọi chung là mua bán, trao đổi carbon, hình thành nên thị trường tín chỉ carbon. Ngày nay, thị trường carbon đang phát triển mạnh mẽ dưới hai hình thức chính: thi trường giao dịch phát thải (ETS) và thị trường tín chỉ carbon tự nguyện.
Ở Việt Nam, thị trường tín chỉ carbon được xây dựng dựa trên Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, với mục tiêu thúc đẩy các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia. Việc xây dựng thị trường carbon là một trong những cam kết quan trọng để thực hiện thỏa thuận Paris và các mục tiêu tại COP26 về đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Nền tảng pháp lý cho thị trường carbon đã được hình thành thông qua Luật Bảo vệ Môi trường 2020 và Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, trong đó quy định về việc trao đổi hạn ngạch phát thải và tín chỉ carbon thông qua sàn giao dịch, góp phần phát triển thị trường carbon trong nước.
Theo lộ trình, đến cuối năm 2024 thị trường carbon sẽ được hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và hạ tầng kỹ thuật; nâng cao năng lực quản lý của cơ quan nhà nước và nhận thức của doanh nghiệp. Giai đoạn từ năm 2025-2027, thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon nội địa (bao gồm giao dịch hạn ngach phát thải và tín chỉ carbon), đánh giá kết quả thí điểm; tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và hạ tầng kỹ thuật.
Từ năm 2028, sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức hoạt động, đồng thời nghiên cứu khả năng kết nối với thị trường carbon khu vực và thị trường carbon thế giới.
Thị trường carbon sẽ có sự tham gia của hai nhóm chủ thể chính là nhà đầu tư và tổ chức trung gian. Nhà đầu tư được hiểu bao gồm 3 đối tượng: cơ sở thuộc Danh mục phải kiểm kê khí nhà kính; tổ chức thực hiện chương trình, dự án tạo tín chỉ các bon trong nước hoặc quốc tế; tổ chức, cá nhân đủ điều kiện tham gia hoạt động đầu tư, kinh doanh tín chỉ carbon.
Về nhiệm vụ phát triển thị trường carbon, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chịu trách nhiệm quản lý và vận hành thị trường carbon, bao gồm: Phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính và xác nhận tín chỉ carbon, các giao dịch này được thực hiện trên sàn; Xây dựng và thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon; Hướng dẫn đấu giá, chuyển giao, vay mượn và nộp trả hạn ngạch phát thải khí nhà kính.
Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ vận hành thị trường carbon trong nước và tham gia thị trường carbon quốc tế. Bộ này sẽ thí điểm và triển khai sàn giao dịch tín chỉ carbon để quản lý, theo dõi và giám sát thị trường này.
Về mặt vận hành, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm quản lý và vận hành thị trường carbon trong nước, đồng thời giám sát sàn giao dịch tín chỉ carbon, theo các quy định của Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 và các nghị định liên quan.
Hiện nay, các thí điểm như Chương trình giảm phát thải thông qua nỗ lực chống mất rừng và suy thoái (REDD+) và cơ chế tín chỉ carbon tự nguyện đã bước đầu tạo nền móng cho việc phát triển thị trường carbon ở Việt Nam. Tuy nhiên, thách thức về hạn tầng kỹ thuật, năng lực quản lý và nhận thức của các bên liên quan vẫn cần được giải quyết để đảm bảo thị trường carbon hoạt động hiệu quả, minh bạch và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Với những bước đi cụ thể và sự cam kết mạnh mẽ từ Chính phủ, Việt Nam đang từng bước khẳng định vai trò tiên phong trong khu vực Asean trong việc phát triển thị trường carbon, góp phần vào nỗ lực toàn cầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Lê Minh